Hàng ngàn lượt chia sẻ và ý kiến được gửi tới diễn đàn của Báo Người Lao Động xung quanh việc TP HCM năm tới quyết liệt xóa dạy thêm. Bên cạnh các ý kiến cho rằng lệnh cấm dạy thêm là cứng nhắc, một số khác tự nhận là nạn nhân của việc dạy thêm, học thêm. Nhiều ý kiến phân tích nguyên nhân gốc rễ và cách khắc phục tình trạng này.
Không học thêm có đậu ĐH?
Bạn đọc Trang Châu tâm sự: “Tôi là một giáo viên (GV). Tôi chỉ mong sau giờ dạy được về nhà cùng gia đình nhưng cơm áo gạo tiền khiến tôi xoay xở quay quắt. Từng cương quyết không dạy thêm nhưng để sống được, tôi phải làm thêm. Tôi thức đêm để viết báo, đánh máy thuê, bán hàng đa cấp... Giờ đây, tôi chỉ thấy thương cho nghề nghiệp mà bao đời dòng họ tôi đeo đuổi trong đói nghèo, chật vật. Thương vì lỡ mang nghiệp vào thân!”. Bạn đọc Trần Quang Dinh, cũng là một GV, viết: “Dạy và học thêm là nhu cầu thật, nguyện vọng chính đáng của học sinh và phụ huynh. Chỉ có o ép, dùng chiêu này nọ thì mới đáng lên án. Đừng đánh đồng mà hãy đánh giá đúng vấn đề. Nghề nào cũng có tự trọng, chúng tôi cũng thế!”.
Một phụ huynh cũng là GV, có con năm nay lên lớp 12 kể rằng khi bà thông báo chuyện lãnh đạo TP HCM chỉ đạo cấm dạy thêm thì nhận được thắc mắc của con: “Vậy kỳ thi THPT quốc gia năm nay chỉ cần học trong sách giáo khoa và nội dung thầy cô dạy trên lớp là thi đậu?”. Nếu là một GV, bạn trả lời con ra sao? Nếu là lãnh đạo trong ngành giáo dục, bạn trả lời học sinh thế nào? Các vị có bảo đảm không cần học thêm, chỉ cần chăm chỉ nghe giảng bài trên lớp, hiểu và làm hết bài tập trong sách giáo khoa, trong sách bài tập của Bộ Giáo dục và Đào tạo là mỗi môn thi THPT đạt 8 điểm trở lên?
Biến dạy thêm thành dạy chính!
Bên cạnh các ý kiến đồng cảm, ủng hộ nỗi niềm của người thầy thời hiện đại, nhiều bạn đọc cho rằng mặt trái của dạy thêm là biết trước đề kiểm tra. Thầy cô dạy thêm khi lên lớp sẽ ra đề đánh đố, chỉ những em học thêm mới có khả năng được điểm cao, các học sinh khác dễ nhận điểm từ trung bình đến kém.
Cùng lúc, nhiều người lên tiếng cho rằng mình và các con là nạn nhân của việc dạy thêm, o ép. Bạn đọc Bảo An viết: “Có cầu ắt có cung, đó là quy luật thị trường. Tuy nhiên, nhiều khi cầu được tạo ra một cách giả tạo, khiên cưỡng để cung có chỗ đứng. Ai cũng có lý lẽ bênh vực cho mình nhưng có ai nghĩ tới con trẻ bị nhồi, bị ép, mất hết tuổi thơ hay không? Nếu ngành giáo dục vận hành tốt thì con trẻ không cần phải đi học thêm”.
Về quan điểm cho rằng GV dạy thêm là do lương quá thấp và đề xuất tăng lương ngành này, bạn đọc Hoàng Minh phản pháo, lương GV vẫn không có gì đáng bàn vì hiện có hơn nửa số GV môn “phụ” không dạy thêm mà vẫn sống được. Đó là GV ở các môn như giáo dục công dân, công nghệ, tin học, mỹ thuật, âm nhạc, thể dục..., chẳng lẽ họ chết đói hết sao?
Trong khi đó, bạn đọc Huỳnh Thị Hồng Nga vẫn giữ quan điểm ở cấp tiểu học không nên cho trẻ đi học thêm mà nên khuyến khích việc tự dạy - học ở nhà. “Nếu gia đình và trường học đều không chạy theo thành tích, chắc chắn không còn dạy thêm, học thêm ở bậc tiểu học” - bạn đọc này viết.
Cải cách giáo dục, đổi mới thi cử
Không ủng hộ dạy thêm, cũng không phản đối, nhiều bạn đọc nhìn sâu hơn vào thực tế giáo dục nước nhà và tìm ra giải pháp. Một bạn đọc nhận xét: “Chìa khóa không nằm ở tay thầy cô, phụ huynh, lãnh đạo TP HCM mà nằm ở thượng tầng kiến trúc được giao vào tay Bộ Giáo dục và Đào tạo. Bộ cần công khai mỗi môn học kiến thức đến đâu là đủ, tỉ lệ kiến thức và tư duy ở mức nào”.
Bạn đọc Tuấn cho rằng cách tốt nhất hiện nay là không dạy thêm mà phải thực hiện đồng thời các biện pháp sau: Một là, nâng cao thu nhập của GV cho phù hợp; hai là, tổ chức dạy phụ đạo tại trường cho các học sinh yếu, theo nhận xét của GV bộ môn (yếu môn nào phụ đạo môn đó, nhà trường phân công và GV dạy phụ đạo có thêm phụ cấp); ba là, phát hiện GV dạy thêm, dạy chui thì phải xử lý kỷ luật nghiêm, thậm chí cho thôi việc.
Một giải pháp được nêu ra từ bạn đọc Trần Thị Ca: “Nếu muốn cấm dạy thêm, trước tiên phải cải cách giáo dục, thay đổi chương trình sách giáo khoa, đề kiểm tra thi cử, sao cho học sinh học chính khóa một buổi vẫn làm bài đạt điểm cao, thi đậu ĐH. Khi áp lực thi cử giảm bớt, không ai chạy đua vào đời bằng tấm bằng ĐH, phụ huynh cũng yên tâm, không ép con học thêm”.
Báo Người Lao Động khép lại diễn đàn này trên báo giấy, bài tham gia diễn đàn sẽ tiếp tục được đăng lần lượt trên Báo Người Lao Động điện tử.
DIỄN ĐÀN:Bỏ dạy thêm hay bắt đầu dạy chui?
Bình luận (0)