Trong khi đó, Bộ GD-ĐT năm nào cũng có chỉ thị cấm DTHT. Năm nay, sau phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong buổi làm việc với Bộ GD-ĐT, đề nghị bộ này khắc phục nhanh chóng tình trạng DTHT ngày một lan tràn, Bộ GD-ĐT có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, TP chỉ đạo cụ thể sở GD-ĐT địa phương chấn chỉnh tình trạng này.
Bộ GD-ĐT quyết liệt, các tỉnh cũng quyết liệt chống “vấn nạn” DTHT. Quảng Ngãi là tỉnh chống DTHT rất hăng hái, dù vậy vẫn bị UBND tỉnh phê bình vì chậm ban hành quy chế DTHT. Sau đó, Sở GD-ĐT cấm hoàn toàn việc DTHT cho đến khi UBND tỉnh thông qua quy chế DTHT. Quảng Ngãi cũng là tỉnh “tiên phong” trong việc kỷ luật giáo viên dạy thêm sai quy định khi nhiều giáo viên đã phải nhận kỷ luật.
Phú Yên cũng vừa kỷ luật đình chỉ giảng dạy đối với 18 giáo viên THCS, THPT của huyện Tây Hòa. Trong số 18 giáo viên bị kỷ luật ấy có giáo viên dạy thêm từ…mờ sáng đến trước 7 giờ, có giáo viên dạy sau 19 giờ, có giáo viên dạy thêm trong ngày chủ nhật, có giáo viên không được cấp giấy phép vẫn dạy thêm… Phú Yên cũng là tỉnh rất nghiêm, cấm tất cả giáo viên dạy thêm tại nhà riêng từ ngày 20-10-2012.
Việc Phú Yên kỷ luật 18 giáo viên làm nhiều giáo viên ở TPHCM, Hà Nội và nhiều TP, địa phương khác… giật mình bởi nếu áp dụng quy định cấm DTHT của tỉnh Phú Yên cho cả nước, sẽ có hàng chục ngàn giáo viên dạy các môn học chính bị kỷ luật “treo phấn”. Đơn giản, ai cũng biết, việc DTHT đều diễn ra vào tất cả các ngày trong tuần và sau 19 giờ là chuyện bình thường.
DTHT đã là căn bệnh mãn tính của nền giáo dục, do vậy có “siết” việc DTHT cũng vô ích, nó sẽ biến tướng bằng cách dạy “chui”. Điều đó đã xảy ra và đang xảy ra làm xấu xí thêm hình ảnh của ngành giáo dục. Hình ảnh giày dép học sinh đến nhà thầy học thêm được bỏ vào bao tải, thầy đem cất giấu trong nhà để tránh “tai mắt” bi hài đến chảy nước mắt!
Việc cấm DTHT còn quá nhiều điều bất cập. Ngay cả quy định về việc DTHT của Bộ GD-ĐT cũng thiếu thực tế khi cấm giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập không được đứng ra tổ chức hoặc tham gia tổ chức DTHT ngoài nhà trường. Vậy các trung tâm luyện thi ai dạy, chẳng lẽ toàn là giáo viên nghỉ hưu?
Nhu cầu học thêm của học sinh là có thật. Nhu cầu được dạy thêm của giáo viên là chính đáng. Cung - cầu đều có. Phải hiểu như vậy để có những quy định thực tế hơn nhằm hạn chế tình trạng DTHT đang tràn lan, trước khi có đủ thời gian để có thể khắc phục triệt để tình trạng này.
Bình luận (0)