Lãnh đạo nhiều cơ sở giáo dục tại TP HCM cho biết trong thời gian này, các nhà trường vẫn tổ chức ôn tập cho học sinh (HS) lớp 9 đến hết tuần (ngày 26-5), nhiều HS có sức học trung bình được tổ chức ôn tập riêng để chạy nước rút cho kỳ thi quan trọng.
Vừa học chính khóa vừa học thêm
Theo đó, những HS có năng lực trung bình hoặc yếu sẽ được các thầy, cô phụ trách tập trung cường độ ôn tập cao hơn để làm sao kết thúc trước thời gian thi 1 tuần để các em nghỉ ngơi, tự ôn lại bài vở.
Ông Nguyễn Văn Lộc, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Hữu Thọ (quận 7), cho biết trường sẽ kết thúc tổ chức ôn tập cho HS lớp 9 từ ngày 25-5, cũng là ngày bế giảng tổng kết năm học.
Theo ông Lộc, hiện nay nhà trường đang tập trung tận dụng giờ học chính khóa buổi sáng và buổi thứ 2 để ôn tập cho hơn 500 HS lớp 9 chuẩn bị thi lớp 10. "Với một số em có học lực yếu một chút, nhà trường bố trí giáo viên tập trung ôn cho các em nhiều hơn, để rút thời gian ôn tập cùng với các em khác vào ngày 25" - ông Lộc nói.
Theo ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP HCM, kỳ tuyển sinh lớp 10 năm nay có 96.080 thí sinh đăng ký dự thi và 12.920 HS không đăng ký tuyển sinh lớp 10.
Được biết, sau khi Sở GD-ĐT thành phố công bố số liệu đăng ký nguyện vọng 1 vào 114 trường THPT công lập tại TP HCM, những trường có tỉ lệ chọi cao không có nhiều bất ngờ, vẫn là những trường như: THPT Nguyễn Thượng Hiền, THPT Gia Định và THPT Nguyễn Hữu Huân. Có 12 trường còn lại nằm trong tốp 15 những trường THPT có tỉ lệ chọi cao (từ 1 chọi 2 trở lên) gồm: THPT Nguyễn Thị Minh Khai, THPT Thủ Đức, THPT Mạc Đĩnh Chi, THPT Lê Quý Đôn, THPT Nguyễn Hữu Tiến, THPT Bùi Thị Xuân, THPT Hồ Thị Bi, THPT Phạm Văn Sáng, THPT Phú Nhuận, Trung học Thực hành ĐH Sư phạm, THPT Lê Thánh Tôn và THPT Lê Trọng Tấn…
Thầy trò Trường THCS Nguyễn Du (quận 1, TP HCM) miệt mài ôn tập cho kỳ thi lớp 10. Ảnh: KIM BẢO
Lưu ý để làm bài thi đạt điểm cao
Thầy Phạm Minh Khang, giáo viên môn toán Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, cho biết trong quá trình làm bài thi môn toán, HS cần đặc biệt lưu ý một số vấn đề như: Thời gian làm bài thi là 120 phút nên trung bình mỗi câu là 15 phút. Do đó, khi làm bài thi, các em không nên chú trọng làm bài theo thứ tự câu mà làm bài theo mức độ từ dễ đến khó. Câu nào dừng lại khoảng 15 phút nhưng chưa giải được thì bỏ qua để làm câu khác mà bản thân thấy dễ hơn. Cũng theo thầy Khang, theo cấu trúc đề thi hằng năm, câu 1 có nội dung về đồ thị hàm số, câu 2 liên quan đến hệ thức Vi-ét và câu 8 phần hình học câu a là những câu hết sức cơ bản, học sinh nắm vững lý thuyết, ôn tập kỹ là có thể lấy trọn điểm.
Môn toán trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 có nội dung thực tế, do vậy HS cần đọc kỹ đề bài, gạch chân các dữ liệu để sử dụng các dữ liệu đó tính toán cho chính xác, hoặc lập phương trình - hệ phương trình. Ở phần toán có nội dung thực tế này, HS càng trình bày rõ ràng, chi tiết từng bước càng tốt vì giám khảo sẽ chấm theo từng phần, phần sau sai nhưng phần trước đúng vẫn tính điểm. Đặc biệt lưu ý, HS đọc kỹ yêu cầu làm tròn kết quả, tránh mất điểm chỉ vì làm tròn sai không đáng.
Ở môn ngữ văn, thầy Trần Tiến Thành, chuyên viên môn ngữ văn Sở GD-ĐT TP HCM, cho biết khi trả lời các câu hỏi phần đọc hiểu, HS cần đọc toàn bộ văn bản để nắm nội dung. Trả lời ngắn gọn, rõ ràng theo đúng yêu cầu của đề, tránh lan man, dài dòng không cần thiết. Ở phần tạo lập văn bản nghị luận xã hội. Với bài văn khoảng 500 chữ, HS cần bảo đảm cấu trúc bài nghị luận: Có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài kết luận được vấn đề. Cần tập phân tích, xác định đúng vấn đề cần nghị luận; triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lý lẽ và dẫn chứng; rút ra bài học nhận thức và hành động. Ở phần tạo lập văn bản nghị luận văn học, các em cần rèn luyện kỹ năng phân tích, cảm nhận tác phẩm văn học theo thể loại thơ, truyện. Nắm vững kỹ năng viết bài văn nghị luận văn học. Đọc thêm các tác phẩm ngoài sách giáo khoa có cùng chủ đề, dùng kiến thức và trải nghiệm đọc tác phẩm để giải quyết một tình huống cụ thể.
Theo thầy Trần Tiến Thành, định hướng đề thi tuyển sinh môn ngữ văn năm nay sẽ có "độ mở" cao. Do vậy, các em HS cần tập trung rèn luyện kỹ năng và tích lũy kiến thức để thực hiện tốt nhất các yêu cầu của đề.
Phân tích kỹ đề
Theo thầy Trần Nguyễn Hanh, Tổ trưởng Tổ tiếng Anh Trường THCS Lý Thánh Tông (quận 8), để làm bài tốt môn tiếng Anh, HS cần phân bố thời gian hợp lý, 90 phút với 40 câu hỏi, mỗi câu đều 0,25 điểm cho 7 phần trong đề thi. Ở phần trắc nghiệm, HS cần đọc, cố gắng hiểu đề và các đáp án để chọn đáp án đúng nhất. Ở phần từ loại: HS phải phân tích, đọc kỹ phần trước và sau của ô trống để xác định đúng từ loại và nghĩa của câu để điền đúng từ. Ở phần sắp xếp và biến đổi câu, các em cần xác định đúng dạng câu cần sắp xếp và biến đổi. Nên ghi ra nháp công thức cấu trúc câu để bảo đảm làm đúng dạng câu được yêu cầu.
Bình luận (0)