Theo PGS Văn Như Cương, 10 năm để thay đổi cơ bản và toàn diện nền giáo dục là quá dài. “Thời gian đó có thể có 2-3 vị bộ trưởng Bộ GD-ĐT khác nhau. Tôi tin chắc rằng khoảng thời gian đó sẽ xảy ra một cuộc cách mạng lớn lao và ngoạn mục trong ngành giáo dục trên thế giới. Bởi vậy, cần đẩy nhanh tiến độ của công cuộc đổi mới này, xã hội không thể chờ đợi lâu như thế” - ông nhận định.
PGS Văn Như Cương cũng tha thiết đề nghị tổ chức trại viết sách giáo khoa (SGK). Tác giả viết sách phải tách ra khỏi cơ sở làm việc cũ trong một thời gian quy định, tập trung toàn bộ thời gian và suy nghĩ cho công việc này. Theo đó, việc biên soạn SGK tập trung ở trại trong vòng 6 tháng có thể hoàn thành.
PGS Nguyễn Vũ Lương, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐHQG Hà Nội, cho rằng viết sách không khó nhưng viết thế nào cho hay, cho đẹp, học sinh học nhẹ nhàng, tiếp thu dễ nhất mới khó. Vì thế, theo ông, nên lập một ban viết sách gồm những người làm lý thuyết và phương pháp, giữa giáo sư đầu ngành và các giáo viên có kinh nghiệm giảng dạy hằng ngày. SGK cần quan tâm đến thực tiễn đang diễn ra.
Trước ý kiến của các chuyên gia, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho rằng bộ hướng đến xây dựng chương trình khung thiết kế chung, sau đó sẽ có chương trình chi tiết, chương trình cho các bộ môn. Ông Hiển khẳng định chương trình xây dựng thống nhất cho toàn quốc nhưng vẫn có những phần cho địa phương chủ động về mặt nội dung, đặc biệt là phần chủ động về quản lý để ứng dụng SGK đó vào từng địa phương, từng trường. Tuy nhiên, đáp lại đề xuất rút ngắn thời gian viết SGK của các chuyên gia trong vòng 6 tháng đến 1 năm, ông Hiển cho biết chưa thể hình dung ra được phương án này.
Bình luận (0)