Kể từ khi được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD- ĐT) cho phép chỉ có NXB Giáo dục mới được quyền in sách và phát hành SGK thì nhà NXB Giáo dục đã "đẻ" ra biết bao quy định phục vụ cho sự độc quyền đó như: cấm phát hành SGK trái tuyến, nghĩa là ở các tỉnh, công ty thiết bị trường học tỉnh nào lấy về chỉ được bán ở tỉnh đó, thừa thì ôm, thiếu thì chỉ có mua của NXB Giáo dục, hết thì chờ in... chứ không được mua các tỉnh khác, do vậy thiếu thừa không điều tiết được.
NXB Giáo dục có vẻ đã quay trở lại việc "ngăn sông, cấm chợ" trong việc xuất bản và phát hành SGK. Để phục vụ cho sự độc quyền này, từ khá lâu nhà NXB Giáo dục đã thành lập một loạt công ty thiết bị trường học chuyên phát hành SGK và các bài tập dùng kèm theo SGK ở các tỉnh.
Học sinh TP HCM mua sách giáo khoa cho năm học mới. Ảnh: Hoàng Triều
Biết được việc mua SGK là nhu cầu không thể thiếu được đối các em học sinh bước vào năm học mới nên NXB Giáo dục giảm chiết khấu tối đa để tăng lợi nhuận cho NXB khi bán SGK cho các hệ thống phát hành không thuộc nhà NXB Giáo dục như: Công ty Cổ phần Phát hành sách TP HCM, Công ty Phương Nam...
Nhiều nhân viên cửa hàng và chủ nhà sách không thuộc NXB Giáo dục nói với chúng tôi là cửa hàng của họ là nơi bán SGK không công cho NXB Giáo dục. Vì SGK được các công ty thiết bị trường học các tỉnh, thành trực thuộc NXB Giáo dục trừ chiết khấu cho họ được 12%, họ trừ cho các trường và học sinh giỏi đến mua trực tiếp 10%; bao bì, đóng gói chuyên chở 2% là hết. Khi chúng tôi hỏi như vậy thì cửa hàng bán SGK không lương cho NXB Giáo dục để làm gì? Họ trả lời để học sinh đến cửa hàng còn mua dụng cụ học sinh, tập vở... và các hàng hóa khác.
Chính sự độc quyền xuất bản và phát hành SGK của NXB Giáo dục đã nảy sinh biết bao tiêu cực: sách in rồi đã có giá lại dán tem tăng giá chồng lên, xuất bản hàng loạt bài tập dùng kèm SGK nhưng giải bài tập trực tiếp vào trong sách đó để dùng xong học sinh phải bỏ đi. Em út hoặc người thân gia đình muốn dùng lại cũng không được. Ngoài ra còn đính chính hoặc thêm một vài trang mới cho khác với sách đã phát hành năm trước rồi tăng giá...
Vấn đề SGK gặp phải hiện nay đã xuất hiện hàng chục năm trước, nhiều đại biểu Quốc hội và báo chí đã vào cuộc nhưng đâu vẫn hoàn đó. Phải chăng vì lợi ích nhóm và sự độc quyền không thể xóa nổi?
Bình luận (0)