Phóng viên: Thưa ông, ĐHQG TP HCM vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cho phép thành lập trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục với vai trò kiểm định chất lượng giáo dục của các cơ sở giáo dục ĐH, TCCN mà không bị can thiệp bởi bên thứ ba. Trung tâm có sự chuẩn bị như thế nào để thực hiện kiểm định hàng trăm trường ĐH và theo quy định của bộ là 5 năm phải kiểm định một lần?
- PGS-TS Nguyễn Hội Nghĩa: Chất lượng được công bố ra toàn xã hội của một trường dù ĐH, CĐ hay TCCN là một sự kiện rất quan trọng. Vì thế, Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục ĐHQG TP HCM cần chuẩn bị thật kỹ lưỡng. Thứ nhất, cơ sở vật chất cho trung tâm đã có, tất nhiên sẽ dần dần bổ sung ngày càng đầy đủ hơn. Thứ hai, trung tâm đang tiếp tục bổ sung, kiện toàn đội ngũ cán bộ, chuyên viên, bộ máy tổ chức, sẽ thành lập hội đồng kiểm định, xây dựng cơ chế làm việc khoa học, chặt chẽ. Thứ ba, trung tâm đang hoàn chỉnh các quy trình công việc, xây dựng hệ thống tài liệu quy định, hướng dẫn cho tất cả các bước trong quá trình kiểm định. Thứ tư, hiện phía Nam đã có 17 giảng viên được cấp thẻ kiểm định viên nhưng cũng cần tiếp tục mở các lớp đào tạo nhằm tăng số lượng kiểm định viên nhằm đáp ứng khối lượng công việc rất nhiều. Và một điều cực kỳ quan trọng là phải tiếp tục nâng cao năng lực thực sự để có được đội ngũ kiểm định viên chuyên nghiệp, đủ kiến thức, kỹ năng và thái độ phục vụ công tác vừa mới mẻ vừa khó khăn này.
Ông có thể đưa ra một vài đánh giá về công tác kiểm định chất lượng giáo dục ĐH của Việt Nam thời gian qua và cho biết kiểm định độc lập có ý nghĩa thế nào đối với giáo dục ĐH?
- Kiểm định chất lượng là công việc vừa mới vừa khó, nếu không chuẩn bị thật tốt, thật kỹ thì rất có thể gây tác động ngược. Trong nhiều năm qua, ngành GD-ĐT đã có nhiều nỗ lực, cố gắng cho công tác này nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu xây dựng ngành. Kiểm định độc lập thực sự có vai trò rất quan trọng trong việc duy trì và cải tiến chất lượng của từng trường, giúp các bên liên quan có những thông tin đáng tin cậy để ra quyết định phù hợp. Từ đó, nâng cao chất lượng, hiệu quả của GD-ĐT nhằm mục đích cuối cùng là phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng như đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân.
Không ít lo lắng về việc một trung tâm kiểm định khi đánh giá một cơ sở giáo dục khác thì sẽ khó giữ được sự vô tư. Vậy làm thế nào để việc kiểm định chất lượng được công bằng, khách quan? Trung tâm sẽ có những chuẩn đánh giá riêng hay sử dụng tiêu chí của Bộ GD-ĐT?
- Theo quy định hiện hành, trung tâm sẽ kiểm định các cơ sở giáo dục theo các bộ tiêu chuẩn kiểm định tương ứng với từng trình độ do Bộ GD-ĐT ban hành. Bộ GD-ĐT cũng sẽ ban hành bộ tiêu chuẩn kiểm định cấp chương trình đào tạo.
Để việc kiểm định chất lượng được công bằng, khách quan, trung tâm sẽ xây dựng quy trình kiểm định thật khoa học, phù hợp và theo quy định, kết quả cuối cùng cần được hội đồng thẩm định thông qua trước khi giám đốc trung tâm quyết định.
Xây dựng “thang điểm” chấm thật chi tiết, chặt chẽ cho từng tiêu chí, bên cạnh các hướng dẫn đã có của Bộ GD-ĐT nhằm loại trừ các yếu tố chủ quan và tăng độ tin cậy cũng như độ giá trị của kết quả kiểm định.
Xây dựng và thực hiện nghiêm túc các nguyên tắc thành lập đoàn kiểm định bảo đảm có năng lực phù hợp với yêu cầu chung cũng như đặc thù của từng trình độ, lĩnh vực giáo dục.
Theo quy định của Bộ GD-ĐT, Trung tâm Kiểm định chất lượng của ĐHQG TP HCM sẽ không được tự đánh giá chính mình. Vậy ai sẽ kiểm định, đánh giá ĐHQG TPHCM?
- Theo quy định, 2 trung tâm kiểm định chất lượng của 2 ĐHQG sẽ tổ chức kiểm định chéo các cơ sở giáo dục và các chương trình đào tạo của nhau nhằm tăng cường tối đa tính khách quan, độc lập.
Bình luận (0)