Trao đổi với Báo Người Lao động ngày 11-6, TS Lê Hồng Sơn - Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp - cho biết, những ý kiến mà ông đọc được trên báo, ngay cả của Bộ trưởng Giáo dục -Đào tạo Phạm Vũ Luận, nói về vi phạm của Dân lập Đồi Ngô (ở huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang) đều chưa được chuẩn về cả lý và tình.
Trả lời báo chí, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết theo quy chế về thi tốt nghiệp THPT thì việc các thí sinh làm như vậy là vi phạm quy chế. Nhưng việc xử lý thế nào cần phải cân nhắc theo hướng giúp thí sinh nhận ra sai phạm, làm bài học và nhằm mục đích giúp thí sinh trở thành người tốt. |
Theo TS Sơn, nói một số thí sinh, giám thị sai thì dễ nói với nhau nhưng Bộ Giáo dục - Đào tạo rồi Sở Giáo dục - Đào tạo Bắc Giang nói thí sinh quay clip cũng sai, đặt hai cái sai ngang nhau là sai hoàn toàn về bản chất.
Ông Lê Hồng Sơn cho biết, quy chế thi tốt nghiệp của Bộ Giáo dục - Đào tạo quy định thí sinh không được mang thiết bị thu phát thông tin dưới bất cứ hình thức nào là một cách nói chung chung, không cụ thể.
"Việc mang thiết bị vào phòng để phục vụ mục đích quay cóp khác hẳn với mục đích chứng minh vi phạm pháp luật. Trang thiết bị điện tử, thu phát thông tin có rất nhiều loại và bút quay không thể phục vụ được mục đích quay cóp của học sinh" - TS Sơn nhận định.
“Đó là cái sai về mặt hình thức khi quy chuẩn, quy chế của anh (Bộ GD-ĐT) chưa chuẩn. Hành vi này đáng biểu dương, tôn vinh” - TS Sơn tỏ quan điểm.
Ông Lê Hồng Sơn cũng cho rằng, học sinh quay clip đang phải chịu rất nhiều sức ép từ cộng đồng và địa phương nên rất cần được bảo vệ. "Việc xử lý vụ việc phải khéo léo, tránh để người chống tiêu cực đơn thương một mình gánh hậu quả" - TS Sơn đề nghị.
Theo quy chế thi tốt nghệp THPT năm 2012 của Bộ Giáo dục - Đào tạo, thí sinh sẽ bị đình chỉ thi nếu: Mang vào phòng thi tài liệu và các vật dụng bị cấm mang vào phòng thi trong thời gian từ lúc bắt đầu phát đề thi đến hết giờ làm bài (đã hoặc chưa sử dụng); sử dụng tài liệu liên quan đến việc làm bài thi và các phương tiện thu phát thông tin dưới bất kỳ hình thức nào, kể cả trong và ngoài phòng thi; nhận bài giải sẵn của người khác (đã hoặc chưa sử dụng); chuyển giấy nháp cho thí sinh khác hoặc nhận giấy nháp của thí sinh khác; cố tình không nộp bài thi, dùng bài thi hoặc giấy nháp của người khác để nộp làm bài thi của mình hoặc làm bài giống nhau (do chép bài của nhau) bị giám khảo phát hiện.
|
Bình luận (0)