Còn nhớ năm 2010, Thanh tra Bộ GD-ĐT đã làm một cuộc khảo sát về tình trạng dạy thêm, học thêm. Kết quả khảo sát cho thấy: 82%-85% phụ huynh thừa nhận việc dạy thêm là bình thường. 45% phụ huynh thừa nhận việc học thêm là gánh nặng tâm lý, thời gian và tài chính. 40%-45% giáo viên thừa nhận việc dạy thêm của mình làm cho phụ huynh học sinh cảm thấy yên tâm. 44% trường hợp dạy thêm là do nhà trường tổ chức, 49% do thầy cô dạy thêm riêng. 575 giáo viên cho rằng có những người không giỏi vẫn tự mình tổ chức dạy thêm…
Có thể cuộc khảo sát đó chưa phản ánh hết tình trạng dạy thêm, học thêm nhưng cũng cho thấy chuyện dạy thêm, học thêm đã là bình thường. Và đó là căn bệnh có quá nhiều nguyên nhân, cho nên chuyện Bộ GD-ĐT cấm dạy thêm, học thêm chỉ có hiệu lực trên giấy. Ngay cả việc quản lý dạy thêm, học thêm cũng xảy ra những bi kịch không đáng có.
Chuyện các thầy cô ở một tỉnh nọ bị lãnh đạo phòng GD-ĐT tổ chức… rình bắt việc dạy thêm cũng rất bi hài, “bắt được tay, day được trán” rồi cũng chẳng làm được gì. Chuyện ở Quảng Ngãi thì đau lòng hơn khi năm 2011, Sở GD-ĐT tỉnh này đã ra quyết định kỷ luật đình chỉ giảng dạy có thời hạn 11 giáo viên ở 9 trường THPT, phạt mỗi giáo viên 1,5 - 2 triệu đồng.
Đó thực sự là một bi kịch, bi kịch của nền giáo dục chứ không riêng gì với các thầy cô giáo bị kỷ luật. Quảng Ngãi cũng là tỉnh thực hiện “nghiêm” việc cấm dạy thêm, học thêm trong năm nay khi UBND tỉnh vừa có văn bản chỉ đạo Sở GD-ĐT tỉnh kiểm điểm nghiêm túc do chậm trễ trình dự thảo quy định về dạy thêm, học thêm. Đồng thời, tỉnh yêu cầu Sở Tư pháp thẩm định dự thảo này trên trước ngày 15-10 để ban hành.
Liệu làm “nghiêm” như tỉnh Quảng Ngãi trong việc cấm dạy thêm, học thêm có hạn chế được “vấn nạn” này? Khó, khi dạy thêm, học thêm đã trở thành căn bệnh mãn tính, do lỗi hệ thống của nền giáo dục chứ không đơn thuần là từ những nguyên nhân khác.
Bình luận (0)