Phóng viên: PGS có thể chia sẻ cảm xúc của ông mỗi khi đến ngày Nhà giáo Việt Nam?
- PGS-TS Nguyễn Kim Hồng:
19 năm đứng lớp, cảm xúc của tôi về ngày 20-11 vẫn rất đặc biệt. Đó không phải là không khí nhận quà, cũng chẳng phải là chuyện sẽ được gì mà đó là sự quan hệ gần gũi giữa thầy trò, bạn bè đồng nghiệp với nhau. Tinh thần tôn sư trọng đạo trong xã hội Việt Nam khá bền vững. Ngày xưa, một ông đồ nho biết bao nhiêu chữ thì truyền lại cho trò bấy nhiêu, trò thường biết bằng thầy. Trong xã hội hiện đại thì học trò có thể phản biện, bảo vệ quan điểm riêng… Vì vậy, người làm giáo dục phải có suy nghĩ khác, nếu không, sẽ không làm cho học sinh, sinh viên tự tin trong học tập, cuộc sống.
Xã hội đã có sự tôn vinh nhà giáo song theo thầy, những chính sách dành cho nhà giáo hiện nay đã khẳng định được giáo dục là quốc sách hàng đầu chưa?
- Nói chung là nhà nước đã có chính sách khá tốt cho giáo dục. Lương đủ sống thì giáo viên (GV) sẽ làm hết sức mình nhưng ngay cả trong điều kiện nhiều người nói rằng không đủ sống như ở bậc mầm non hay tiểu học, GV hiện vẫn làm việc hết sức mình.
Chính sách cho giáo dục không phải chỉ cho GV mà cho cả một nền giáo dục như cơ sở vật chất, thuế khóa… Khi coi giáo dục là quốc sách hàng đầu thì phải có chính sách tốt hơn. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư mang lại hiệu quả cực kỳ lớn, do vậy phải đầu tư cho giáo dục mạnh hơn so với hiện nay.
Trường ĐH Sư phạm sẽ phải thay đổi cách đào tạo GV để đáp ứng yêu cầu đổi mới mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đặt ra?
- Về nguyên tắc, việc đào tạo GV phải đáp ứng được hiện tại và tương lai. Tuy nhiên, trước bất cứ sự đổi mới nào cũng có sự đảo lộn nhất định, trước hết là chương trình, điều kiện, trang thiết bị và đặc biệt là tài liệu giảng dạy đi kèm. Hiện chưa có văn bản cuối cùng nhưng xu hướng là từ THCS đến lớp 10 dạy tích hợp; lớp 11, 12 mới dạy các môn riêng biệt. Đó cũng là xu hướng của thế giới, trong khi đó, các trường sư phạm cho tới lúc này vẫn chưa dạy tích hợp mà dạy từng môn.
Cái thiếu của trường hiện nay là chưa theo kịp sự đổi mới. Trường ĐH phải đào tạo thầy cô giáo biết xây dựng chương trình học, biết xây dựng bài giảng cho mình và chúng tôi đang thay đổi theo hướng này. Khi Bộ Giáo dục và Đào tạo có quyết định cụ thể thì trường phải làm lại chương trình đào tạo, đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi của giáo dục phổ thông. Không làm được việc đó thì không có lý do gì để tồn tại trường ĐH sư phạm.
Bình luận (0)