Việc phụ huynh phản ánh cơ sở Sala (quận 2) của Trường Quốc tế Việt Úc mới đây cho học sinh (HS) ăn suất cơm chỉ lèo tèo vài món, trong khi tiền ăn đến hơn 130.000 đồng mỗi ngày và mức học phí đắt đỏ khiến phụ huynh lo lắng những bữa ăn bán trú ở trường thực sự có đủ no và đủ chất?
"Nhàn nhã" như đặt suất ăn bên ngoài
Trước đó, một số phụ huynh có con theo học tại cơ sở này phản ánh sau nhiều lần nghe con đi học về than đói, một nhóm phụ huynh đã bất ngờ đến xem bữa trưa ở trường và cảm thấy sốc trước suất ăn còn thảm hơn những phần cơm lề đường, rẻ tiền. Cụ thể, bữa cơm của học sinh tiểu học có 4 món nhưng lèo tèo với 3 miếng gà kho rất nhỏ, 2 miếng cá tẩm bột chiên, ít su su xào cà rốt, canh bắp cải, đồ tráng miệng là một miếng dưa hấu. Trường Quốc tế Việt Úc sau đó đã họp và xin lỗi HS, phụ huynh về khâu kiểm định và định lượng suất ăn cho HS suốt thời gian qua, đồng thời cam kết phối hợp với nhà cung cấp nhằm nâng cấp suất ăn của HS như sẽ được tăng cường phục vụ bánh mì, bơ, các loại rau; HS được cung cấp thêm thức ăn và sữa tươi khi có nhu cầu trong các giờ ăn, uống.
Học sinh bán trú một trường tiểu học ở TP HCM trong bữa ăn trưa Ảnh: NGUYỄN THUẬN
Tuy vậy, vẫn không ít phụ huynh băn khoăn còn bao nhiêu bữa ăn nghèo nàn, thiếu chất đang tồn tại trong các trường học.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP HCM, TP hiện có 1.974 cơ sở giáo dục, trong đó 1.280 cơ sở có bếp ăn tập thể tự tổ chức, 112 cơ sở có bếp ăn tập thể thuê nấu, 292 cơ sở nhận suất ăn sẵn.
Tại hội nghị sơ kết công tác vệ sinh an toàn thực phẩm trong các cơ sở giáo dục mới đây, lãnh đạo nhiều đơn vị cho biết để tổ chức bữa ăn bán trú bảo đảm từ vệ sinh đến dinh dưỡng thì việc nhà trường có bếp ăn tập thể tự tổ chức là lý tưởng nhất, bởi có thể giám sát, quản lý từ nguồn cung cấp thực phẩm, đến cách chế biến và thực đơn, dinh dưỡng của từng ngày.
Trong khi đó, một số trường không có điều kiện phải nhận suất ăn sẵn bên ngoài nên nguy cơ xảy ra mất an toàn vệ sinh cũng như khẩu phần dinh dưỡng kém cũng rất đáng lo. Hiệu trưởng một trường tiểu học cho rằng mức tiền ăn trong thỏa thuận với phụ huynh nhưng phí phục vụ bán trú chỉ được thu trong khung theo quy định. Tiền ăn cao quá thì phụ huynh phản ứng, thấp thì rất khó tổ chức. Chính vì thế, có trường không mặn mà tổ chức tự nấu mà "nhàn" nhất là mua suất ăn bên ngoài. Nói thẳng ra nếu mua bên ngoài thì có lời, nhà trường cũng nhàn nhã.
Phụ huynh gặp khó khi muốn giám sát
Bà Bùi Thị Diễm Thu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM, cho rằng luôn khuyến khích phụ huynh tham gia vào các hoạt động giáo dục trong nhà trường. Trong đó, mọi hoạt động cần được công khai và chủ động tiếp nhận những ý kiến đóng góp của phụ huynh. Thủ trưởng các đơn vị ở TP HCM phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về các trường hợp ngộ độc thực phẩm xảy ra trong trường. Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều phụ huynh, một số trường công khai thông báo suất ăn mỗi ngày để phụ huynh tiện theo dõi nhưng không ít trường chủ yếu là mua suất ăn công nghiệp bên ngoài nên phụ huynh muốn giám sát cũng không thể.
Theo chị Trang, phụ huynh một trường tiểu học tại quận Thủ Đức, muốn biết hôm nay trường cho ăn gì chỉ có cách hỏi con, phụ huynh không được tự ý đến trường nếu không có vấn đề đột xuất. Nếu con ăn ở trường không đủ dinh dưỡng, phụ huynh chỉ còn cách bổ sung thực phẩm từ nhà chứ không trông chờ vào bữa ăn ở trường.
Ông Nguyễn Văn Gia Thụy, Phó Trưởng Phòng Chính trị - Tư tưởng Sở GD-ĐT TP HCM, thừa nhận hiện nay một số trường chưa công khai nhà cung cấp thực phẩm, nguyên liệu, món ăn hằng ngày cho phụ huynh theo dõi nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn cho HS khi sử dụng các bữa ăn ở trường. Trong khi đó, việc bảo đảm an toàn thực phẩm ở các trường học gặp phải một số khó khăn như một số đơn vị trong chuỗi cung ứng an toàn không đủ sản lượng cung cấp nên nhà trường phải hợp đồng với nhiều công ty khác nhau để sử dụng cùng loại sản phẩm. Ngoài ra, một số trường sử dụng suất ăn công nghiệp chưa thường xuyên kiểm soát được từng loại thực phẩm mà nhà cung cấp sử dụng để chế biến cho HS hằng ngày.
Theo ông Thụy, từ năm học 2019- 2020, các trường cần đẩy mạnh việc mời phụ huynh giám sát bữa ăn của HS. Các trường cũng cần có kế hoạch cụ thể về nội dung này và phải được thảo luận, thống nhất ngay trong hội nghị ban đại diện cha mẹ HS đầu năm. Đồng thời, công khai nhà cung cấp thực phẩm, nguyên liệu, món ăn hằng ngày cho phụ huynh theo dõi.
Sẽ kiểm tra đột xuất
Theo Sở GD-ĐT TP HCM, sở sẽ thường xuyên đi kiểm tra định kỳ và đột xuất các bếp ăn bán trú, căng-tin, cơ sở cung cấp suất ăn công nghiệp cho nhà trường để phòng chống ngộ độc thực phẩm. Sở cũng khuyến khích các cơ sở giáo dục phối hợp với ban đại diện cha mẹ HS tham gia giám sát các bếp ăn tập thể và suất ăn công nghiệp, căng-tin tại các trường học; khuyến khích các trường chủ động phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức xét nghiệm để kiểm tra nguồn gốc nguyên liệu và sản phẩm chế biến thức ăn trong trường. Sở GD-ĐT TP HCM cũng yêu cầu các trường chỉ lấy nguồn thực phẩm từ các đơn vị được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Bình luận (0)