Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mà Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vừa công bố có những thay đổi đáng kể trong việc tích hợp, lồng ghép các môn học theo hướng tăng thực hành, tăng cường hoạt động trải nghiệm sáng tạo cũng như phát huy tối đa năng lực người học. Chân dung lứa học sinh mới với 6 phẩm chất và 10 năng lực thật sự là giấc mơ quá hoàn hảo về những người chủ tương lai của đất nước.
Khó gồng gánh cùng lúc nhiều môn
Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi mà lại khá mơ hồ trong dự thảo là công tác chuẩn bị đội ngũ giáo viên đã, đang và sẽ thực hiện như thế nào để kịp thời đáp ứng yêu cầu đổi mới. Giáo viên là những người trực tiếp tiếp cận chương trình mới và bằng tài năng sư phạm chuyển tải tinh thần đổi mới đến học sinh. Thế nhưng, nhìn vào dự thảo thì chúng ta dễ dàng thấy đội ngũ giáo viên ở các cấp học hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới.
Xét riêng ở cấp THCS, dự thảo công bố việc tích hợp các môn vật lý, hóa học, sinh học thành môn khoa học tự nhiên hay tích hợp thành môn lịch sử và địa lý, kết hợp âm nhạc - mỹ thuật thành môn học nghệ thuật. Câu hỏi đặt ra là: Một giáo viên có thể nào vừa am hiểu lịch sử vừa chuyên sâu địa lý? Bao nhiêu người vừa có tài năng hội họa vừa hát hay, đàn giỏi, có cảm thụ âm nhạc tốt? Đòi hỏi một người thầy “3 trong 1” - giỏi đều lý, hóa, sinh với kho kiến thức chuyên môn vững vàng có khả thi không?
Nhìn nhận một cách thẳng thắn vào thực tế hiện nay ở các trường phổ thông, ngoài một bộ phận giáo viên thật sự chắc tay nghề thì không ít người dù chỉ đứng lớp một môn học vẫn còn khá non chuyên môn. Bây giờ ép giáo viên phải “gánh”, “cõng” thêm khối lượng kiến thức khổng lồ của môn học được tích hợp e là quá tầm tay.
Cần chuẩn bị kỹ lưỡng, chuyên sâu
Đó là chúng ta chỉ mới bàn về kiến thức trong khi giảng dạy một môn học không chỉ là việc truyền thụ tri thức. Phương pháp chuyên ngành, năng lực thực hành, khả năng ứng dụng... của mỗi môn học lại có những đặc trưng riêng. Người thầy phải là những nhà sư phạm chứ không phải người truyền thụ tri thức, có như thế mới đáp ứng được tinh thần của công cuộc đổi mới là tiếp cận năng lực người học.
Bên cạnh đó, dự thảo còn đưa ra 3 phần nội dung giáo dục mới, đó là hoạt động trải nghiệm sáng tạo, chuyên đề học tập và giáo dục địa phương. Nguồn nhân lực cho các môn học mới này sẽ được chuẩn bị ra sao và từ lúc nào?
Nếu bắt đầu đào tạo mới để có thể triển khai thực hiện từ năm 2018 như dự thảo đề ra thì không đủ thời gian, nhân lực, vật lực. Nếu lấy đội ngũ giáo viên cũ hiện nay bồi dưỡng thêm và cho đứng lớp thì có phần khiên cưỡng, chỉ sợ tình trạng dạy học “cưỡi ngựa xem hoa” sẽ xảy ra.
Dù phương pháp dạy học mới khẳng định vị thế trung tâm của người học nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh nhưng vai trò tổ chức, hướng dẫn hoạt động học của người thầy không thể nào xem nhẹ. Bởi lẽ, khâu then chốt, quyết định sự thành bại của bất kỳ cuộc cải cách, đổi mới giáo dục nào chính là đào tạo người thầy. Vì vậy, bài toán về chất lượng giáo viên cần được xem xét, nhìn nhận một cách kỹ lưỡng và chuyên sâu hơn.
Vạn sự khởi đầu nan, dự thảo chương trình phổ thông tổng thể chắc chắn sẽ vấp phải nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận. Vấn đề là các nhà giáo dục, những người có trách nhiệm trong việc triển khai thực hiện công cuộc cải cách này cần có tinh thần cầu thị để lắng nghe góp ý của dư luận và điều chỉnh tích cực. Đó là niềm mong mỏi lớn của xã hội về một nền giáo dục Việt Nam chất lượng, tiên tiến.
Tập huấn, bồi dưỡng giáo viên vẫn đối phó?
Điểm đáng chú ý trong dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mà Bộ GD-ĐT vừa công bố là đề cập điều kiện thực hiện. Trong đó, yếu tố quan trọng hàng đầu là “chất lượng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục”.
Để chuẩn bị cho chương trình mới, mấy năm nay, Bộ GD-ĐT và các sở GD-ĐT đã tổ chức nhiều đợt tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo. Hình thức bồi dưỡng phổ biến hiện nay là cử giáo viên cốt cán đi tập huấn. Sau đó, họ về trường tập huấn lại cho các giáo viên khác. Bên cạnh đó, mỗi giáo viên tự bồi dưỡng theo đăng ký, kế hoạch từng năm học của cá nhân. Đến gần cuối năm học, từng tổ chuyên môn, nhà trường tự tổ chức kiểm tra các chuyên đề, mô-đun hoặc theo đề của phòng, sở GD-ĐT. Vì là người nhà, anh em, đồng nghiệp cả nên kết quả điểm bồi dưỡng thường xuyên của tất cả cán bộ, giáo viên đều toàn 8 trở lên.
Thực tế cho thấy công tác bồi dưỡng thường xuyên lâu nay ở hầu hết các cơ sở giáo dục từ bậc tiểu học đến THPT chưa được quan tâm đúng mức và thực hiện nghiêm túc; tính hình thức, đối phó và bệnh thành tích vẫn còn rất nặng. Do đó, hiệu quả, tác động của các đợt tập huấn, bồi dưỡng chẳng thấm là bao trong số đông đội ngũ nhà giáo. Họ vẫn dạy theo phương pháp cũ; học trò nắm, vận dụng kiến thức đến đâu không cần quan tâm.
Chất lượng tuyển sinh đầu vào các trường sư phạm thường thấp; cách đào tạo lại chậm được đổi mới, cải tiến; mức độ tâm huyết, năng lực giáo dục, dạy học ở nhiều giáo viên còn hạn chế, yếu kém, cộng với cách đánh giá, bồi dưỡng thường xuyên chủ yếu chạy đua theo hình thức, thành tích... Đó là những nguyên nhân chính khiến chất lượng của một bộ phận giáo viên đang có vấn đề, trở thành gánh nặng, lực cản lớn, khó đáp ứng được công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện của nền giáo dục nước nhà. Cho dù nội dung, chương trình giáo dục phổ thông, sách giáo khoa, trang thiết bị dạy học, điều kiện phòng ốc, cơ sở vật chất có tốt, hiện đại đến đâu đi nữa mà đội ngũ nhà giáo, quản lý giáo dục vẫn ì ạch, giậm chân tại chỗ, không thích ứng được những yêu cầu mới, các môn học mới thì hiệu quả, chất lượng giáo dục phổ thông vẫn thế.
Làm thế nào củng cố, nâng cao được năng lực giáo dục, dạy học của đội ngũ thầy cô hiện nay để thực hiện trơn tru, hiệu quả nội dung, chương trình giáo dục phổ thông mới, đây thực sự là một bài toán vô cùng hóc búa và nan giải. Theo tôi, trước hết, cần sàng lọc, phân hóa giáo viên thành nhiều loại khác nhau để bồi dưỡng, tập huấn. Bởi lẽ, chất lượng giáo viên ở các trường, địa phương không đồng đều, có người giỏi, người dở, có kẻ nhanh, kẻ chậm. Giáo viên khá, giỏi thì thời gian bồi dưỡng ít; giáo viên trung bình, năng lực chuyên môn còn hạn chế thì tập huấn nhiều, thật kỹ càng.
Với những giáo viên bộ môn sẽ quản lý và giảng dạy các môn học, hoạt động mới ở các bậc học thì phòng, sở GD-ĐT nên tập huấn, bồi dưỡng tập trung với thời gian tương đối dài; cần chọn giáo viên cốt cán, am hiểu sâu hoặc mời chuyên gia đầu ngành về hướng dẫn, truyền đạt hay hợp đồng, đặt hàng với các trường CĐ, ĐH sư phạm tổ chức đào tạo, bồi dưỡng lại. Vừa bồi dưỡng, tập huấn vừa đúc kết, rút kinh nghiệm, xây dựng kế hoạch cho những năm tiếp theo vì cùng một lúc không thể nào bồi dưỡng cho gần 900.000 giáo viên phổ
thông được.
Thời gian chuẩn bị để thực hiện đại trà chương trình giáo dục phổ thông mới, bắt đầu từ năm học 2018-2019, không còn nhiều. Ngay từ bây giờ, ngành giáo dục, các sở GD-ĐT phối hợp với các trường CĐ, ĐH sư phạm cần triển khai, làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn đội ngũ giáo viên theo nội dung, cách thức, phương pháp giáo dục, dạy mới. Việc này nếu chậm trễ, thực hiện không thực chất thì tính khả thi, hiệu quả của chương trình sẽ khó thành hiện thực, niềm tin của xã hội lại bị lung lay.
Đỗ Tấn Ngọc
Bình luận (0)