xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Còn đâu sự trân quý nghề giáo!

ĐẶNG TRINH

Người Việt có truyền thống tôn sư trọng đạo nhưng để xảy ra tình trạng thầy ngày càng sợ trò, theo nhiều chuyên gia giáo dục, là do lỗi của cả một hệ thống giáo dục

“Ngày xưa, người thầy có uy lắm. Hình ảnh thầy đồ trước đây là ngồi trên chiếu cầm roi và quyển sách để dạy học trò. Trò nào không ngoan, thầy quất vài roi. Thế nhưng, trò nào cũng một mực yêu quý, tôn trọng thầy. Còn ngày nay, người thầy đánh trò, xúc phạm học trò thì bị phạt, bị lên án và chỉ trích, thậm chí bị bôi nhọ, nói xấu trên các diễn đàn” - ông Bùi Gia Hiếu, Hiệu trưởng Trường THPT Nhân Việt, bày tỏ.

Không còn sự trong sáng

ThS Lê Ngọc Điệp, nguyên Trưởng Phòng Giáo dục Tiểu học Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM, cho rằng truyền thống của người Việt xưa nay là tôn sư trọng đạo, một chữ là thầy, nửa chữ cũng là thầy. Ngày xưa có câu “lương sư hưng quốc”, tức là người thầy có tốt thì quốc gia mới hưng thịnh và phát triển. Nhưng ngày nay, cuộc sống của người thầy không được bảo đảm, nghề không nuôi nổi mình thì nghiệp làm sao giữ được? Người thầy hết thời gian dạy là tất tả lo cho cuộc sống, còn đâu thời gian để chia sẻ, nắm bắt tâm tư, tình cảm của học sinh (HS)?

Vì thế mối quan hệ thầy - trò giờ đây ngày càng lỏng lẻo, chỉ là giữa người đi bán chữ và người mua chữ, mất đi sự trân quý, thiêng liêng. “Ngày xưa, chúng tôi không bao giờ phải hùn tiền mua quà tặng thầy mà ngược lại, đến tháng lương, thầy còn dành tiền cho lớp liên hoan. Ngày nay, những dịp như Tết Trung thu, ngày Nhà giáo thì phụ huynh lại đưa quà cho con đến nhà biếu thầy. Như thế, sự trong sáng của nghề giáo không còn nữa. Một khi mối quan hệ thầy - trò được xây dựng bằng quà cáp thì làm sao giữ được lễ nghĩa thầy - trò?”- ông Điệp trầm tư.

Học trò Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong tặng hoa cho cô giáo ngày 20-11 Ảnh: Tấn Thạnh
Học trò Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong tặng hoa cho cô giáo ngày 20-11 Ảnh: Tấn Thạnh

Một chuyên gia giáo dục cho rằng sự cao quý của nghề giáo là người thầy giáo dục HS bằng chính nhân cách của mình. Trong khi đó, hình ảnh phổ biến hiện nay là thầy cầm quà và phong bì của phụ huynh để chữa điểm cho trò. Không ít người thầy bằng mọi cách ép HS học thêm để tăng thu nhập. Thế thì HS sẽ coi thầy giáo là gì? Thầy sẽ giáo dục nhân cách cho trò thế nào? Như thế thì trò làm sao mà tôn trọng hay nể phục thầy được?

Ít dạy nhân cách, chỉ lo thi cử

Hiệu trưởng một trường THPT tại quận Phú Nhuận, TP HCM cho rằng để xảy ra tình trạng trò không còn sợ thầy là lỗi của cả một hệ thống. Chẳng hạn, lâu nay cứ đổ lỗi cho môn giáo dục công dân nhưng nếu ở bậc THPT, có tăng thêm 1 tuần/2 tiết thì tình hình liệu có khả quan khi ở trường dạy một kiểu, về nhà một kiểu, ra ngoài xã hội HS lại chứng kiến một kiểu khác? Bên cạnh đó, hệ thống sách giáo khoa hiện nay còn giáo điều, ôm đồm, không tập trung dạy kỹ năng, phát triển toàn diện nhân cách HS mà chỉ lo ứng phó với thi cử.

Ông Bùi Gia Hiếu cho rằng nghề giáo là nghề lấy nhân cách dạy nhân cách. Để hạn chế tình trạng kỷ luật trường tư lỏng lẻo, nhiều trường dung túng cho HS khiến trò không còn tôn trọng thầy, phải có cơ chế riêng cho người thầy và các trường để đánh giá, xếp loại HS, miễn sao sản phẩm của các trường đào tạo ra được xã hội thừa nhận, tin tưởng.

Theo PGS-TS Vũ Trọng Rỹ, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, chức năng của giáo viên (GV) là giáo dục và dạy học nhưng hiện mới chỉ dừng lại ở vai trò dạy học. Vai trò giáo dục của người thầy chưa được nhận thức đầy đủ. Chưa nhận thức đầy đủ và không yêu nghề thì làm sao dạy học, làm sao để giáo dục HS và để HS tôn trọng mình?

Cô Bùi Thị Thùy Linh, GV Trường THPT Trần Khai Nguyên, cho rằng muốn HS tôn trọng mình, bản thân người thầy phải tự trau dồi mình trước để chinh phục các em bằng kiến thức chuyên môn, cách dạy lôi cuốn, tác phong chuẩn mực. Nhất là GV phải có sự công bằng với tất cả HS, giải quyết tình huống thấu tình đạt lý.

Ở một góc độ khác, theo ThS Lê Ngọc Điệp, thời nào cũng có học trò tinh nghịch nhưng tinh nghịch khác với hỗn láo. Tuy vậy, cũng khó trách học trò vì hình tượng người thầy lý tưởng hiện nay trong mắt các em đã không còn bởi nhiều GV để xảy ra những tình huống sư phạm không tốt. “Lỗi này lại do các trường sư phạm đào tạo ra đội ngũ nhà giáo nhưng lại chưa trang bị cho sinh viên những kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng xử lý tình huống sư phạm cần thiết. Chính vì thế, phải có chuẩn trường sư phạm, chuẩn GV” - ông Điệp đề xuất.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 5-5

Hơn 50% giáo viên hối hận vì chọn nghề giáo

PGS-TS Vũ Trọng Rỹ nêu thực trạng rất nhiều GV hối hận với lựa chọn nghề giáo, một bộ phận đáng kể đang chán nghề. Thực trạng này được rút ra trong một khảo sát với hơn 500 GV ở 3 cấp với câu hỏi: Nếu được chọn lại nghề thì có chọn nghề dạy học nữa không? Kết quả, số GV không còn muốn làm nghề giáo ở cấp tiểu học là 40,9%, cấp THCS 59% và THPT là 52,4%.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo