Tại cuộc họp báo chiều 19-1 ở Hà Nội, GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình phổ thông mới, cho biết cách thi cử hiện tại sẽ ổn định đến năm 2020. Khi chương trình mới triển khai đến cấp THPT thì sẽ có kiểm tra đánh giá theo cách mới. Qua đấu thầu, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã giao Trung tâm Đo lường và Kiểm định chất lượng giáo dục của Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nghiên cứu đề tài này và sớm trả lời cho bộ về phương án đổi mới kiểm tra đánh giá trong thời gian tới.
Thí sinh thi THPT quốc gia 2017 để xét tuyển vào ĐH Ảnh: Hoàng Triều
Trả lời câu hỏi về việc thời điểm nào sẽ có chương trình phổ thông mới, GS Nguyễn Minh Thuyết cho hay theo tiến độ, đến tháng 4-2018 có thể ban hành chương trình môn học. Tuy nhiên, thời điểm nào có SGK mới thì GS Thuyết chưa thể khẳng định vì "nằm ngoài khả năng trả lời của tôi". Theo GS Thuyết, do chưa có chương trình môn học nên chưa khởi động việc viết SGK. Ông khẳng định nhiều tổ chức, cá nhân có thể tham gia viết SGK. Đây chỉ là tài liệu chính thức, không phải là pháp lệnh như quan niệm trước đây và giáo viên có thể dựa vào đó để có nhiều sáng tạo trong dạy học.
Liên quan đến việc giảm tải trong chương trình mới, GS Thuyết cho biết việc này tuân theo các nguyên tắc: 1.Giảm kiến thức khó, bớt bài tập lắt léo những kiến thức khó nhưng không thuyết phục. 2. Tổ chức lại nội dung môn học, tích hợp chương trình. Ví dụ, các kiến thức như tứ giác nội tiết ở bậc THCS hay số phức ở THPT không có trong chương trình môn Toán nữa. 3. Thay đổi phương pháp dạy và học.
Trước những băn khoăn về đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất, vốn là những yếu tố quyết định cho việc thành bại của chương trình phổ thông mới, GS Thuyết cho hay ngay từ khi xây dựng chương trình, Bộ GD-ĐT đã quan tâm đến việc kiểm tra, điều tra đội ngũ giáo viên về số lượng ở từng môn học, cấp học, rà soát xem các giáo viên này còn cần gì để bồi dưỡng. "Bộ GD-ĐT đã có tính toán lại quy hoạch về đào tạo cũng như bồi dưỡng dần phương pháp giảng dạy mới. Bộ cũng đã nhiều phương pháp dạy học mới để giáo viên làm quen" – GS Thuyết nói. Tổng chủ biên chương trình cũng chia sẻ thêm với những môn học mới, tích hợp nhiều môn như Khoa học tự nhiên, Lịch sử Địa lý ở THCS, các giáo viên sẽ được học bồi dưỡng, học thêm một số tín chỉ để có thể một mình dạy một môn. "Còn 3 năm nữa để triển khai chương trình THCS nên còn thời gian để thực hiện việc này" – GS Thuyết nhận định.
Về cơ sở vật chất, GS Thuyết cho rằng các môn học không đòi hỏi cơ sở vật chất quá đặc biệt, chỉ cần các trường tiểu học đảm bảo học sinh học 6 buổi/tuần. Các địa phương đảm bảo đúng điều lệ trường học, theo đó 35 học sinh/lớp đối với bậc tiểu học và 45 học sinh/lớp đối với THCS. "Nếu một lớp mà 60 học sinh thì rất khó cho giáo viên cho việc dạy học, đưa học sinh tham quan, trải nghiệm…" – GS Thuyết nhấn mạnh
Bình luận (0)