Sáng tạo như người Thụy Điển là cuộc thi đổi mới dành cho sinh viên Việt Nam nhằm khuyến khích sự sáng tạo và tìm ra các giải pháp mang tính sáng tạo để xử lý các thách thức ở Việt Nam. Chủ đề cuộc thi năm nay là Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) số 11 của Liên Hiệp Quốc: Thành phố và cộng đồng bền vững – làm cho các thành phố và khu vực sinh sống của con người trở nên toàn diện, an toàn, linh động và bền vững.
Sinh viên dự thi sẽ lập thành các nhóm 2 thành viên và sáng kiến của nhóm sẽ được đánh giá theo các tiêu chí tính đổi mới, sáng tạo, khả thi, bền vững và ứng dụng trong cuộc sống cũng như tác động lâu dài của sáng kiến này. Ban giám khảo bao gồm đại diện của các công ty Thụy Điển tài trợ cuộc thi và đại diện một trường đại học Thụy Điển tại Việt Nam. Hạn chót gửi bài dự thi là ngày 28-10-2018.
Giải nhất của cuộc thi là một chuyến đi Thụy Điển tới thăm trụ sở chính các công ty Thụy Điển và Trường Đại học Uppsala. Các sinh viên đoạt các giải khuyến khích sẽ có cơ hội thực tập tại các công ty Thụy Điển ở Việt Nam.
Một thế kỷ trước, Thụy Điển thuộc số các nước nghèo nhất ở châu Âu. Dân số Thụy Điển khá nhỏ, khoảng 10 triệu người chiếm chỉ 0,14% dân số toàn cầu. Nhưng hiện nay, Thụy Điển là nước dẫn đầu thế giới về đổi mới, sáng tạo.
Ghế ngồi an toàn quay về phía sau trên ôtô cho trẻ em - một trong những sản phẩm sáng tạo của Thụy Điển
Theo Đại sứ Thụy Điển Pereric Högberg, trong quá khứ, thủ đô Stockholm của Thụy Điển từng rất ô nhiễm bởi rác thải, nhưng nhờ những giải pháp sáng tạo nhằm phát triển bền vững mà giờ đây, Stockholm trở thành một thành phố rất sạch đẹp. Nếu như xưa, rác thải đổ xuống ống cống và chảy thẳng vào các hồ nước, dòng sông thì nay, nhờ những phát minh công nghệ mới, nước hồ ở Thụy Điển sạch tới mức người dân có thể câu cá hồ về ăn, uống nước ở đó mà không phải lo lắng về vấn đề sức khỏe bởi chất lượng nước hồ rất tốt.
Những người quan tâm có thể gửi ý tưởng đến hòm thư và địa chỉ Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam
https://www.swedenabroad.se/en/embassies/vietnam-hanoi/contact/
Máy tạo nhịp tim, Bluetooth, Skype để liên lạc hằng ngày, dây an toàn 3 điểm trên xe ô tô... đó chỉ là một số ít các ví dụ về những đổi mới, sáng tạo của người Thụy Điển. Danh sách dài những sáng tạo của người Thụy Điển bao gồm: khóa phéc-mơ-tuya, diêm an toàn, thuốc nổ đi-na-mít, hộp đựng đồ uống bằng giấy, vòng bi, cờ-lê có thể điều chỉnh, ghế ngồi an toàn quay về phía sau trên ô tô cho trẻ em, thận nhân tạo, dịch vụ nghe nhạc kĩ thuật số Spotify…
"Điều gì khiến Thụy Điển có tính đổi mới sáng tạo mạnh như vậy? Tôi cho rằng Thụy Điển được thừa hưởng nhiều yếu tố cơ bản sẵn có như sự ổn định của nền kinh tế, hệ thống trường học nơi mà suy nghĩ mang tính phản biện là chìa khóa, an toàn và an ninh, và tiếp cận thông tin một cách đầy đủ. Trong một môi trường nhìn mọi thứ bằng sự tò mò, sự sáng tạo và trải nghiệm, mọi người sẽ có cơ hội trưởng thành, phát triển các ý tưởng của mình, chứng minh, thử nghiệm, thất bại và làm lại. Và, gặp gỡ những người có thể đang theo đuổi những cách tiếp cận khác"- Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam Pereric Högberg nói.
Những câu chuyện thành công gần đây ở Thụy Điển
Con đường đầu tiên cho phép xe điện nạp năng lượng khi đang di chuyển
Con đường đầu tiên trên thế giới cho phép các xe chạy bằng điện nạp điện khi đang di chuyển đã được hoàn thành ở Thụy Điển. Đoạn đường ray dài 1,2 dặm đã được xây thành đường công cộng ngay ngoại ô Stokholm và đã có các kế hoạch để mở rộng dự án này ở nhiều nơi trên khắp thế giới. Đường điện hoạt động bằng cách truyền năng lượng từ thanh ray qua đoạn tiếp xúc di động gắn dưới gầm xe hơi hoặc xe tải điện. Thanh ray được kết nối với mạng điện lưới và được chia thành các vùng chỉ hoạt động khi có xe di chuyển qua.
Hướng tới không rác thải
Hơn 99% rác thải của các hộ gia đình được tái chế bằng cách này hay cách khác, mỗi vật thải được chuyển thành một thứ gì đó - những sản phẩm mới, nguyên liệu, khí ga hay ít nhất là nhiệt năng.
Vấn đề tái chế
Có chuyện gì khi thấy những người Thụy Điển mang những túi chất đầy đồ bên trong tới cửa hàng? Đó là để lấy lại tiền, một khoản tiền phải trả trước mỗi lần mua một lon hay chai làm bằng vật liệu PET. Năm ngoái, 1,85 tỉ lon và chai, hay 85% số này được bán ra, đã được tái chế bằng cách sử dụng các máy bán hàng ngược.
Hiện nay, các trạm tái chế bắt buộc phải được đặt không xa hơn các khu dân cư 300 m. Hầu hết mọi người Thụy Điển đều phân loại rác tái chế ở nhà và bỏ vào các thùng đặc biệt trong các khu chung cư hoặc mang tới các trạm tái chế.
Ngôi nhà có thể di chuyển cửa sổ
Tòa nhà đặc biệt - tường trong nhà, thậm chí cửa sổ và cửa ban công có thể được di chuyển tới bất kỳ chỗ nào muốn
Vallastaden là một khu dân cư bền vững ở khu thành phố đại học Linköping, đưa vào sử dụng năm 2017. Khu dân cư này sử dụng nhiều gỗ thân thiện với môi trường hơn để làm khung nhà thay vì dùng bê-tông. Một tòa nhà thí điểm bốn tầng được vẽ và thiết kế với mục đích khuyến khích thay đổi theo thời gian – tường trong nhà, thậm chí cửa sổ và cửa ban công có thể được di chuyển tới bất kỳ chỗ nào muốn mà không tốn mấy công sức.
Bình luận (0)