Người giáo viên không những dạy chữ mà còn dạy cả làm người - nhà giáo ở phương nào cũng đặt 2 nhiệm vụ ấy lên trên hết trong sự nghiệp trồng người của mình. Và với những giáo viên vùng bản, để thực hiện tốt 2 nhiệm vụ ấy, họ đều phải luôn mang theo một trái tim sẵn sàng hy sinh thầm lặng. Cô giáo Nguyễn Thị Thúy Phụng, Chủ tịch Công đoàn - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học & THCS Hướng Việt (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị), là một trong số đó.
Hành trình yêu thương
Vào với Trường Tiểu học & THCS Hướng Việt, cô nắm tình hình các em học sinh lớp 1, 2 vắng học nhiều và dài ngày, chất lượng giáo dục chưa cao. Một trong những nguyên nhân chính là các em thường đi học buổi sáng, buổi chiều do không có người đưa đón nên phải nghỉ học ở nhà. Cô Phụng đã cùng với các thầy cô giáo trong trường thực hiện hành trình "Bản làng em yêu", đến từng nhà, gõ từng cửa để hỏi han, vận động các em đến lớp. Không kể thời tiết như thế nào, ngày đêm ra sao, miễn thời cơ thuận lợi, cô lại theo đường làng, ngõ bản đến kêu gọi, động viên các em đến lớp. Với những trường hợp khó, cô còn phối hợp với cả công an, trưởng thôn, cán bộ, lãnh đạo xã cùng đồng hành trên con đường vận động học sinh.
Cô Nguyễn Thị Thúy Phụng tới nhiều nhà động viên phụ huynh cho con tới trường
Yêu cầu đặt ra là các em phải mỗi ngày 2 buổi đến trường thì mới đọc - viết - tính toán thành thạo, bảo đảm kiến thức. Cô Phụng mạnh dạn bàn bạc với nhà trường tổ chức mô hình "Bán trú dân nuôi", nghĩa là các em sẽ ở lại ăn và nghỉ buổi trưa tại trường.
Mô hình trên xuất phát từ việc trong một cuộc họp hội đồng sư phạm nhà trường, cô đã vận động các giáo viên, nhân viên trong trường hằng tháng sẽ góp một khoản tiền để mua thức ăn, cử người thay phiên nhau nấu cho các em để có một bữa ăn bảo đảm dinh dưỡng hơn, mà cô gọi đó là chương trình "Bữa ăn có thịt". Cô chia sẻ: "Thật sự mà nói, với các em vùng thuận lợi, một miếng thịt nhiều khi không mấy giá trị nhưng đối với học sinh nơi đây, bữa cơm có thịt là niềm vui, niềm hạnh phúc, là động lực vô cùng to lớn".
Với sự nhiệt tình, tâm huyết của cô, 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên trong trường đã đồng ý trích một khoản tiền riêng để mua thịt cá, thức ăn bổ sung cho học sinh.
Tất cả vì thế hệ tương lai
Ngày 18-10-2020, ngôi trường Hướng Việt là trung tâm của một vụ lũ quét lớn chưa từng thấy. Sau cơn tan hoang ấy, chính cô Phụng đã trở thành một trong những nữ giáo viên mạnh mẽ nhất gắn bó với các thầy giáo từ ngày đầu đến ngày cuối khắc phục hậu quả sau lũ.
Thầy Nguyễn Văn Tý, Hiệu trưởng nhà trường, tâm sự: "Thật sự Hướng Việt vào thời khắc ấy vô cùng nguy hiểm, bùn cao gần 1 m, sạt lở đất vẫn xảy ra có thể chôn vùi tất cả bất cứ lúc nào. Song với tình yêu con trẻ, vì sự gắn bó với những "đứa con không dứt ruột đẻ ra" (từ mà cô Phụng gọi các em học sinh của mình), các cô đã bám trụ đến cùng, chung sức để ngày đến trường trở lại, ngày cô trò gặp nhau".
Hơn ai hết, là một người công tác vùng khó lâu năm, cô Phụng luôn hiểu gia đình các em học sinh từ trước đã chật vật, nay lũ quét về, khó khăn chồng chất khó khăn. Cô đã kêu gọi được nhiều nhà tài trợ, từ thiện về với với Hướng Việt. Các món quà mà cô kết nối được mang lại giá trị to lớn cả vật chất lẫn tinh thần đối với người dân và các em học sinh trong toàn trường. Cô luôn mong muốn làm tất cả những gì có thể để cải thiện cuộc sống cho các em.
Khoảng 1 tháng sau, Hướng Việt cơ bản đã trở lại như bình thường, các em học sinh đã đến lớp. Lúc này, cô Phụng vì lo cho kiến thức bị hụt trong 1 tháng nghỉ học ấy, cô đã ra sức chỉ đạo giáo viên tập trung bám sát chất lượng giáo dục. Cô nói: "Trong giáo dục, chất lượng là hàng đầu". Sau đó là những chuỗi ngày cô cùng với các giáo viên khác bám lớp; cô thường xuyên dự giờ thăm lớp; xin phép dạy thay các lớp khác để nắm chắc tình hình học tập của học sinh, từ đó có hướng chỉ đạo kịp thời.
Cô luôn thăm hỏi, động viên, quan tâm đến tất cả học sinh, đặc biệt là các em đầu cấp và học sinh bị bệnh hiểm nghèo. Hồ Thủy Linh - một cô bé với gương mặt phúc hậu, chăm chỉ học tập nhưng cuộc đời thật trớ trêu khi em mắc căn bệnh xương thủy tinh. Trải qua 18 lần phẫu thuật nhưng vẫn không thể cứu vãn được đôi chân nhỏ bé, tháng 9-2022, các bác sĩ buộc phải cắt bỏ bàn chân ấy để giữ mạng sống cho em. Đau đớn trước những bất hạnh mà học trò mình phải gánh chịu, cô đã không biết bao lần kêu gọi các nhà hảo tâm cùng chung tay cứu giúp...
Ngày em cắt bỏ bàn chân, hoàn thành cuộc phẫu thuật hy vọng là cuối cùng, cô Phụng đã vượt hơn 100 km về TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị để đợi đón bố con Thủy Linh.
Phụ huynh của em Hồ Thi Krông Huyền, học sinh lớp 5A, cho biết: "Cô Phụng thật là một cô giáo tuyệt vời, người dân Vân Kiều nơi đây rất cảm ơn cô, cô dạy chữ tâm huyết mà trái tim cô cũng nhân hậu quá".
Cho đi là nhận lại
Bên cạnh công việc chuyên môn ở trường, cô Nguyễn Thị Thúy Phụng cũng chú trọng đến việc học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ để phục vụ tốt nhất cho công việc. Năm 2019, cô thi cao học tại Trường ĐH Sư phạm Huế và trở thành thủ khoa tuyển sinh ngành quản lý giáo dục, hiện cô là thạc sĩ quản lý giáo dục.
Ngoài ra, cô luôn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, đặc biệt chương trình Hiến máu tình nguyện - nhân đạo, cô Phụng có lượt đăng ký và hiến tặng máu nhiều nhất trong những cô giáo ở trường. Với cô Phụng, cho đi chính là nhận lại.
ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH
Bình luận (0)