Tại lễ khai khóa của ĐHQG TP HCM sáng 13-10 với chủ đề "Sinh viên tiên phong trong đổi mới, sáng tạo thực hiện khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc", đại diện các bộ và UBND TP HCM đã dành nhiều thời gian nói về việc phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số… Trong đó, các cơ sở giáo dục ĐH đóng vai trò rất quan trọng.
ĐH truyền thống đã đạt "giới hạn"
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng ví von việc chuyển đổi số như một cuộc đại di cư của nhân loại vì chúng ta di chuyển sang môi trường mới. Ở môi trường này, con người cũng phải xây dựng thể chế số, văn hóa số, hạ tầng số…
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao đổi các vấn đề quan trọng tại lễ khai khóa của ĐHQG TP HCM sáng 13-10
Để làm những công việc trên, nhân lực số là câu chuyện lớn. Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, nhiều quốc gia phát triển đặt mục tiêu đến năm 2030, nhân lực số (kỹ sư, chuyên gia số) chiếm 5% dân số. Việt Nam cần 5 triệu nhân lực nhưng hiện nay mới có 700.000 người. Khi chuyển sang môi trường mới (môi trường số) thì cần kỹ năng mới. Các quốc gia đặt mục tiêu 80% dân số có kỹ năng số cơ bản.
Những yêu cầu này đặt lên vai trường ĐH, song ĐH truyền thống đã đạt tới giới hạn về năng lực có thể đào tạo sinh viên nên lời giải là ĐH số. Hàn Quốc là quốc gia thành công về ĐH số. Hiện nay, tỉ lệ sinh viên từ các ĐH số của Hàn Quốc đạt tới trên 50%. Việt Nam đang có đề án ĐH số nhưng cũng chỉ 50-50, nghĩa là 50% giữ vóc dáng của ĐH truyền thống và 50% là ĐH số. Trong khi đó, nếu là ĐH số đã chuyển thì phải chuyển 100% mới mang lại hiệu quả.
"ĐH số là lời giải nhân lực cho chuyển đổi số, không chỉ chuyển đổi số ở Việt Nam mà còn tham gia trên toàn cầu. Các ĐH cũng nên tham gia đào tạo kỹ năng số cho người dân chứ không chỉ riêng đào tạo nhân lực số" - Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh.
Ông Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), cho biết việc đổi mới, sáng tạo cùng với phát triển một nền kinh tế số, xã hội số, phát triển khoa học - công nghệ phải xuất phát từ các trường ĐH vì đây là nơi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao; cũng là nơi sáng tạo tri thức khoa học - công nghệ cao, đóng vai trò chủ chốt phát triển khoa học - công nghệ đất nước. Bộ GD-ĐT xây dựng chính sách theo chủ trương Chính phủ kiến tạo; bộ kiến tạo xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý để việc phát triển khoa học - công nghệ đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số được phát triển mạnh mẽ.
Bộ GD-ĐT cũng xây dựng các đề án, chương trình hỗ trợ các trường ĐH. Cụ thể, xây dựng đề án tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục. Một trong các đề án này là xây dựng thí điểm ĐH số. ĐH số không dừng trong trường ĐH truyền thống mà vượt qua biên giới của một trường ĐH.
"Cứ hình dung rằng với giáo dục ĐH số, nhiều cơ sở giáo dục cùng tham gia, sinh viên có thể học 1 chương trình đào tạo do 1 trường hoặc do giảng viên nhiều trường cùng giảng dạy" - Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn giải thích. Theo ông, cùng với các bộ, ngành khác, Bộ GD-ĐT đang xây dựng đề án về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ các ngành công nghệ cao. Đây là nguồn nhân lực trọng yếu để có thể phát triển nghiên cứu ứng dụng trong những ngành công nghệ then chốt của đất nước.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho rằng để đào tạo nhân lực đổi mới, sáng tạo chuyển đổi số, trước hết cần phải đổi mới, sáng tạo và chuyển đổi số ngay chính trong các trường ĐH; bắt đầu từ đổi mới, sáng tạo chuyển đổi số trong dạy và học rồi đổi mới, sáng tạo và chuyển đổi số trong quản trị nhà trường.
Dành nguồn lực đầu tư cho ĐHQG TP HCM
Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết Nghị quyết Đại hội lần thứ 13 của Đảng đã xác định đẩy mạnh phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới, sáng tạo để tạo sự bứt phá, thay đổi về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Trong chiến lược phát triển 10 năm, tầm nhìn đến năm 2045, Đảng cũng khẳng định như vậy. Quy hoạch phát triển kinh tế tổng thể đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tiếp tục khẳng định vấn đề này.
Chọn một số địa bàn, một số địa phương, một số khu vực có điều kiện tốt là các trung tâm công nghệ, trung tâm GD-ĐT tốt để xây dựng thành các vùng động lực và các cực tăng trưởng… TP HCM nằm trong cực tăng trưởng này của vùng động lực cũng như vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Vai trò của các trường ĐH, trong đó có vai trò của ĐHQG TP HCM, là vô cùng quan trọng vì thực hiện 2 chức năng: cung cấp các nghiên cứu tinh hoa và đào tạo nhân lực chất lượng cao. Đây là 2 yếu tố quan trọng cho đổi mới, sáng tạo. Trong thực tế, các trường ĐH sẽ thúc đẩy đổi mới, sáng tạo; ngược lại, đổi mới, sáng tạo sẽ khơi dậy các nghiên cứu cũng như đào tạo của các trường ĐH.
"Vai trò của các trường ĐH là vô cùng quan trọng để thúc đẩy khoa học - công nghệ và đổi mới, sáng tạo, đóng góp cho đất nước phát triển nhanh, đạt được các mục tiêu. Đây là con đường duy nhất phải đi mới tiến nhanh, tiến mạnh để Việt Nam đạt được mục tiêu trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045" - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhìn nhận.
Về đầu tư cho ĐHQG TP HCM, ông Nguyễn Chí Dũng cho biết Chính phủ cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư rất quan tâm, dành đủ nguồn lực để xây dựng cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu trở thành ĐH hàng đầu đất nước cũng như của khu vực.
Đổi mới, sáng tạo là "chìa khóa vàng" với Việt Nam
Sáng 13-10, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã dự và có bài phát biểu với sinh viên, cán bộ, giảng viên ĐHQG TP HCM tại lễ khai khóa năm 2022.
Đề cập việc đổi mới, sáng tạo, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng "Đổi mới, sáng tạo hay thất bại" trở thành câu khẩu hiệu quyết định sự thịnh hành của các doanh nghiệp, tổ chức, quốc gia. Đứng ngoài xu hướng đó sẽ nhanh chóng lạc hậu, kém phát triển, từ đó kéo theo nhiều hệ lụy. Đối với Việt Nam, đổi mới, sáng tạo là "chìa khóa vàng". Nói đến đổi mới, sáng tạo không thể không nói đến sự tiên phong của các trường ĐH, các viện nghiên cứu - nơi hội tụ những bộ óc tinh hoa, trí thức của nhân loại.
Về khởi nghiệp và đổi mới, sáng tạo, theo Chủ tịch nước, ĐHQG TP HCM là một trong những đơn vị tiên phong ở Việt Nam. Song, ở bình diện chung, bảng xếp hạng về đổi mới, sáng tạo còn khiêm tốn, dưới mức trung bình chứ chưa có đột phá.
"Chúng ta có hàng trăm trường ĐH nhưng không phải trường nào cũng quan tâm, xí nghiệp nào cũng quan tâm nghiên cứu và phát triển. Vì vậy, năng lực nghiên cứu, phát triển khoa học và ứng dụng khoa học phục vụ cuộc sống và đổi mới, sáng tạo của chúng ta còn hạn chế. Hệ thống đổi mới, sáng tạo quốc gia còn non trẻ, manh mún" - Chủ tịch nước chỉ rõ.
Chủ tịch nước nhấn mạnh ĐHQG TP HCM là ĐH lĩnh ấn tiên phong trong đổi mới, sáng tạo. Theo Chủ tịch nước, ĐHQG phải xây dựng và hoàn thiện mô hình ĐH tiên tiến theo xu hướng thế giới, không ngừng cập nhật, đổi mới chương trình đào tạo, tiếp cận trình độ các trường ĐH nghiên cứu trong khu vực châu Á, mục tiêu là không chỉ bắt kịp mà còn tiên phong trong xu hướng công nghệ và tri thức thế giới.
Chủ tịch nước yêu cầu các sinh viên không ngừng tự bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, đạo đức trong sáng, lối sống lành mạnh; có lòng tự hào, yêu nước, tự tôn dân tộc, có trách nhiệm với cộng đồng... Sinh viên phải tích cực học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng ngoại ngữ, tiên phong đổi mới, sáng tạo. Sinh viên cũng phải chủ động hội nhập và có tinh thần ganh đua với bạn bè quốc tế trong khởi nghiệp và đổi mới, sáng tạo, nâng cao khả năng thích ứng trước sự đổi mới của thế giới.
Theo Chủ tịch nước, một ĐH muốn thành công phải là nơi truyền cảm hứng, biết khơi dậy quyết tâm khởi nghiệp, kiến tạo những điều kiện thuận lợi để đào tạo nên con người trí thức mới, công nghệ mới...
TP HCM luôn đồng hành với các trường ĐH
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP HCM, cho biết thành phố là nơi tập trung nhiều trường ĐH, tập trung đội ngũ trí thức và các nhà khoa học. Thời gian qua, các trường ĐH đã có đóng góp rất lớn trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao không chỉ cho TP HCM mà còn cho cả nước; đồng thời đã đề xuất các chiến lược, cơ chế, chính sách ở tầm vĩ mô, quản lý địa phương, quản lý ngành... Vì vậy, TP HCM luôn xem các trường ĐH trên địa bàn là một phần trong thực thể thành phố dù các trường ấy thuộc bộ, ngành nào.
"TP HCM luôn đồng hành cùng sự phát triển của các trường, đáp ứng yêu cầu đào tạo, nghiên cứu, phát triển trong giai đoạn mới" - lãnh đạo UBND TP HCM khẳng định. Ông Phan Văn Mãi cho biết TP HCM cũng lồng ghép các trường vào chương trình phát triển thành phố ở khía cạnh đào tạo phát triển nhân lực; đặt hàng các trường ĐH để nghiên cứu ứng dụng giải quyết những vấn đề kinh tế - xã hội của thành phố.
Bình luận (0)