Theo thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm nước ta đào tạo 6.500 bác sĩ, 2.800 dược sĩ, 5.000 cử nhân điều dưỡng, kỹ thuật y học, y tế công cộng và 5.100 cán bộ y tế có trình độ sau đại học (ĐH).
Đua nhau đào tạo
Tính đến cuối năm 2012, cả nước có 26 cơ sở đào tạo nhân lực y tế trình độ ĐH, 74 trường cao đẳng (CĐ) và 44 trường trung cấp và dạy nghề. Tuy nhiên, tới năm 2020, dù lượng sinh viên ra trường gấp 2 lần hiện nay thì vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu về nhân lực cho ngành y tế. Cầu tăng thì cung sẽ tăng và các trường “không hiểu gì lắm về ngành y” cũng tham gia đào tạo cán bộ y tế, tất nhiên có sự đồng ý của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT)!
Theo số liệu từ Bộ GD-ĐT, từ năm 2011 đến nay, các tỉnh ĐBSCL có 13 trường ĐH, trong có có 11 trường ngoài công lập đào tạo ngành y dược, như ĐH Tân Tạo (Long An), ĐH Võ Trường Toản (Hậu Giang), ĐH Tây Đô (Cần Thơ)…
Điều đáng nói là các trường này lấy điểm đầu vào rất thấp. Trường ĐH Trà Vinh đào tạo ngành y dược bậc ĐH các ngành như y tế công cộng, xét nghiệm y học, y đa khoa, điều dưỡng có điểm đầu vào rất thấp, từ 13 đến 14,5 điểm; riêng ngành y đa khoa 17,5 điểm. Ở bậc CĐ trường này được đào tạo ngành dược và điều dưỡng với điểm đầu vào chỉ bằng điểm sàn.
Không chỉ ở ĐBSCL, Bộ GD-ĐT cũng cho phép các trường ở nhiều địa phương khác ồ ạt mở ngành y dược. Năm 2013, Trường ĐH Lạc Hồng được cho phép đào tạo dược sĩ trình độ ĐH với chỉ tiêu 150 sinh viên, điểm chuẩn chỉ 16 điểm khối A và 17 điểm khối B. Tháng 5-2013, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cũng được Bộ GD-ĐT cho phép mở thêm ngành dược bậc ĐH. Trước đó, trường ĐH này cũng được phép đào tạo ngành điều dưỡng bậc ĐH. Ở bậc CĐ, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành được phép đào tạo ngành điều dưỡng, dược sĩ, kỹ thuật y học (thiết bị y tế) với điểm chuẩn nguyện vọng 1 bằng điểm sàn; chỉ có ngành điều dưỡng bậc ĐH, điểm trúng tuyển nguyện vọng 2 là 16 điểm. Vừa mới tức thì, trường ĐH này lại tiếp tục được phép mở ngành công nghệ sinh học y dược, tuyển sinh nguyện vọng bổ sung với mức điểm sàn của bộ…
Việc ồ ạt mở ngành y dược ở các nơi khiến nhiều trường thiếu nghiêm trọng giảng viên. Vì vậy, Trường ĐH Võ Trường Toản phải mời giảng viên từ ĐH Y Huế vào dạy nhiều môn. Trường ĐH Tây Đô đào tạo ngành dược ĐH phải lấy giáo viên từ Trường CĐ Y tế Cần Thơ sang dạy…
Ảnh hưởng chất lượng đào tạo
Trước tình hình nhân lực ngành y tế đào tạo quá dễ dãi, tháng 8-2013, Hội đồng Hiệu trưởng các trường ĐH Y Dược Việt Nam đã họp và cảnh báo về chất lượng đào tạo ngành y dược khi các trường được Bộ GD-ĐT cho mở ngành đào tạo ồ ạt, ảnh hưởng lớn đến chất lượng đào tạo.
Ông Nguyễn Minh Lợi, Phó Cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo - Bộ Y tế, cho biết: “Đào tạo nhân lực y tế có tính đặc thù. Trong quá trình đào tạo yêu cầu rất cao việc gắn trường với cơ sở thực hành. Điều này ở các trường công lập vẫn được bảo đảm nhưng ở trường ngoài công lập rất đáng lo ngại”.
Hiệu trưởng một trường ĐH khối y dược nhấn mạnh: Nếu cứ lấy lý do thiếu bác sĩ để tiếp tục tình trạng đào tạo cán bộ y tế theo kiểu “trăm hoa đua nở” thì 10 năm nữa sẽ để lại hậu quả lớn cho đất nước. Một lãnh đạo của Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo phân tích: Dù sinh viên y khoa hệ chính quy được đánh giá giỏi hoặc xuất sắc vì điểm đầu vào rất cao so với các ngành học khác nhưng trên thực tế, sau 6 năm đào tạo, đa số sinh viên chưa đủ năng lực để hành nghề độc lập. Đối với đào tạo liên thông, đầu vào thấp hơn, quá trình đào tạo cũng không được quan tâm đúng mức. Riêng với đào tạo cử tuyển thì các bác sĩ, dược sĩ tốt nghiệp hệ này khó đạt chuẩn tối thiểu về chuyên môn.
Bộ GD-ĐT thừa nhận
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận thừa nhận thực tế nhiều trường không đủ điều kiện đào tạo và chất lượng đào tạo nhân lực y tế rất kém, đặc biệt là ở ĐBSCL. “Tôi nghe phản ánh, có trường còn mượn thiết bị y tế của doanh nghiệp về để qua mắt đoàn kiểm tra. Kiểm tra xong trả lại doanh nghiệp” - ông Luận cho hay.
Chỉ ra kẽ hở trong việc không bảo đảm chất lượng đào tạo, Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Quang Cường phân tích: Theo quy định của Bộ GD-ĐT về điều kiện, hồ sơ, quy trình mở ngành đào tạo các trường được giao cho các Sở GD-ĐT chịu trách nhiệm, do đó việc thẩm định mở ngành đào tạo nhân lực y tế không có sự tham gia về chuyên môn của Bộ Y tế và các chuyên gia y tế. Chính vì vậy, Bộ Y tế đề nghị Bộ GD-ĐT chỉ đạo cần có quy định chặt chẽ khi mở ngành đào tạo nhân lực y tế. Thứ trưởng Lê Quang Cường còn đề nghị Bộ GD-ĐT thành lập đoàn giám sát, kiểm tra liên bộ để tiến hành giám sát, kiểm tra các cơ sở có đào tạo nhân lực y tế, đặc biệt đối với các trường ngoài công lập. Đây cũng là vấn đề được Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nhấn mạnh: “Tôi nghĩ 2 bộ cần phối hợp chặt chẽ để có một quy trình thẩm định nghiêm túc, thực chất nhằm bảo đảm chất lượng đào tạo. Nếu cần thiết sẽ có văn bản quy định riêng đối với ngành y vì đây là ngành đào tạo đặc biệt”.
Được biết, Bộ Y tế đã đề nghị Bộ GD-ĐT thu xếp buổi làm việc giữa bộ trưởng của 2 bộ trong tháng 9-2013 để chấn chỉnh việc đào tạo nhân lực ngành y dược.
Chẳng giống ai Ông Nguyễn Hữu Tùng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Hành nghề y tư nhân |
Bình luận (0)