Hội giáo dục nghề nghiệp TP HCM tổ chức buổi họp trực tuyến góp ý quy định giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa THPT trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp
Với trình độ đào tạo trung cấp, ngoài đối tượng tuyển sinh là học sinh tốt nghiệp THPT thì còn có đối tượng là học sinh tốt nghiệp THCS chuyển sang học nghề.
Trước đây khi Bộ GD-ĐT còn quản lý các trường CĐ, trung cấp thì học sinh tốt nghiệp THCS trong quá trình học nghề vẫn học các môn văn hóa bậc THPT.
Tuy nhiên, khi khối các trường CĐ, trung cấp chuyển về Bộ Lao động Thương binh và Xã hội quản lý (ngoại trừ trường CĐ sư phạm), học sinh tốt nghiệp THCS đi học trung cấp thì không học các môn văn hóa bậc THPT trong thời gian học nghề.
Vì vậy, học sinh gặp khó khăn nếu muốn học cao hơn, đặc biệt là liên thông lên ĐH yêu cầu đủ khối lượng kiến thức văn hóa THPT theo quy định của Bộ GD- ĐT
Ông Trần Anh Tuấn, phó Chủ tịch Hội giáo dục nghề nghiệp TP HCM, khẳng định cao đẳng, trung cấp dù là bộ nào quản lý cũng là những thành phần trong hệ thống giáo dục quốc dân. Vì vậy, hệ thống phải mở, linh hoạt để tạo điều kiện cho người học có thể học mọi lúc, mọi nơi.
Ông Trần Thanh Hải, Hiệu trưởng Trường CĐ Viễn Đông, cho rằng tại Điều 13 và 14 của dự thảo thông tư quy định việc giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp vừa được Bộ GD-ĐT công bố có ghi:
"Trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo: Chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý thực hiện việc tổ chức giảng dạy, kiểm tra, đánh giá và cấp Giấy chứng nhận đủ khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông…
Trách nhiệm của Sở Giáo dục và Đào tạo: Hướng dẫn, chỉ đạo các cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý thực hiện việc tổ chức giảng dạy, kiểm tra, đánh giá, cấp Giấy chứng nhận đủ yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông..."
Cụm từ "thuộc phạm vi quản lý" được hiểu là chỉ những cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý của Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT mới thực hiện thông tư này, các cơ sở không thuộc quản lý của Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT thì loại ra. Ông Hải đề nghị nên loại bỏ cụm từ "thuộc phạm vi quản lý".
Ông Lê Lâm, Hiệu trưởng Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn, cho biết nếu học sinh tốt nghiệp THCS trong thời gian học nghề học luôn các môn văn hóa THPT thì nếu 2 năm 3 lớp bậc THPT (7 môn như giáo dục thường xuyên) cùng 1,5 năm- 2 năm học trung cấp thì mất 4 năm.
Vì vậy, cần xem lại biên độ thời gian đối với từng loại đối tượng chỉ cần học 4 môn (toán, văn và 2 môn tự chọn trong 5 môn còn lại lý, hóa, sinh, sử, địa) hay học hoàn thành chương trình (7 môn) để thi tốt nghiệp THPT.
Ngoài ra, nên để các em có sự lựa chọn, được học tích lũy như tín chỉ để khi nào có điều kiện, khả năng, nhu cầu có thể đăng ký thi THPT.
Tại cuộc họp này, các ý kiến cho rằng khi cơ sở giáo dục nghề nghiệp được dạy văn hóa sẽ bớt phiền hà cho học sinh, điều này đặc biệt thuận lợi cho những khu vực xa xôi, khó khăn về địa lý. Tuy nhiên, để thống nhất việc cơ sở giáo dục nghề nghiệp dạy văn hóa cần có thông tư liên tịch giữa Bộ GD-ĐT và Bộ Lao động Thương binh và Xã hội để tránh tình trạng mỗi bộ có quy định khác nhau, không thể phối kết hợp được gây khó khăn cho người học.
Bình luận (0)