Liên quan đến vụ việc Đại học Đông Đô đào tạo chui văn bằng 2 trong nhiều năm, ngày 4-9, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ, ông Lê Hải An, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), cho biết trường Đại học Đông Đô đã nằm trong danh sách thanh tra của bộ năm 2018 nhưng sau đó được hoãn.
Theo đại diện Bộ GD-ĐT, hàng năm bộ đều xây dựng kế hoạch thanh tra kiểm tra. Năm 2018, Thanh tra Bộ đã tổ chức thanh tra công tác tuyển sinh của 10 trường Đại học, trong đó có Đại học Đông Đô.
Trường ĐH Đông Đô thoát thanh tra vì lý do hồ sơ tài liệu đã đóng gói
Tuy nhiên, khi tổ chức thực hiện công bộ quyết định thanh tra, trường Đại học Đông Đô đã có công văn đề nghị hoãn thanh tra với lý do nhà trường chuyển sang địa điểm mới, toàn bộ hồ sơ tài liệu đã đóng gói nên sẽ gây khó khăn cho công tác thanh tra.
Từ lý do này, Bộ GD-ĐT sau đó đã ban hành công văn hoãn thanh tra đối với trường Đại học Đông Đô.
Trả lời thêm về việc này, Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an, nhấn mạnh Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án, khởi tố 5 bị can. Vụ việc hiện nay vẫn đang trong quá trình điều tra, làm rõ, sẽ thông báo kết quả đến các cơ quan báo chí khi quá trình này kết thúc.
Trước đó, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã khởi tố bị can với ông Dương Văn Hòa (hiệu trưởng); Trần Ngọc Quang (57 tuổi, phó trưởng phòng đào tạo và quản lý sinh viên) cùng 2 cán bộ Đại học Đông Đô là Phạm Vân Thùy (38 tuổi), Lê Thị Lương (23 tuổi) về tội Giả mạo trong công tác, theo điều 359 Bộ luật Hình sự 2015. Trường này đã đào tạo và cấp bằng chớp nhoáng cho nhiều người đăng ký theo học.
Đại học Đông Đô thông báo mức phí với những lớp dạng này từ 28 đến 35 triệu đồng một người. Các đầu mối trung gian được trường trả 30% tiền hoa hồng. Trên thực tế, các đầu mối thấy khách hàng đều cấp bách muốn có bằng nên tự nâng giá 50-150 triệu đồng.
Các lớp văn bằng 2 dạng này không thông báo tuyển sinh, không lập hội đồng chấm thi, không phê duyệt danh sách học viên và cán bộ coi thi. Ban giám hiệu Đại học Đông Đô sắp xếp thi tại những phòng không có camera an ninh và học viên chỉ cần chép đáp án của 27 tín chỉ để hoàn thiện thủ tục đầu ra. Học viên nào chép nhanh thì hơn một ngày là xong, chép chậm thì 2-3 ngày.
Hiệu trưởng Hòa giao cho ông Quang ký vào bảng điểm cho học viên. Bà Thùy nhận nhiệm vụ hợp thức hóa các bài thi đầu vào, thi kết thúc các môn, thi tốt nghiệp và cấp bằng.
Từ cuối năm 2018 đến đầu năm 2019, ĐH Đông Đô đã cấp 600-700 văn bằng "dạng cấp tốc" trên, ước tính tổng tiền thu hàng chục tỉ đồng. Hiện cơ quan công an làm rõ gần 460 văn bằng đã được sử dụng tại nhiều cơ quan nhà nước và tư nhân.
Từ năm 2017 đến nay, Đại học Đông Đô còn tổ chức tuyển sinh trái quy định pháp luật hệ văn bằng 2 với hàng ngàn học viên tại 4 cơ sở: số 9 Hoàng Đạo Thúy, 60B Nguyễn Huy Tưởng, 170 Phạm Văn Đồng và khán đài B Sân vận động Mỹ Đình.
Bình luận (0)