Bạn đọc là một giáo viên nêu ý kiến: Nếu làm theo dự thảo quy định về học phí chất lượng giáo dục cao…, nhiều trường công lập tốt hiện nay sẽ dần dần biến thành trường tư thục, làm bản chất của nền giáo dục vì dân, đại chúng sẽ thay đổi.
Xã hội sẽ phân hóa dữ dội từ trường học
Bạn đọc này phản ứng: “Càng tệ hại hơn nếu tồn tại những lớp VIP trong trường công, làm xã hội phân hóa dữ dội ngay từ trong trường học - nơi mà sự công bằng cần được tôn trọng”.
GS Văn Như Cương, Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội), dẫn một ví dụ điển hình đó là những lớp VIP trong Trường Tiểu học Nguyễn Trãi (Hà Nội) mà Sở GD-ĐT mới kiểm tra và yêu cầu nhà trường phải trả lại tiền cho phụ huynh. Trong một trường mà lập ra các lớp VIP như thế là bất bình đẳng. “Những lớp này sẽ khiến học sinh “nhơn nhơn” cậy con ông cháu cha lắm tiền nhiều của nên được thế này, thế kia… Tôi cho là không được” - GS Cương bất bình.
GS Cương cho rằng tại sao người ta yêu cầu học sinh mặc đồng phục? Đơn giản là để ai cũng giống nhau về hình thức. Trở lại dự thảo của Bộ GD-ĐT, GS Cương phản biện: “Nếu trong một trường mà đến 90% học sinh đóng học phí ngần này, lại có 10% đóng học phí kiểu khác, cao gấp 10, gấp 20 lần thì không thể chấp nhận được. Cứ làm toàn bộ cả trường đi, thông báo cho phụ huynh học sinh vào học trường chất lượng cao (CLC) phải đóng 500.000 đồng/tháng, ai có điều kiện kinh tế thì vào, ai không có thì học trường khác, như thế thì được. Mô hình lúc ấy cũng như là trường tư thục thôi và trường công cũng biến thành trường tư thục”.
GS Phạm Tất Dong, nguyên phó trưởng Ban Khoa giáo Trung ương, cho rằng đừng mượn danh cơ chế thị trường, ai có tiền thì vào học lớp CLC: “Trong một nhà trường mà có học sinh nhà nghèo, học sinh nhà giàu, em thì hưởng chế độ thế kia, em khác lại hưởng chế độ thế khác thì làm sao trở thành một cộng đồng tốt được. Theo tôi, Nhà nước đầu tư cho trường đó đến đâu, phụ huynh chấp nhận cho con học ở mức độ đó. Phải hòa đồng vào tập thể lớn, học sinh khác học được thì con mình cũng học được. Còn nếu nhiều tiền, cần CLC hơn hẳn thì ra học ở các trường tư”.
Trường tư trong trường công
Nhiều bạn đọc ở TPHCM cho rằng một số trường CLC như Trường THPT Lê Quý Đôn, Nguyễn Du, Nguyễn Hiền là những trường có cơ sở vật chất tốt, nay lấy làm thí điểm trường CLC, rồi chẳng bao lâu nữa biến thành trường tư thục mất. Hơn nữa, chương trình học ở các trường này cũng không có gì khác các trường, vậy thì CLC ở chỗ nào?
GS Phạm Tất Dong cảnh báo về việc sẽ thu học phí vô tội vạ: “Các trường giải thích cho việc tăng học phí là chất lượng tăng lên, thế thì phải chứng minh cho người ta thấy tăng như thế nào, phải cụ thể về hệ thống giáo viên, thư viện, cơ sở vật chất… chứ nếu đùng đùng thu học phí cao vô tội vạ là không được. Không có tiêu chí, người ta sẽ mượn danh “CLC” để móc tiền của phụ huynh mà mình không thể ngăn chặn. Lo nhất chính là sẽ nảy sinh một thứ trường tư trong trường công”.
Một bạn đọc có phát hiện khá… lạ là trên trang web của Bộ GD-ĐT, dự thảo này đã bị rút xuống. Bạn đọc này bình luận: “Không nên rút dự thảo này xuống. Đã là dự thảo cứ để bạn đọc xem và góp ý. Có điều Bộ GD-ĐT quá “hớ hênh” đặt tên dự thảo không rõ ràng nên thì rút xuống “an toàn” hơn. Thực ra đây là dự thảo về trường, lớp CLC nhưng tên dự thảo lại là “Dự thảo quy định về học phí chất lượng giáo dục cao trong các trường mầm non, phổ thông công lập - Bộ GD-ĐT”, trong khi đó dự thảo này nói nhiều đến nội hàm như thế nào là trường CLC nhưng thiếu cụ thể…”.
Một bạn đọc khác bình luận: “Dự thảo này chẳng qua để Bộ GD-ĐT hợp thức hóa học phí đang thu ở trường mà bộ gọi là trường CLC”.
Có lẽ còn quá nhiều bất cập, bị dư luận phản ứng nên dự kiến trong tuần này, Bộ GD-ĐT sẽ có cuộc họp với ban soạn thảo thông tư để tiếp thu các ý kiến phản biện, hoàn chỉnh dự thảo sát thực tế và khoa học hơn.
“Tôi có con cháu đi học, tôi sẽ không cho nó vào cái lớp VIP ấy. Chơi với bạn mà luôn luôn thấy bạn có cái gì đó khác mình thì không thể thành bạn bè được”.
GS Phạm Tất Dong |
Bình luận (0)