Từ ngày 2 đến 15-5, học sinh lớp 9 tại các trường THCS được hướng dẫn xét tốt nghiệp và nộp hồ sơ thi tuyển vào lớp 10 công lập. Với 3 nguyện vọng ưu tiên, học sinh có nhiều cơ hội trúng vào lớp 10 nếu việc lựa chọn hợp lý. Ngược lại, học sinh sẽ rớt cả 3 nguyện vọng ngay cả khi các em có học lực tốt.
Nóng ở các trường lớn, trung tâm TP
Theo số liệu của Sở GD-ĐT TPHCM, năm nay, các trường THPT công lập tuyển 57.293 học sinh vào lớp 10 (chuyên và không chuyên), giảm hơn 2.100 chỉ tiêu so với năm học 2012-2013 (59.547).
Ở khu vực tuyển sinh theo hình thức xét tuyển, chỉ tiêu vào lớp 10 gần như được giữ nguyên, với gần 21.000 chỉ tiêu. Đáng chú ý, ở những quận thực hiện thi tuyển, chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 các trường THPT chỉ 36.216 chỗ học, giảm hơn 2.100 so với năm học 2012-2013 (38.355). Như vậy, việc giảm chỉ tiêu rơi vào khu vực thi tuyển.
Quận 5 là một trong số các quận dự báo việc tuyển sinh vào lớp 10 sẽ nóng, dù ở đây có 7 trường THPT công lập nhưng có tới 2 trường chuyên là THPT chuyên Lê Hồng Phong và Trường Phổ thông Năng khiếu. Ngoài ra, 2 trường khác là Trung học Thực hành Sài Gòn và Trung học Thực hành ĐH Sư phạm cũng có điểm chuẩn hằng năm khá cao, từ 36,50 - 40,50 điểm, cùng với chỉ tiêu ít ỏi 140 và 265.
Không giới hạn địa bàn thi tuyển nên học sinh quận 5 sẽ có xu hướng chuyển sang quận 1, quận 3, quận 10 và quận 11. Tuy nhiên, xu hướng chuyển sang quận 1 và quận 3 nhiều hơn bởi gần hơn, nhiều trường hơn các quận khác. Điều đó làm cho khu vực này trở nên nóng nhất về tuyển sinh lớp 10. Đối với các trường như THPT Bùi Thị Xuân, Trưng Vương (quận 1); Lê Quý Đôn, Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3) nhiều khả năng điểm chuẩn sẽ được duy trì bằng hoặc cao hơn năm ngoái. Một trường khác cũng đáng lưu ý khi các em ghi nguyện vọng là THPT Lương Thế Vinh. Dù đây là trường “bán công” nhưng là trường đang nổi lên bởi cơ sở vật chất tốt, đầu tư phương tiện dạy học đứng đầu TP… nhưng chỉ tiêu năm nay chỉ 360 học sinh.
Ở những quận khác, cơn sốt thi tuyển chỉ thật sự rơi vào trường tốp đầu của quận, các trường còn lại về cơ bản như nhau.
Cơ hội của giáo dục thường xuyên
Sở GD-ĐT TPHCM cho biết việc giảm chỉ tiêu nhằm đẩy mạnh phân luồng học sinh sau THCS, khuyến khích học sinh không có khả năng học tiếp THPT đi theo con đường học nghề. Hiện TPHCM có trên 65.000 học sinh đang học lớp 9. Nếu như mọi năm, tỉ lệ tốt nghiệp THCS toàn TP đạt 98% hoặc 99% thì có trên 8.000 học sinh không vào lớp 10 công lập. Các em này sẽ học ở các trường THPT ngoài công lập, các trung tâm giáo dục thường xuyên hay học nghề.
Học nghề sau khi tốt nghiệp THCS, con đường lâu nay vẫn được một bộ phận phụ huynh học sinh chọn như một cách đi đường vòng vào ĐH. Tuy nhiên, con đường này nay đã kém thuyết phục hơn sau khi Bộ GD-ĐT “siết” liên thông (có hiệu lực từ ngày 7-2-2013) với quy định học sinh tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp hay CĐ trên 36 tháng mới được tham gia thi liên thông, còn không thì phải tham gia kỳ thi “3 chung” do Bộ GD-ĐT tổ chức như bao học sinh khác. Với quy định này, nếu suôn sẻ, học sinh phải mất ít nhất 12 năm mới được bước vào cổng trường ĐH. Một hướng đi khác là học sinh sẽ học tiếp THPT ở trường THPT ngoài công lập. Tuy nhiên, vì vấn đề tài chính nên không phải học sinh nào cũng được học.
Như vậy, học ở trung tâm giáo dục thường xuyên là hướng đi tiết kiệm chi phí và sau 3 năm vẫn có thể có bằng tốt nghiệp bổ túc THPT, đủ điều kiện để thi ĐH. Đây là cơ hội của các trung tâm giáo dục thường xuyên. Tuy nhiên, chất lượng giáo dục và điều kiện trang thiết bị dạy học ở nhiều trung tâm hiện còn rất hạn chế.
Thêm 2 trường chất lượng cao UBND TPHCM vừa cho phép 2 trường THPT Nguyễn Du (quận 10) và THPT Nguyễn Hiền (quận 11) thực hiện mô hình trường chất lượng cao. Hình thức giống như Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3). Hiện tại, mức thu học phí của Trường THPT Lê Quý Đôn từ 850.000 đồng đến 900.000 đồng/tháng. |
Bình luận (0)