Thời gian gần đây, Báo Người Lao Động nhận được phản ánh về việc Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) huyện Sông Lô (tỉnh Vĩnh Phúc) có nhiều khoản chi thường xuyên bất thường, trong đó có nhiều mục như chi sửa máy móc như máy in, sửa máy tính tiêu tốn cả trăm triệu đồng mỗi năm.
Cụ thể, theo báo cáo tài chính của Phòng GD-ĐT huyện Sông Lô, năm 2016, đơn vị này chi thường xuyên hơn 4,1 tỉ đồng. Trong năm 2016, đơn vị này có 6 biên chế theo định biên, 11 giáo viên điều động và 1 nhân viên hợp đồng.
Báo cáo tài chính cho thấy năm 2016, Phòng GD-ĐT huyện Sông Lô đã chi hơn 107 triệu đồng cho việc mua sắm văn phòng phẩm, gồm giấy, bút, bìa kẹp tài liệu, ghim, máy dập ghim, sổ công tác, cặp đựng tài liệu, hồ dán. So với số cán bộ nhân viên, mỗi người ở đơn vị này tiêu tốn 6 triệu đồng tiền giấy, bút mỗi năm.
Trụ sở Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sông Lô
Trong năm 2016, Phòng GD-ĐT huyện Sông Lô duyệt khoản tiền "chi sửa chữa tài sản phục vụ công tác chuyên môn" với tổng cộng lên tới 188 triệu đồng; trong khi đó đơn vị này chỉ có 18 chiếc máy tính và 10 chiếc máy in thì tiền sửa chữa một năm đã hết trên 82 triệu đồng.
Đáng chú ý, đơn vị này chỉ có 1 máy photocopy nhưng chi phí được duyệt cho sửa chữa đã hết hơn… 50 triệu đồng trong năm 2016. Dư luận đặt ra câu hỏi chi phí sửa chữa chiếc máy này trong 1 năm đã đủ mua 2 chiếc máy mới khác theo giá hiện hành.
Bên cạnh đó, khoản chi thường xuyên cho nghiệp vụ chuyên môn bậc THCS trên 1 tỉ đồng được báo cáo tài chính nêu rất chung chung là chi cho việc bồi dưỡng chuyên đề cho giáo viên THCS, tổ chức thi giáo viên giỏi, học sinh giỏi, trả chế độ cho giáo viên tham gia hội đồng các kỳ thi.
Về vấn đề nêu trên, trao đổi với phóng viên Người Lao Động, ông Trần Thái Mai, Trưởng phóng GD-ĐT huyện Sông Lô, cho biết ông ghi nhận thông tin của báo chí, nhưng từ chối trả lời cụ thể vì ông vừa về nhậm chức trưởng phòng từ tháng 6-2017. "Thông tin về thu chi tài chính thì anh em giúp việc ở dưới sẽ nắm rõ hơn, tôi vừa về công tác nên không cụ thể được. Còn về nguyên tắc phát ngôn, các anh cứ sang làm việc ở UBND huyện"- ông Mai nói.
Ông Mai cũng cho biết thêm định biên biên chế trước đây của phòng là 6 biên chế, trong đó có 1 trưởng phòng và 2 phó phòng. Tuy nhiên, năm 2017 tăng lên 1 biên chế khi bổ sung 1 phó phòng. Như vậy, đơn vị này hiện chỉ có 7 biên chế nhưng trong đó có 1 trưởng phòng và 3 phó phòng, 1 kế toán.
Phóng viên đã liên hệ với lãnh đạo UBND huyện Sông Lô để làm rõ những thắc mắc nêu trên, nhưng lãnh đạo huyện yêu cầu đặt lịch ở văn phòng và chưa hẹn thời gian trả lời.
Bình luận (0)