Theo Thông tư 08 do Bộ GD-ĐT ban hành ngày 17-2-2011 quy định điều kiện, quy trình, hồ sơ... mở ngành đào tạo trình độ ĐH, CĐ, việc thẩm định điều kiện bảo đảm chất lượng được giao cho các sở GD-ĐT. Khi ban hành nội dung thông tư này, có lẽ bộ đã không hình dung được có những ngành nghề đặc thù mà chỉ có sở GD-ĐT địa phương thôi thì không thể thẩm định được. Đây chính là sai lầm của Bộ GD-ĐT để đến hôm nay nhiều trường ở các địa phương đua nhau mở ngành y dược, dẫn đến “khủng hoảng” chất lượng đào tạo ngành nghề đặc biệt này.
Quá sức với các sở GD-ĐT
Ông Lê Hoàng Tươi, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Hậu Giang, cho biết Phòng Giáo dục chuyên nghiệp của sở này chỉ có 4 cán bộ. “Khi thẩm định việc mở ngành y dược cho Trường ĐH Võ Trường Toản, chúng tôi phải mời thêm 3-4 chuyên gia trong lĩnh vực y tế tham gia thẩm định” - ông Tươi nói. Vị giám đốc sở này cho biết thêm hội đồng của sở không thẩm định về chuyên môn mà chỉ thẩm định về cơ sở vật chất theo danh mục đã có sẵn. “Chúng tôi phải quay cả phim lẫn chụp hình để làm bằng chứng” - ông Tươi cho biết.
Trên thực tế, rất nhiều sở GD-ĐT địa phương thiếu nhân sự, thậm chí nhân sự phải kiêm nhiệm nên không phải sở nào cũng đủ trình độ đánh giá trang thiết bị để mở ngành đào tạo. Thế nên mới xảy ra tình trạng có trường mượn thiết bị y tế của doanh nghiệp về để qua mắt đoàn kiểm tra, kiểm tra xong lại trả lại doanh nghiệp như Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận từng nghe phản ánh.
Dù vậy, trước phản hồi về những lùng nhùng trong việc giao cho sở GD-ĐT việc thẩm định mở ngành ĐH, trong một lần trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga vẫn khẳng định không có tình trạng các sở GD-ĐT quá tải khi được giao kiểm tra và xác nhận các điều kiện thực tế về đội ngũ giảng viên cơ hữu và cơ sở vật chất của các trường ĐH. Các sở GD-ĐT chỉ thực hiện các công việc kiểm tra thông thường, không đi sâu về chuyên môn của từng ngành nghề đào tạo. Ông Bùi Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT), cũng cho rằng để tránh sự chồng chéo thì không cần phải có sự tham gia về chuyên môn của Bộ Y tế để thẩm định mở ngành.
Chính cách hiểu và cách làm đó của Bộ GD-ĐT dẫn đến việc Bộ Y tế phản ứng, để bây giờ 2 bộ sẽ phải ngồi lại với nhau để tìm cách giải quyết hậu quả.
Cần sự tham gia của chuyên gia y tế
Ông Nguyễn Minh Lợi, Phó Cục trưởng Khoa học Công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế), khẳng định ngành y mang tính đặc thù, khi đào tạo phải gắn với cơ sở y tế, nhân lực ra trường làm việc dù ở cơ sở thuộc Bộ Y tế hay không đều cần có sự quản lý về mặt chuyên môn. Vì vậy, trong quá trình thẩm định mở ngành y dược cũng như thông qua chỉ tiêu tuyển sinh cần có sự tham gia của ngành y tế.
Thả nổi chất lượng Tại hội nghị về đào tạo nhân lực y tế vùng ĐBSCL năm 2013 được tổ chức hôm 12-8 ở Trường ĐH Y Dược Cần Thơ, ông Lê Hùng Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, nhận xét: “Các trường ngoài công lập lấy điểm quá thấp, chủ yếu đặt lợi ích kinh tế còn chất lượng đào tạo thì đang bị thả nổi. Đào tạo như vậy vừa mất công vừa cho ra một đội ngũ nhân lực không đáp ứng được nhu cầu”.
H.Thanh
|
Bình luận (0)