Phóng viên: TP HCM đang cùng lúc triển khai nhiều chương trình tiếng Anh cho học sinh tiểu học, phổ thông. Việc duy trì cùng lúc nhiều chương trình như vậy có phù hợp hay không, thưa giáo sư?
- GS Nguyễn Lộc: Đúng là việc triển khai cùng lúc nhiều chương trình quá sẽ gặp khó khăn. Tuy nhiên, cũng cần nhận thấy rằng so với đa số môn học khác (chẳng hạn môn toán, tiếng Việt...) thì tiếng Anh có đặc điểm khác biệt. Đó là việc dạy và học môn này có tính phụ thuộc lớn vào nhu cầu và điều kiện của địa phương, của học sinh, thậm chí của phụ huynh học sinh…
Do vậy, việc TP HCM triển khai nhiều chương trình là nhằm đáp ứng nhu cầu nâng cao năng lực ngoại ngữ vô cùng đa dạng của một thành phố đông dân, năng động, có mức độ tăng trưởng kinh tế cao, có sự hội nhập quốc tế nhanh và năng lực ngoại ngữ đã và đang trở nên một trong những yếu tố sống còn của sự phát triển của thành phố.
Theo tôi được biết, hiện TP HCM có duy trì chương trình bình thường (7 năm) cho học sinh lớp 6 đến 12, chương trình tiếng Anh tăng cường (tăng so với chương trình thường 3-4 tiết), chương trình Cambridge, chương trình tiếng Anh theo Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 (10 năm, bắt đầu từ lớp 3) và sắp tới sẽ triển khai chương trình tiếng Anh tích hợp.
Ở lứa tuổi học sinh, đặc biệt là tiểu học, có nhất thiết phải đưa ra nhiều chương trình, nhiều sự lựa chọn như vậy không?
- Tôi nghĩ việc đưa ra nhiều chương trình như vậy có lý do của nó. Như tôi nói, đây là một việc đáp ứng nhu cầu hết sức đa dạng của thành phố. Ngay cả nhu cầu của người học cũng khác: có người coi học tiếng Anh là bình thường, người coi là quan trọng, người thì cũng thấy quan trọng nhưng không đủ tiền, đủ sức theo… Đây là một cách làm theo hướng đa dạng hóa sự lựa chọn, ở mức độ nào đó có thể chấp nhận. Quan trọng là Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), nhà trường phải giải thích kỹ cho phụ huynh, học sinh từng chương trình để họ nắm được thông tin trước khi lựa chọn.
Dưới góc độ chuyên môn, giáo sư đánh giá thế nào về việc dừng chương trình Cambridge?
- Về bản chất, chương trình Cambridge mà TP HCM tiến hành là chương trình dạy học một số môn bằng tiếng Anh, trong đó có cả môn tiếng Anh. Việc triển khai chương trình kiểu này được sử dụng khi người ta muốn tăng tính hiệu quả đến mức rất cao, nếu không nói là cao nhất, trong việc dạy tiếng Anh. Đây chính là một trong những cách thức áp dụng cái gọi là nguyên tắc “nhúng chìm” (immersion) trong giảng dạy ngoại ngữ. Dưới góc độ phương pháp dạy học, giới học giả quốc tế gọi đây là phương pháp “Học kết hợp nội dung với ngôn ngữ” (Content and Language Integrated Learning, viết tắt là CLIL). Ở nhiều quốc gia, người dân có trình độ tiếng Anh cao như Malaysia, Philippines, Singapore hoặc rất nhiều nước châu Âu đều áp dụng phương pháp này ở cấp độ toàn quốc.
Khó khăn chung đối với nhiều nước trong việc áp dụng phương pháp này là vấn đề giáo viên và sự lo ngại về chất lượng các môn học được dạy bằng tiếng Anh dường như có nguy cơ thấp hơn nếu so với việc dạy bằng tiếng mẹ đẻ.
Việt Nam hiện có nhiều chương trình tương tự Cambridge. Các chương trình này thường được tiến hành ở các trường có yếu tố quốc tế và gần theo một mô hình chung là sáng học chương trình của Bộ GD-ĐT, buổi chiều học thêm tiếng Anh và một số môn bằng tiếng Anh. Tùy từng trường mà họ có thể chọn chương trình của vô số tổ chức, trường học của Úc, Canada, Mỹ... Ở Anh có thể có chương trình của Cambridge, Edexcel...
Bên cạnh những ưu điểm kể trên, cũng như các chương trình tương tự, Cambridge đã bộc lộ một số nhược điểm như quá tải vì học cùng lúc chương trình này và chương trình của Bộ GD-ĐT. Ngoài ra, chương trình Cambridge đánh giá theo chuẩn riêng, do vậy cấp chứng chỉ riêng và mức độ phổ biến không rộng. Hiện có nhiều chuẩn khác như TOEFL, IELTS, TOEIC… phổ biến hơn và phụ huynh bắt đầu tỉnh táo để xem xét chọn chương trình nào có thể giúp họ linh hoạt hơn trong việc chọn chứng chỉ phù hợp cho con em mình.
Chương trình tiếng Anh tích hợp mà Sở GD-ĐT TP HCM sẽ thay thế trong thời gian tới có giải quyết được những tồn tại của chương trình Cambridge?
- Chương trình tiếng Anh tích hợp, theo tôi biết, được thiết kế để giúp khắc phục những tồn tại nêu trên của chương trình Cambridge. Trước hết, cần phải nói “tích hợp” trong chương trình là một xu hướng tiến bộ trong giáo dục thế giới. Đây cũng là một trong những xu hướng chủ đạo trong việc đổi mới chương trình và sách giáo khoa của Việt Nam thời gian tới. Tích hợp trong chương trình của Sở GD-ĐT TP HCM, theo tôi biết, sẽ loại bỏ sự trùng lặp trong việc dạy các môn học bằng tiếng Việt và tiếng Anh, qua đó giảm sự quá tải không cần thiết cho học sinh.
Còn việc linh hoạt lựa chọn các chứng chỉ phù hợp trong nhà trường thì như tôi nói, sở và nhà trường cần phải giải thích rõ cho phụ huynh và học sinh.
Việc triển khai các chương trình tiếng Anh đã tạo ra sự phân biệt giữa chương trình này với chương trình kia trong cùng một trường học. Vậy tại sao không triển khai các chương trình tiếng Anh như một môn học ngoại khóa, ai có tiền thì học?
- Các môn học hay hoạt động ngoại khóa (thuật ngữ quốc tế tương đương với “ngoại khóa” là extracurriculum, có nghĩa là ngoài chương trình chính) chỉ đóng vai trò bổ trợ, thêm vào. Trong khi đó, năng lực ngoại ngữ, cụ thể là năng lực tiếng Anh, là một trong những năng lực quan trọng nhất của nhân lực thế kỷ XXI. Nếu chỉ ở vai trò ngoại khóa, môn tiếng Anh chắc chắn sẽ không đáp ứng việc trang bị năng lực được yêu cầu cao như vậy.
Tuy nhiên, theo tôi, TP HCM cần phải từng bước đánh giá lại để thực hiện các chương trình tiếng Anh theo hướng gọn gàng hơn.
Bình luận (0)