Trình bày báo cáo giám sát, GS Đào Trọng Thi - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH - khẳng định nền giáo dục phổ thông đang bộc lộ quá nhiều bất cập. Báo cáo giám sát nêu rõ quy trình biên soạn chương trình, SGK thiếu tính khoa học; chưa bảo đảm sự liên thông, thống nhất giữa các cấp học, môn học; một số môn học yêu cầu cao hơn khả năng tiếp thu trung bình của học sinh.
GS Phan Xuân Dũng - Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của QH - nói: “Mục tiêu báo cáo đặt ra 3 vấn đề: chất lượng, chương trình và SGK thì phải trả lời “chất lượng cao hay thấp”, “chương trình nặng hay nhẹ”, “SGK là hiện đại hay lạc hậu”. Nhưng báo cáo đã không trả lời được 3 đơn đặt hàng của UBTVQH” - ông Dũng phê bình.
Các đại biểu cũng tập trung “mổ xẻ” mô hình phân ban ở cấp THPT, hiệu quả của mô hình trường chuyên, việc ban hành các văn bản không phù hợp với thực tiễn của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT). Tham dự phiên họp, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, ông Phạm Vũ Luận tập trung phân trần việc đầu tư cho ngành giáo dục còn hạn chế với mức chi duy trì từ 20 năm qua. Đáp lại giải trình của người đứng đầu ngành giáo dục, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của QH, bà Trương Thị Mai, nói: “Bên cạnh 20% ngân sách nhà nước, xã hội luôn sẵn sàng dồn sức cho con em đến trường. Vấn đề ở đây là phải nghĩ ra cơ chế để huy động mọi nguồn lực”.
Việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật về bảo đảm chất lượng và chương trình SGK giáo dục phổ thông cũng được nhiều đại biểu quan tâm. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Phan Trung Lý nêu: Trong 10 năm qua, các cơ quan nhà nước đã ban hành 461 văn bản nhưng báo cáo của đoàn giám sát chưa nêu được tác động, chất lượng quyết định chính sách của 461 văn bản trên. Đại biểu Phan Trung Lý đề nghị Bộ GD-ĐT cần sắp xếp, hệ thống hóa các văn bản này.
Cùng ngày, UBTVQH cho ý kiến về dự án Luật Hải quan sửa đổi.
Bình luận (0)