Hiệp hội cho rằng từ đầu năm 2017, công tác quản lý nhà nước đối với hệ CĐ không còn do Bộ GD-ĐT đảm nhiệm, tạo "điểm nghẽn" cản trở phân luồng học sinh sau THCS và phát triển nguồn nhân lực.
Thời gian qua có sự nhầm lẫn giữa CĐ nghề và CĐ chuyên nghiệp về mục tiêu đào tạo (Ảnh minh họa từ Internet)
Theo hiệp hội này, trình độ người lao động đa số chỉ cần đạt trung học nghề là đủ (do công nghiệp chế tạo còn chưa giữ vai trò chủ chốt trong nền kinh tế của đất nước). Song, nếu cơ quan quản lý lại nâng cấp ồ ạt các trường trung cấp nghề lên thành CĐ trong khi chương trình vẫn không thay đổi đáng kể theo chuẩn thì sẽ dẫn tới tình trạng đào tạo "siêu tốc". Ví dụ, hình thức đào tạo đang được quảng bá rầm rộ trên các phương tiện truyền thông "tốt nghiệp THCS, học 3 năm có bằng CĐ, nhận danh hiệu kỹ sư thực hành".
Bên cạnh đó, thời gian qua có sự nhầm lẫn nghiêm trọng giữa CĐ nghề và CĐ chuyên nghiệp về mục tiêu đào tạo. CĐ nghề đào tạo nguồn nhân lực trực tiếp sản xuất nên chương trình có thể có tỉ lệ thời gian học lý thuyết và thực hành khoảng 30/70 là phù hợp nhưng CĐ chuyên nghiệp đào tạo ra các kỹ thuật viên thì đòi hỏi phải có tỉ lệ tương xứng giữa thời gian học lý thuyết và thực hành của người học, chứ không phải giống như CĐ nghề.
"Việc nhầm lẫn mục tiêu đào tạo dẫn tới thủ tiêu nguồn nhân lực "kỹ thuật viên", làm méo mó cơ cấu nguồn nhân lực cần cho sự công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước" - hiệp hội khẳng định.
Để khắc phục hạn chế trong quản lý nhà nước đối với hệ CĐ, hiệp hội kiến nghị Quốc hội sớm điều chỉnh Luật Giáo dục, Luật Giáo dục ĐH, Luật Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) theo hướng đưa trình độ CĐ về lại bậc giáo dục ĐH; đổi tên Luật GDNN thành Luật Giáo dục nghề với các trình độ: sơ cấp nghề, trung cấp nghề và cao cấp nghề... Hiệp hội cũng kiến nghị đưa quản lý nhà nước về đào tạo CĐ về chung một đầu mối với các cấp độ khác thuộc giáo dục ĐH, tức là về lại Bộ GD-ĐT.
Phản hồi kiến nghị của hiệp hội, Bộ LĐ-TB-XH vừa có văn bản gửi Bộ Nội vụ không đồng tình với quan điểm này. Văn bản nêu rõ khi xây dựng Luật GDNN, quan điểm đưa trình độ CĐ vào GDNN được bàn bạc nhiều và đã được sự nhất trí của Bộ Chính trị, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Lê Tấn Dũng, việc Bộ LĐ-TB-XH quản lý nhà nước về GDNN sẽ phát huy những lợi thế của ngành này. Đồng thời, gắn GDNN với lao động, việc làm, thị trường lao động, an sinh xã hội, nâng cao chất lượng, hiệu quả GDNN. Bộ LĐ-TB-XH cho rằng kiến nghị của hiệp hội đổi tên Luật GDNN thành Luật Giáo dục nghề; đưa trình độ CĐ về trở lại bậc giáo dục ĐH; đưa quản lý nhà nước về đào tạo CĐ về Bộ GD-ĐT là còn thiếu những cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn, chưa đúng với chủ trương, định hướng phát triển GDNN của Đảng, nhà nước và chưa đúng với Hiến pháp.
Bộ LĐ-TB-XH kiến nghị giữ ổn định hệ thống GD-ĐT hiện nay theo các quy định của hệ thống pháp luật về GD-ĐT hiện hành. Đồng thời đẩy mạnh hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THPT vào GDNN để bảo đảm đạt chỉ tiêu phân luồng học sinh sau THCS vào GDNN.
Bộ LĐ-TB-XH sẽ phối hợp với Bộ GD-ĐT sớm ban hành thông tư quy định khối lượng kiến thức văn hóa THPT và việc giảng dạy văn hóa THPT trong các cơ sở GDNN; cho phép các cơ sở GDNN được tham gia giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa THPT và chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT tại cơ sở GDNN.
Bình luận (0)