Nếu có lần ghé thăm trường THCS - THPT Nguyễn Tất Thành (quận Cầu Giấy, TP Hà Nội), bất kỳ ai cũng sẽ thấy choáng ngợp bởi không gian sinh động và tràn ngập sắc màu hội họa. Không gian này ghi dấu bởi họa sĩ - thầy giáo Nguyễn Tuấn Sơn (44 tuổi) với những câu chuyện mỹ thuật giàu ý nghĩa.
Cuộc gặp gỡ định mệnh
Cơ duyên bước vào nghề giáo của thầy Nguyễn Tuấn Sơn bắt đầu từ cuộc hội ngộ đặc biệt với PGS-TS - Nhà giáo Ưu tú Vương Dương Minh, Hiệu trưởng đầu tiên của Trường THCS - THPT Nguyễn Tất Thành.
Thầy giáo Nguyễn Tuấn Sơn cùng các học sinh Trường THCS-THPT Nguyễn Tất Thành. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Thầy Sơn bồi hồi: "Năm 2003, tôi may mắn được gặp thầy Vương Dương Minh. Thầy Minh kể cho tôi rất nhiều chuyện, nhất là những câu chuyện khi thầy sinh sống tại Nga. Thầy nói khi một người lao động Nga được lĩnh lương, họ sẽ không vội mua bánh mì hay gạo mà dùng một phần tiền để mua tranh. Gia đình Nga nào cũng có tranh và chúng được treo tại những vị trí trang trọng nhất trong nhà".
Chính tình yêu hội họa, đời sống tâm hồn tràn đầy chất thơ của người Nga đã khiến thầy Vương Dương Minh nảy ra ý tưởng bồi dưỡng, phát triển các môn nghệ thuật cho học sinh Trường Nguyễn Tất Thành. Cảm động trước tầm nhìn của thầy Vương Dương Minh, anh Nguyễn Tuấn Sơn - khi ấy vẫn còn là chàng trai mới tốt nghiệp - đã tin rằng giáo dục hội họa chính là con đường mà mình nên theo đuổi.
Thầy Sơn nhớ lại: "Thời gian đầu, tôi phụ trách dạy mỹ thuật cho các lớp chất lượng cao của khối THPT. Thực sự tôi khá lo bởi vào những năm 2000, mỹ thuật không phải là môn được học sinh và phụ huynh chú trọng. Họ muốn con mình tập trung vào các môn toán, văn, Anh thay vì mải mê với những môn "không thực tế". Nhưng học sinh đã làm tôi ngạc nhiên, các em hăng hái phát biểu, đóng góp ý tưởng giúp tiết học sôi nổi vô vùng. Cứ thế sau nhiều năm, ngoài công việc là một họa sĩ, tôi tự hào với danh xưng là một nhà giáo".
Hơn 20 năm công tác, thầy Nguyễn Tuấn Sơn đã giúp bộ môn mỹ thuật ở Trường Nguyễn Tất Thành "gặt hái" vô số giải thưởng. Tiêu biểu như giải nhất Vẽ tranh bậc THPT quốc tế của em Thái Thị Thu Hằng - HCV đầu tiên của đoàn Việt Nam trong giải này; 3 giải nhất cuộc thi Thiết kế đồ họa quốc gia; 2 giải thưởng cuộc thi Thiết kế đồ họa quốc tế và vô số giải thưởng mỹ thuật lớn nhỏ khác.
Với sự dìu dắt của thầy Nguyễn Tuấn Sơn, hoạt động âm nhạc, hội họa của Trường Nguyễn Tất Thành luôn sôi nổi. Nhiều cuộc thi âm nhạc, mỹ thuật, trình diễn nghệ thuật được tổ chức xuyên suốt năm học. Đặc biệt, nhà trường thành lập các CLB nghệ thuật chuyên sâu, giúp các em thỏa mãn đam mê và khám phá năng khiếu của chính mình.
Dạy cảm thụ giá trị của cái đẹp
Hơn 20 năm công tác, giờ học mỹ thuật của thầy Sơn vẫn luôn diễn ra trong sự mong đợi của các học trò. Ngoài không gian lớp học, thầy tổ chức giờ mỹ thuật ở những địa điểm mở hơn, như sân trường, công viên, các khu di tích văn hóa ở phường. Đặc biệt, khi ở lớp học của thầy Sơn, học sinh được phép dùng nền gạch làm giấy, lấy phấn thay chì màu, thỏa sức tô vẽ theo trí tưởng tượng.
Thầy Sơn quan niệm khi giảng dạy mỹ thuật, không nên dùng lối tiếp cận cứng nhắc. Đây là nguyên nhân cản trở sự sáng tạo và phát triển nhận thức của học sinh. Hơn nữa, việc học theo khuôn mẫu sẽ khiến các em mất đi cá tính. Mặt khác, việc nhìn nhận, đánh giá năng lực của từng em là điều vô cùng quan trọng. Nếu để ý kỹ hơn, chúng ta sẽ tìm ra được rất nhiều học sinh có năng khiếu.
Hơn hết, theo thầy Sơn, giáo viên hãy tôn trọng sáng tạo của học sinh, lấy tâm thế một khán giả thưởng thức tác phẩm thay vì một thầy/cô giáo đang làm nhiệm vụ chấm bài. Các em học âm nhạc, mỹ thuật không chỉ vì đam mê cá nhân mà hãy đem đam mê ấy phục vụ cuộc đời. Như vậy giáo dục mới có ý nghĩa, nghệ thuật mới được lan tỏa và trường tồn. Xa hơn, việc cập nhật các xu hướng dạy mỹ thuật mới cũng là điều cần thiết, nhất là trong thời đại công nghệ số hiện nay.
Thầy Sơn khuyến khích học sinh gắn mỹ thuật với công nghệ, tạo ra các sản phẩm hội họa dưới nhiều phiên bản "tân tiến" như đồ họa 3D, video, nghệ thuật sắp đặt… Khi đó, mỹ thuật sẽ không chỉ là một môn học mà còn là một công việc giúp các em tạo ra các giá trị thực.
"Mỹ cảm nghe có vẻ mơ hồ nhưng lại thực sự cần thiết đối với học sinh. Ngoài việc phát triển các mặt thể chất hay tri thức, tâm hồn cũng là "địa hạt" cần được đắp bồi. Mỹ thuật và nghệ thuật chính là "chìa khóa" giúp chúng ta làm được điều đó. Tôi muốn lớp học hội họa của mình không dừng lại ở vẽ và vẽ. Xa hơn, tôi hy vọng các em có thể tạo ra tình yêu với hội họa, hiểu được thế mạnh bản thân và phát huy thế mạnh đó trong cuộc sống. Ngoài ra, việc biết cảm thụ cái đẹp sẽ là nền tảng cho lối sống lành mạnh sau này" - thầy Sơn tin tưởng.
Lấy cuộc sống làm trung tâm
Theo thầy Nguyễn Tuấn Sơn, muốn giáo dục nghệ thuật phát triển thì nhà trường, phụ huynh phải là người "tiếp lửa" cho học sinh. Sự lơ là trong việc bồi dưỡng sẽ khiến đất nước "vuột" mất nhiều tài năng. Hơn thế, giáo dục nghệ thuật phải gắn liền với thực tiễn và theo định hướng quốc tế. Nghệ thuật và cuộc sống có sự gắn bó mật thiết. Vì vậy, giáo dục nghệ thuật phải lấy cuộc sống làm trung tâm.
ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH
Bình luận (0)