Ngày 16-9, Báo Người Lao Động tổ chức chương trình talkshow trực tuyến với chủ đề: "Điểm chuẩn và cơ hội xét tuyển bổ sung" trong chuỗi chương trình "Đưa trường học đến thí sinh 2021". Buổi tư vấn diễn ra đúng thời điểm các trường đại học (ĐH) đang công bố điểm chuẩn theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT nên đã nhận rất nhiều câu hỏi của thí sinh.
Trượt do đặt nguyện vọng chưa hợp lý
Trong 2 ngày 15 và 16-9, các trường ĐH, học viện công bố điểm chuẩn theo kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT 2021. Kết quả điểm chuẩn năm 2021 cho thấy điểm chuẩn các các ngành, các trường nhìn chung đều tăng, thậm chí tăng mạnh, điều này khiến nhiều thí sinh phải ấm ức khi điểm cao vẫn rớt nguyện vọng đã đăng ký.
Thí sinh Quyên Ninh cho biết được 25 điểm tổ hợp xét tuyển C00, đăng ký xét tuyển vào Trường ĐH Luật Hà Nội cũng như ở một số trường khác nhưng em đã không trúng tuyển. TS Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó Giám đốc ĐHQG TP HCM, cho rằng 25 điểm khối C là mức điểm khá cao. Việc thí sinh không trúng nguyện vọng là có nguyên nhân vì điểm chuẩn năm nay tăng mạnh ở các ngành, trường hút thí sinh; mặt khác cũng có lý do thí sinh đặt các nguyện vọng chưa hợp lý.
Các khách mời tham dự chương trình tọa đàm - tư vấn chiều 16-9 qua hình thức trực tuyến (Ảnh: VĂN HÙNG)
PGS-TS Huỳnh Quyền, Hiệu trưởng Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường TP HCM, cho biết như nhiều trường ĐH khác, Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường TP HCM cũng chịu ảnh hưởng chung về sự bất cân đối về tỉ lệ số nguyện vọng đăng ký/chỉ tiêu ở các ngành nghề. Cụ thể như tại trường, các ngành như quản lý đất đai, công nghệ thông tin, quản trị kinh doanh là những ngành nghề được đa số các em lựa chọn nên điểm chuẩn đã tăng vọt, chênh lệch 3-4 điểm so với năm 2020.
"Với các ngành như quản lý khai thác tài nguyên như: nước, khoáng sản, biển và hải đảo; ngành khí tượng thủy văn và biến đối khí hậu... có nhu cầu nhân lực rất lớn vì tất cả hoạt động phát triển kinh tế từ cơ quan nhà nước đến doanh nghiệp, từ lĩnh vực nông nghiệp đến công nghiệp đều rất cần nguồn nhân lực trong lĩnh vực này" - PGS-TS Huỳnh Quyền nói.
Theo TS Nguyễn Đức Nghĩa, điểm chuẩn năm 2021 của các ngành, các trường thu hút thí sinh nhìn chung là tăng, thường trong khoản 1-2 điểm, cá biệt có ngành 4-5 điểm. Sự gia tăng điểm chuẩn này cũng đã được dự báo trước do có một số trường đã chuyển chỉ tiêu xét tuyển sang các phương thức khác.
Đặc biệt, do điểm môn tiếng Anh tăng nhiều nên ngoài việc điểm tuyển các tổ hợp có môn tiếng Anh tăng thì còn nảy sinh vấn đề là liệu có thiệt thòi cho các thí sinh xét tuyển theo các khối khác không, khi mà hiện nay, hầu hết trường đều có điểm chuẩn trúng tuyển chung cho tất cả các khối xét tuyển.
Thí sinh có còn cơ hội ở đợt xét tuyển bổ sung?
Những thí sinh không trúng tuyển trong đợt xét tuyển này phải đợi đến đợt xét tuyển bổ sung là đã rơi vào thế bị động. Vì vậy, các em cần phải chờ thông tin từ các trường xem cụ thể các trường xét tuyển bổ sung những ngành nào, chỉ tiêu bao nhiêu.
PGS-TS Huỳnh Quyền cho biết tại Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường TP HCM, nhiều ngành có điểm chuẩn cao, khả năng tuyển đủ trong đợt này nhưng cũng có những ngành khả năng sẽ tuyển bổ sung. Sau ngày 26-9, trường sẽ thống kê kết quả tuyển sinh sau đó sẽ quyết định có tuyển bổ sung hay không, cụ thể như thế nào. Thí sinh cần theo dõi trên website của trường và trên báo chí để biết thông tin.
Cô Trần Thúy Trâm Quyên, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, cho biết trường đã xác định được những thí sinh đạt yêu cầu về điểm chuẩn theo kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 vào các ngành của khối ngành sức khỏe đặc biệt là y khoa và răng - hàm - mặt. Bên cạnh đó, 5 phương thức xét tuyển khác cũng có rất nhiều thí sinh đăng ký theo khối ngành khoa học sức khỏe. Về cơ bản, ngành y khoa và răng - hàm - mặt đều đủ chỉ tiêu đặt ra.
ThS Trần Mạnh Thái - Giám đốc Trung tâm Chăm sóc người học và Tuyển sinh, Trường ĐH Văn Hiến - cho rằng với thí sinh không trúng tuyển trong đợt này có thể tìm kiếm trường ĐH khác có tuyển bổ sung. Trường ĐH Văn Hiến đang xét bằng phương thức học bạ, đợt cuối nhận hồ sơ đến ngày 21-9 nên thí sinh cần sớm đăng ký trước khi hết hạn.
TS Nguyễn Đức Nghĩa cho biết sau khi xét tuyển đợt 1, kỳ xét tuyển 2021 xem như khép lại. Sau đợt 1 xét tuyển vừa rồi, dự kiến đến cuối tháng 9, 70% chỉ tiêu trong tổng số 530.000 chỉ tiêu của các trường ĐH sẽ tuyển được. Có nghĩa là nếu tính một cách cơ học, còn khoảng 300.000 thí sinh có nguyện vọng học ĐH nhưng chưa trúng tuyển theo tất cả phương thức và khoảng 100 trường ĐH chỉ tuyển được chưa tới 50% chỉ tiêu sẽ tiếp tục xét tuyển bổ sung.
Ông Tô Đình Tuân - Bí thư Đảng ủy, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, Trưởng Ban Chỉ đạo chương trình "Đưa trường học đến thí sinh 2021" - khẳng định do ảnh hưởng dịch Covid-19, chương trình "Đưa trường học đến thí sinh 2021" được tổ chức trực tuyến để giải đáp thắc mắc của thí sinh, phụ huynh. Sự tham gia của các chuyên gia giàu kinh nghiệm đã định hướng giúp thí sinh chọn được lối đi đúng để tiếp bước vào tương lai.
Hỗ trợ học phí cho thí sinh bị ảnh hưởng bởi Covid-19
ThS Trần Mạnh Thái cho biết để chia sẻ với những khó khăn về tài chính của sinh viên, Trường ĐH Văn Hiến đã có nhiều chính sách như hỗ trợ 50% học phí học kỳ 1 cho thí sinh nhập học sớm; hỗ trợ 50% học phí toàn khóa cho thí sinh có cha, mẹ, anh, chị, em, ruột làm trong ngành y và đang cống hiến ở tuyến đầu; hỗ trợ toàn bộ học phí đối với thí sinh bị F0 hoặc có cha, mẹ, anh, chị, em ruột bị F0... Trường hợp vẫn gặp rất nhiều khó khăn về kinh tế, sẽ được xem xét cho vay với lãi suất 0%; tặng công cụ học tập cho thí sinh nhập học sớm.
Cô Trần Thúy Trâm Quyên cho biết Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng giãn đóng học phí học kỳ 1 thành 2 đợt: chỉ đóng trước 5 triệu đồng học phí học kỳ 1, phần học phí còn lại sẽ đóng trước ngày 30-11; cố định mức học phí trong suốt thời gian đào tạo chính khóa. Ngoài ra, nhà trường còn hợp tác với ngân hàng triển khai chương trình "Nhập học không tiền mặt" với chính sách lãi suất 0% trong 12 tháng (năm học 2021-2022).
Bình luận (0)