“Trong xã hội hiện đại, uy tín của người thầy gặp nhiều thử thách nhưng đã chọn nghề giáo thì lấy niềm vui, hạnh phúc của học sinh (HS) làm niềm vui cho mình” - Nhà giáo Ưu tú (NGƯT) Nguyễn Thị Thu Cúc, Hiệu trưởng Trường THPT Gia Định, chia sẻ tại lễ Tuyên dương các NGƯT do Công đoàn ngành Giáo dục TP HCM tổ chức ngày 19-11.
Càng thử thách càng phải hoàn thiện mình
Cô Nguyễn Thị Thu Cúc cho rằng nghề giáo là nghề nhiều thử thách, nhất là khi có những thời điểm, một vài hình ảnh xấu của người thầy khiến dư luận quy chụp lên toàn bộ các nhà giáo khiến giáo viên (GV) tổn thương và căng thẳng. Đó cũng là thách thức để những người đứng trên bục giảng hoàn thiện mình, tạo dựng hình ảnh đẹp trong lòng học trò và uy tín người thầy trong xã hội.
Theo NGƯT này, đổi mới thi cử hiện nay là cần thiết nhưng GV lo lắm, nếu không được hướng dẫn sớm thì GV sẽ dạy dàn trải trong khi HS đâu phải em nào cũng như nhau. “Chọn cách dạy an toàn thì không thành công và uy tín của GV cũng bị ảnh hưởng. Người thầy nào cũng chọn giải pháp dạy an toàn thì giáo dục không thể đi lên được. Tôi chỉ mong khi có một chủ trương nên lường trước được những tác động đối với người thầy để chúng tôi có điểm tựa vững tin mà phấn đấu” - cô Cúc mong mỏi.
Yêu thương học trò bằng cái tâm
Đã nhiều năm trôi qua, nhưng mỗi khi kể về cậu học trò cá biệt hồi lớp 5, NGƯT Trần Văn Long, Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ, quận Tân Bình, vẫn xúc động, nghẹn ngào: “Tôi nhớ nhất một HS thường xuyên tụ tập đánh nhau, chơi với nhóm đầu gấu. Có lần, tôi mời em ra trao đổi, thấy trong cặp em có con dao... Tôi tìm hiểu thì biết hoàn cảnh của em đáng thương vô cùng, bố nghiện rượu nên thường xuyên đánh đập em, mẹ thì mất sớm. Thầy trò từ đó chia sẻ nhau từng ổ bánh mì, tập vở, dần dần em ngoan hẳn”.
Thầy Long nghẹn ngào kể tiếp: “Bẵng đi mấy năm sau, gặp lại, em đưa tôi về tiệm làm tóc do em quản lý, chỉ lên bảng hiệu có tên Thanh Long. Tôi ngạc nhiên thì em giải thích: Thanh nghĩa là thanh cao, trong sạch. Còn Long là tên thầy. Bố mẹ là người sinh ra em nhưng thầy mới là người nuôi dưỡng, bảo ban em trưởng thành nên em lấy tên thầy và sự thanh cao của nghề giáo ghép lại”.
Thầy Long cũng nhắc tới một HS ngày nào đến lớp cũng buồn ngủ, không bao giờ làm bài tập ở nhà. Thầy có la rầy HS này vài lần khi thấy em trốn vào góc ngồi hát. Sau này khi biết bố mất, mẹ bị bệnh, em phải hát dạo kiếm sống, thầy Long đã không cầm được nước mắt và đã nói lời xin lỗi học trò của mình. “Chỉ cần người thầy luôn yêu thương trò bằng cái tâm thì học trò nào cũng sẽ chấp nhận chia sẻ với thầy” - thầy Long đúc kết.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận chúc mừng thầy, cô giáo
TP HCM tri ân nhà giáo
Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận đã gửi thư cho các thầy cô giáo, cán bộ, công chức, viên chức ngành giáo dục. Trong thư, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận gửi lời chúc mừng nồng nhiệt và cảm ơn thầy cô giáo, cán bộ ngành giáo dục đã đồng lòng trong việc từng bước nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.
Người đứng đầu ngành giáo dục cũng bày tỏ tin tưởng “đội ngũ thầy cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục phát huy truyền thống và sức mạnh của mình, khắc phục yếu kém, vượt qua mọi khó khăn thách thức, chủ động, sáng tạo tổ chức thực hiện đổi mới hoạt động chuyên môn và công tác quản lý”.
l Ông Võ Văn Thưởng - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM - sáng 19-11 dẫn đầu đoàn đại biểu thành phố đã đến thăm và chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam gia đình cố GS Lương Định Của. Sau khi ân cần thăm hỏi các thành viên trong gia đình, ông Võ Văn Thưởng đánh giá cao những cống hiến to lớn cho đất nước của cố giáo sư. Bà Nakamura Nobuko, vợ của cố giáo sư Lương Định Của, chia sẻ với đoàn về cuộc sống thường nhật, đồng thời gửi tặng ông Võ Văn Thưởng cuốn sách mà bà mới viết.
Trước đó, đoàn đã đến thăm GS-TS Chu Phạm Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP HCM. Ông Võ Văn Thưởng đánh giá cao những đóng góp của GS trong sự nghiệp phát triển khoa học kỹ thuật, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào đời sống; phát triển đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật cho thành phố.
Y.Anh - Ph.Anh
NGƯT Nguyễn Đặng Thị Phương Hoa, Hiệu trưởng Trường Mầm non Nam Sài Gòn:
Biến áp lực thành động lực
Bậc mầm non không như các bậc học khác do các em còn quá nhỏ. Các cô dạy trẻ không chỉ bằng kiến thức, đạo đức mà phải bằng trái tim người mẹ. Thử thách trong công việc với GV mầm non càng ngày càng lớn, đòi hỏi sự chịu đựng, rèn luyện của GV ghê gớm. Rồi những áp lực trong cách đối nhân, xử thế, dư luận, kể cả việc tính toán làm sao để lo cho đời sống... cũng khiến GV mệt mỏi. Tuy nhiên, chỉ cần đến trường, nhìn thấy ánh mắt trẻ thơ, được đón các cháu vào lớp thì bao nhiêu vất vả tan biến. Gần 30 năm gắn với giáo dục mầm non, tôi không hề ân hận mà lại lấy những áp lực nghề nghiệp làm thử thách, động lực cho mình.
NGƯT Võ Ngọc Thu, Trưởng Phòng giáo dục và đào tạo quận 5, TP HCM:
Đừng nghĩ đến mất mát, vất vả
Uy tín của nhà giáo hiện nay là nói phải đi đôi với làm. Đừng nghĩ đến những mất mát, vất vả trong nghề mà hãy nghĩ theo hướng ngược lại. Nghề giáo cho tôi nhiều thứ, vì tâm niệm người thầy là tấm gương để các em soi vào nên luôn cố gắng điều chỉnh mình từ lời ăn, tiếng nói cho đến cách đi đứng, ứng xử...
Bình luận (0)