xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cuộc thi viết "Người Thầy kính yêu": Như một người cha

Hoàng Minh Đức

Thầy giáo Hoàng Hiếu Nghĩa đối với tôi như một người cha. Thầy không chỉ dạy cho tôi làm toán, làm thơ mà còn biết làm người

Thầy giáo Hoàng Hiếu Nghĩa là bố của nhà thơ thần đồng Hoàng Hiếu Nhân. Hoàng Hiếu Nhân là người cùng nhà thơ thần đồng Trần Đăng Khoa từng đoạt được giải nhất trong cuộc thi thơ do Báo Thiếu niên Tiền phong và Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức.

Theo thầy dạy toán

Hồi đó, tôi đi K8 (sơ tán) ngoài Thanh Hóa. Bố tôi công tác cùng thầy Hoàng Hiếu Nghĩa ở Trường Sư phạm Sơ cấp Quảng Bình. Bố thường chép thơ Hoàng Hiếu Nhân gửi ra Thanh Hóa cho tôi. Tôi đọc và thích lắm nhưng viết mãi chẳng có bài nào được đăng báo. Khi học hết cấp 2, tôi đành bỏ cuộc.

Năm 1972, thầy Nghĩa về dạy toán ở Trường Cấp 3 Nam Quảng Trạch. Trước khi Hiệp định Paris ký kết, Mỹ cho B52 ném bom rải thảm xuống Quảng Bình quê tôi. Ngày 2-1-1973, bom đã đổ xuống làng Thọ Linh, sát nơi trường tôi đóng. Trận bom tàn khốc giết chết 107 người và làm bị thương gần 300 người khác. Thầy Nghĩa cùng học sinh chúng tôi đi cứu sập hầm, chuyển người bị thương lên bệnh viện huyện.

Tháng 3-1973, khi Mỹ rút quân, chúng tôi không phải ngồi học dưới hầm nữa. Nhà trường đã tổ chức một đêm biểu diễn văn nghệ trên sân khấu ngoài trời. Thầy Nghĩa làm chủ nhiệm lớp 10A của chúng tôi. Thầy Nguyễn Cảnh Lục - hiệu phó nhà trường, người trực tiếp dạy văn lớp tôi - tổ chức tập vở kịch "Tinh thần thể dục" phỏng theo truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nguyễn Công Hoan.

Vở kịch cần một nhân vật gầy gò, ốm yếu làm điếu đóm cho lý trưởng mang trát đi bắt người đến cổ động "tinh thần thể dục". Nhìn đi ngó lại, thầy Nghĩa thấy tôi là thích hợp nhất. Tôi vốn người nhỏ thó, lòng khòng, gầy quắt như con cò hương, hai cẳng chân như hai ống điếu, đi đâu cũng chẳng dám mặc quần đùi. Tôi phải hóa trang bôi nhọ nồi vào mặt, mặc bộ quần áo đàn bà ống thấp ống cao nói nhại theo từng động tác của lý trưởng, thể hiện tính cách lăng xăng làm hề gây cười cho người xem.

Một thanh niên mới lớn xấu hổ trước hàng trăm cặp mắt bạn bè, nhất là các bạn nữ biết được cặp giò như hai cây sậy của mình. Tôi kiếm cớ thoái thác: "Em phải học toán để thi tốt nghiệp cuối năm" (miền Bắc lúc ấy hệ phổ thông chỉ đến lớp 10). Thầy cười: "Từ nay, sau mỗi buổi tập văn nghệ, thầy dành 1 giờ phụ đạo môn toán cho các em".

Ngày "Tinh thần thể dục" ra mắt khán giả, cả trường vỗ tay rầm trời. Tiết mục lớp tôi được chấm giải nhất. Riêng tôi thì đi đâu cũng bị bạn bè gọi là "thằng điếu đóm". Bù lại, trong bài kiểm tra 1 tiết môn toán hôm sau, tôi được điểm 10 đầu tiên. Các bạn trong đội kịch cũng không ai bị điểm kém. Thầy nói: "Đức thông cảm nhé. Vì yêu cầu nhân vật là người phải gầy gò. Em về tập thể dục thường xuyên và cố gắng bồi bổ thêm". Nhưng bồi bổ thế nào nổi! Ngày ấy làng tôi chiến tranh, công điểm ngày 2 lạng thóc, đến sắn khoai cũng chẳng có mà ăn…

Ngày tôi ra trường, thầy Nghĩa được chuyển sang làm hiệu trưởng Trường Cấp 3 Bố Trạch. Bốn năm sau, tôi cũng trở thành thầy giáo dạy toán, bước theo sự nghiệp trồng người của thầy.

Cuộc thi viết Người Thầy kính yêu: Như một người cha - Ảnh 1.

Tác giả Hoàng Minh Đức (đứng) bên thầy giáo cũ Hoàng Hiếu Nghĩa. (Ảnh do tác giả cung cấp)

Rồi làm thơ...

Rồi tôi đi bộ đội, làm lính xe tăng, thỉnh thoảng có đọc được một vài bài thơ của thầy đăng trên Báo Người giáo viên nhân dân và Báo Dân - Bình Trị Thiên. Khi tôi xuất ngũ, trở lại ngành giáo dục thì thầy Nghĩa cũng trở về Trường Cấp 3 Nam Quảng Trạch.

Thầy nói vở kịch "Tinh thần thể dục" năm ấy là do thầy sáng tác. Thầy bày tôi cách viết truyện ngắn, làm thơ Đường luật và làm câu đối. Thầy đã giành được giải nhất của Đài Tiếng nói Việt Nam về cuộc thi "Tìm trong kho báu" về Truyện Kiều, 2 lần được giải nhì về thi câu đối do Bộ Văn hóa - Thông tin tổ chức nhân dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long. Thầy còn có nhiều giải thưởng, bằng khen, giấy khen của các cơ quan văn hóa, văn nghệ. Cuốn sách "Đứa bé bị ruồng bỏ" dịch từ nguyên bản tiếng Pháp của thầy được giải ba Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Lưu Trọng Lư.

Trong lần dự hội nghị ở Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Bình, thầy nhờ tôi viết lời giới thiệu tập thơ "Trong trái tim tôi". Tôi nói: "Em viết không nổi đâu thầy. Thầy nói anh Trọng viết lời giới thiệu thì hay hơn em". Anh Hoàng Bình Trọng, em trai thầy Nghĩa, là một nhà văn nổi tiếng với tiểu thuyết "Bí mật một khu rừng" được dịch ra tiếng nước ngoài. Anh được các hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Bình xem là "của hiếm". Nghe tôi nói thế, thầy xua tay: "Em viết cho khách quan".

Dù đã có mấy bài phê bình văn nghệ được đăng trên Báo Văn nghệ và Văn nghệ Quân đội nhưng đây là lần đầu tiên tôi viết lời giới thiệu cho một tập thơ. Năm 2014, "Trong trái tim tôi" của thầy phát hành, được Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Bình chọn gửi ra Ban Tuyên giáo trung ương tham dự cuộc thi viết về Bác Hồ. Hai thầy trò hồi hộp chờ đợi. Thật bất ngờ, "Trong trái tim tôi" giành được giải ba.

Noi gương thầy, tôi cũng ra được 7 đầu sách thơ và truyện ngắn, có mấy cuốn giành được Giải thưởng Lưu Trọng Lư. Tôi mạnh dạn tham dự nhiều cuộc thi thơ và truyện.

Học thầy cách sống

Tôi không chỉ học được ở thầy Nghĩa về văn chương mà còn về nhân cách sống.

Thầy trồng cây thuốc nam chữa bệnh cứu người. Thầy dành nhuận bút tặng học sinh nghèo quanh xóm. Con cái thầy ai cũng học hành giỏi giang, thành đạt. Thầy chăm chút dạy con ở nhà trước khi đến học ở trường. Hoàng Hiếu Nhân học lớp 1, 2, 3 ở nhà mà chuyển thẳng ngay vào học lớp 4 ở trường vẫn được học sinh giỏi. Cậu em trai Hoàng Hiếu Trung cũng vậy, được chuyển thẳng vào trường học lớp 3. Trung hiện nay là Giám đốc Công ty Điện lực Quảng Bình. Thầy dạy cho các con làm thơ. Ai cũng có những bài thơ được đăng báo.

Thầy Nghĩa nay đã ngót 90 tuổi, sức khỏe ngày một yếu. Tôi phải đỡ thầy đi những bước lẫm chẫm trên sân nhà. Thấy tôi chăm chú nhìn bài thơ "Vẫn chưa già" của thầy được treo ở bức tường, đôi mắt thầy sáng lên, tinh anh hẳn. Thầy nói đây là bài thơ thầy viết trong ngày Thơ Việt Nam cách đây 5 năm. Thầy đọc to, giọng ngân nga, sảng khoái: "Tuổi ngoại bát tuần vẫn chưa già/ Về hưu ta vẫn say trồng hoa/ Câu thơ Đỗ Lý cùng ngâm vịnh/ Nâng chén quỳnh tương ngắm bóng nga…".

Thật là niềm đam mê hiếm thấy! Thơ ca đã làm thầy trẻ lại. Tuần nào tôi cũng được nghe Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Bình đọc thơ của thầy trong chương trình "Thơ người cao tuổi". 

Tận tâm với vợ hiền

Cô Trương Thị Phúc, vợ thầy Nghĩa, mắc bệnh suốt 38 năm, bị cắt một quả thận. Năm 2000, phát hiện cô Phúc bị bệnh ung thư phổi, thầy đã đưa cô đi khắp các bệnh viện trong nước để chữa trị. Đọc được tài liệu viết về các loại ngưu bàng, củ cải, cà rốt, nấm đông cô Nhật Bản có thể chữa được ung thư, thầy đã đi lùng khắp nơi mua về nấu canh dưỡng sinh cho cô ăn suốt 17 năm ròng.

Dù bị tắc động mạch vành nhưng thầy vẫn sống vui vẻ, lạc quan. Tôi đã chứng kiến thầy ngồi đàn và hát cho cô nghe trên giường bệnh mà không cầm được nước mắt. Thầy ngồi bón cho cô từng thìa sữa đến ngày cuối cùng...


ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH


Cuộc thi viết Người Thầy kính yêu: Như một người cha - Ảnh 3.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo