Tại Hội nghị Khoa học công nghệ lần thứ XV do Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch tổ chức ngày 5-5, PGS-TS-BS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP HCM, cho biết khi dịch Covid-19 bùng phát ở thành phố, nhân lực y tế có lúc kiệt sức, quá tải; y tế cơ sở bộc lộ nhiều lỗ hổng. Rút kinh nghiệm và để chuẩn bị ứng phó với các loại dịch bệnh, Sở Y tế TP HCM đã nghiên cứu Đề án Nâng cao năng lực của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC) và Nâng cao năng lực y tế cơ sở.
"Hai đề án này hướng đến sự lâu dài trong giáo dục và đào tạo cùng những vấn đề liên quan, để chủ động phát hiện, dự báo, can thiệp trước dịch bệnh, củng cố hệ thống phòng chống dịch của TP" - bác sĩ Thượng nhấn mạnh.
GS Hồ Hội, Trung tâm Khoa học Y tế Texas Tech (Mỹ), cho rằng trong giáo dục và đào tạo, ngành y cần hướng đến việc đáp ứng chuẩn đầu ra mong muốn của người học và những yêu cầu thực tế của xã hội.
PGS-TS-BS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP HCM, phát biểu về vấn đề đào tạo nguồn nhân lực y tế tại Hội nghị Khoa học công nghệ lần thứ XV do Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch tổ chức ngày 5-5
Theo GS Hội, hơn 20 năm qua, nhiều quốc gia ở Bắc Mỹ và châu Âu đã thực hiện chương trình đổi mới trong đào tạo y tế, lấy kỹ năng làm chuẩn đầu ra. Không giống như chương trình giáo dục truyền thống là xây dựng chương trình sau đến phương pháp dạy học, khởi đầu của giáo dục hiện đại là những điều cần thiết của y tế. Từ đó, ghi nhận mong muốn chuẩn đầu ra của người đã và sẽ tham gia ngành y tế. Tiếp đến, cơ quan quản lý ngành sẽ đưa ra phương pháp lượng giá chính xác để bảo đảm đạt được chuẩn đầu ra mong muốn. Cuối cùng, họ mới đưa ra chương trình giáo dục phù hợp.
"Khi thực hiện chương trình giáo dục y tế, chúng ta phải đặt ra câu hỏi liệu rằng nó có thực sự song hành với thực hành y khoa trong xã hội hay không? Theo nghiên cứu từ năm 2008 - 2010, tại Việt Nam, hơn 1.000 sinh viên y khoa chỉ có 16 kỹ năng trong 129 kỹ năng cơ bản. Nên đánh rớt những người đáng bị đánh rớt" - GS Hội nhấn mạnh.
Để đạt được chuẩn đầu ra mong muốn, chương trình giáo dục cần đổi mới ở điểm: đưa sự cần thiết đáp ứng yêu cầu của của ngành và xã hội lên đầu tiên; sau đó là nhận phản hồi của học sinh vừa ra trường, những học viên đang theo học tại trường, đồng nghiệp và bệnh nhân..., điều này giúp xem xét được chương trình có thích hợp hay không. Trong đào tạo liên tục, chúng ta phải dựa vào những lỗ hổng của thực hành y khoa để hoàn thiện bài giảng.
GS Hồ Hội khẳng định giáo dục y khoa là một chuỗi dài, khởi đầu bằng trường ĐH, nối tiếp là sau đại học và kéo dài trong suốt quá trình làm nghề, cần đào tạo liên tục. Do đó, nếu thay đổi thì phải thay đổi toàn bộ hệ thống giáo dục của cả 3 giai đoạn mới đạt chất lượng theo sự phát triển của xã hội.
Bình luận (0)