Đánh giá về chất lượng dạy và học ngoại ngữ hiện nay, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Phạm Mạnh Hùng thừa nhận còn nhiều hạn chế. Minh chứng rõ nét nhất cho sự hạn chế này là phổ điểm tiếng Anh quá kém trong kỳ thi THPT quốc gia 2016 vừa qua.
Tiếng Anh có điểm thấp nhất
Môn tiếng Anh có 472.000 thí sinh dự thi nhưng chỉ 10 em đạt điểm 10 tuyệt đối. Theo công bố của Bộ GD-ĐT, điểm trung bình của môn này chỉ đạt 3,48. Trung vị điểm số của môn tiếng Anh là 3, điểm số nhiều nhất là 2,4. Theo tính toán, hơn 88% thí sinh có điểm liệt và điểm dưới trung bình ở môn thi này. Chỉ tính khung điểm từ 2 đến 2,5, môn này đã có gần 200.000 bài thi. Tất nhiên, với kết quả này, tiếng Anh là môn đứng đầu trong số 8 môn thi có điểm thi dưới trung bình nhiều nhất.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga lý giải điểm thi tiếng Anh thấp là do chênh lệch chất lượng đào tạo giữa các vùng. Ở miền núi, vùng nông thôn…, chất lượng dạy học môn ngoại ngữ chưa tốt. Theo ông Ga, đề thi tiếng Anh thật ra không khó. Năm nay, Bộ GD-ĐT muốn kiểm tra đồng đều các kỹ năng nên đã thêm cả phần tự luận. Việc thí sinh bỏ trắng phần tự luận không phải do đề khó mà vì các em tập trung nhiều sức lực khi làm phần trắc nghiệm nên lúc làm tự luận đã không có đủ thời gian.
TS Đỗ Tuấn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ - ĐHQG Hà Nội, cho rằng những đổi mới trong kiểm tra đánh giá môn tiếng Anh phần nào chưa song hành với những thay đổi trong việc dạy và học ngoại ngữ nói chung và tiếng Anh nói riêng ở phổ thông. Nói cách khác, chương trình dạy và học có thể chưa chuyển dịch theo hướng phát triển các kỹ năng được đổi mới đánh giá theo hướng giao tiếp.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Mạnh Hùng thừa nhận sự yếu kém của môn ngoại ngữ chính là do sự quan tâm, đầu tư cho việc dạy và học, đặc biệt là tiếng Anh, chưa tương xứng. Trong khi đó, môi trường giao tiếp ngoại ngữ còn hạn chế, học sinh ít có cơ hội thực hành ngôn ngữ ngoài thời gian học trên lớp. Đa số giáo viên tiếng Anh chưa đạt chuẩn năng lực dù có bằng cấp theo trình độ đào tạo. Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học ngoại ngữ ở nhiều địa phương, cơ sở giáo dục (nhất là khu vực nông thôn, miền núi) còn nhiều khó khăn. Tiến độ triển khai Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020 còn chậm, hiệu quả chưa cao.
Tốn 10.000 tỉ đồng, trình độ có nâng cao?
Đề án ngoại ngữ giai đoạn 2008-2020 chỉ còn 4 năm nữa là kết thúc nhưng rất nhiều người nghi ngờ hiệu quả cũng như khả năng về đích của nó.
Với kinh phí gần 10.000 tỉ đồng, mục tiêu của đề án là thực hiện đổi mới toàn diện việc dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân nhằm bảo đảm đến năm 2015, nâng cao rõ rệt trình độ ngoại ngữ của một số đối tượng ưu tiên. Đồng thời, triển khai chương trình dạy và học ngoại ngữ mới đối với các cấp học và trình độ đào tạo, tạo điều kiện để đến năm 2020 tăng đáng kể tỉ lệ thanh thiếu niên có đủ năng lực sử dụng ngoại ngữ một cách độc lập, tự tin trong giao tiếp... Mục tiêu đến năm học 2018-2019, 100% học sinh lớp 3 và năm 2020-2021, 90% học sinh lớp 6, 50% học sinh lớp 10 tham gia đề án.
PGS-TS Nguyễn Lân Trung, chuyên gia cao cấp của Đề án Ngoại ngữ 2020, từng nhận xét chúng ta đang thiếu trầm trọng giáo viên tiếng Anh. Trong đó, khu vực tiểu học gồm 17.000 - 18.000 trường nhưng chỉ có 7.000 giáo viên trong biên chế. Nhiều trường đã phải đi thuê giáo viên ngoại ngữ theo hình thức ký hợp đồng cho đủ. Bởi thế, câu hỏi lớn đặt ra là đội ngũ giáo viên này có khả năng thực hành tiếng Anh thế nào, kỹ năng dạy ngoại ngữ ra sao?
Tại hội thảo về tuyển dụng, bồi dưỡng giáo viên tiếng Anh tiểu học do Bộ GD-ĐT tổ chức cách đây chưa lâu, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục cho biết cả nước hiện còn 711.215 học sinh lớp 3, 4, 5 chưa được học tiếng Anh. Trong 21.430 giáo viên tiếng Anh tiểu học, số được tuyển dụng chính thức là 7.361 người, còn lại đang được ký hợp đồng có thời hạn với UBND huyện hoặc các trường tiểu học.
Theo Bộ GD-ĐT, cần phải bổ sung 4.232 giáo viên để dạy tiếng Anh 4 tiết/tuần. Cũng chính vì không có đủ giáo viên nên phần lớn học sinh tiểu học chỉ học tiếng Anh với thời lượng 2 tiết/tuần thay vì 4 tiết/tuần như đề án. Thời lượng dạy học không thỏa đáng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc triển khai dạy ngoại ngữ kém hiệu quả.
Tiếp tục nâng cao chất lượng dạy học
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ vừa chủ trì buổi làm việc với Ban Quản lý Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 về triển khai các nhiệm vụ liên quan. Bộ trưởng yêu cầu ban quản lý đề án khẩn trương rà soát, điều chỉnh kế hoạch 2016-2020 và xây dựng định hướng tới năm 2025, trong đó tập trung xây dựng kế hoạch chi tiết của năm 2017; xây dựng dự thảo kế hoạch triển khai đề án giai đoạn 2016-2020, định hướng tới năm 2025 với 3 nội dung trọng tâm: bồi dưỡng giáo viên, đổi mới công tác khảo thí và xây dựng cơ chế chính sách về ngoại ngữ…
Lãnh đạo Bộ GD-ĐT khẳng định nhiệm vụ chủ yếu của năm học 2016-2017 là nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh, ở các cấp học và trình độ đào tạo.
Xem thêm: Học tiếng Anh chỉ để đối phó!
Bình luận (0)