Thông tin từ một bài báo gần đây cho biết trong những giấc mơ của chúng ta, hình ảnh về ngôi trường thường chiếm tỉ lệ cao, thuộc top 5 các chủ đề ám ảnh con người. Dù chia tay trường lớp đã lâu, trong giấc mơ, người ta vẫn hay gặp lại bạn bè, thầy cô, kỷ niệm học đường và nhất là những kỳ thi. Giấc mơ trở thành "ác mộng" khi ta thấy mình bị thầy cô phạt, đi thi trễ giờ, làm bài không kịp khi chuông đã reo... Những "ác mộng" đó là hậu quả của trạng thái lo lắng do áp lực công việc hiện tại: không hoàn thành nhiệm vụ, bị cấp trên hay đồng nghiệp chê trách...
Tại sao những giấc mơ ấy lại gắn liền với nhà trường? Phải chăng vì suốt thời thơ ấu, tuổi niên thiếu và một phần đời tuổi trẻ của chúng ta luôn trải qua trong môi trường học tập, thi cử? Và, phải chăng vì tuy đã qua thời học trò và không theo nghề giáo, hằng ngày nhiều người vẫn chìm trong một biển thông tin về giáo dục, với những kỳ vọng, âu lo, bức xúc, trăn trở cho tương lai của con cháu chúng ta?
Suốt năm, qua các phương tiện truyền thông đại chúng, chúng ta nhận tin nóng hằng ngày về sinh hoạt học đường, từ việc thiếu sách giáo khoa và giá sách tăng cao, chương trình quá tải, lạm thu tiền trường cho đến tình trạng phụ huynh bạo hành giáo viên, thầy cô giáo phạt vạ học sinh, nhà giáo bỏ nghề hàng loạt. Những căng thẳng đó không chỉ lan truyền trong mà còn ngoài học đường, phản ánh đến cả diễn đàn Quốc hội.
Là nhà giáo, chúng tôi chia sẻ với đồng nghiệp của mình ý thức rằng chúng tôi có trách nhiệm trong những hạn chế, thậm chí sai lầm, của ngành giáo dục. Dù là một nhà giáo bình thường ở cơ sở, chúng ta cũng không thể xem mình là người vô can với những thiếu sót của ngành giáo dục, ít nhất là vì chúng ta đã im lặng quá lâu với các hiện tượng tiêu cực không được có trong nhà trường.
Tuy nhiên, cũng cần thấy rằng những vấn đề của giáo dục hiện nay chỉ có thể giải quyết trên tầm vĩ mô và không thể một sớm một chiều. Ngay cả Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng không đủ thẩm quyền để thực hiện lời hứa "nhà giáo sẽ sống bằng lương" hay giải quyết việc giữ chân giáo viên bỏ nghề và tuyển dụng thầy cô để đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh ngày càng tăng về số lượng trên cả nước.
Đó là chưa kể tình trạng cơ sở trường lớp, nhà vệ sinh, phương tiện dạy học thiếu thốn đòi hỏi cấp bách phải xây dựng, bổ sung...
Học sinh Trường Lê Hồng Phong (quận 5, TP HCM) tặng hoa chúc mừng cô giáo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11. Ảnh: Hoàng Triều
Không giải quyết được những vấn đề nóng bỏng của giáo dục thì khó lay chuyển sự trì trệ ở nhiều lãnh vực hoạt động khác của đất nước. Nói cách khác, nếu ngành giáo dục của đất nước còn thiếu sót, lạc hậu thì các lãnh vực khác khó mà phát triển bền vững.
Trong xã hội hiện nay, nhà giáo là những người dễ bị tổn thương nhất. Vì ngoài trang sách, giáo án và lương tri sư phạm, nhà giáo không có thế lực, tài lực, vật lực gì khác để khẳng định mình trước mắt nhìn xã hội. Xã hội càng văn minh, hiện đại thì càng nên quý trọng nhà giáo, không phải bằng ngôn từ hoa mỹ mà quan trọng hơn là bằng những việc làm cụ thể để họ yên tâm sống với nghề và đáp ứng kỳ vọng của xã hội.
Trước con số giáo viên chuyển từ khu vực công lập sang dân lập và tư thục đáng báo động, không ít ý kiến trấn an rằng không có gì đáng lo, vì đằng nào các thầy cô cũng phục vụ trong ngành giáo dục, cũng tiếp tục giảng dạy cho con em chúng ta. Thiết nghĩ, ý kiến đó chỉ đúng một phần. Bởi lẽ, những khó khăn về nhân sự sẽ khiến chất lượng các trường công giảm sút (phải tăng sĩ số lớp, cắt giảm số giờ các môn ngoại ngữ, tin học, mỹ thuật, âm nhạc..., đặc biệt ở các trường vùng xa, vùng cao, vùng sâu).
Trong thực tế, tuy không phải tất cả nhưng giáo viên được trường tư chào mời, trả lương cao thường là những thầy cô dạy giỏi, xuất sắc. Như vậy, học sinh không thuộc gia đình khá giả, không đủ điều kiện vào học trường tư hay trường quốc tế - vốn học phí rất cao - sẽ chịu thiệt thòi so với bạn bè cùng trang lứa. Tình trạng này chẳng khác nào việc nhiều bác sĩ giỏi chuyển sang các bệnh viện tư chắc chắn sẽ dẫn đến chất lượng điều trị ở bệnh viện công giảm sút và người gánh chịu hậu quả đó là những bệnh nhân nghèo, công nhân, viên chức bình thường.
Học sinh Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1) tặng hoa chúc mừng thầy cô nhân ngày 20-11. Ảnh: Hoàng Triều
Chính vì vậy mà dư luận cảm thấy yên tâm phần nào khi được biết theo đề xuất của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, Nhà nước đã thống nhất chủ trương dành 65.980 biên chế mới cho ngành giáo dục trong những năm 2022 - 2026, dù cả nước đang trong giai đoạn cương quyết thực hiện tinh giản biên chế khu vực hành chính - sự nghiệp. Trước mắt, từ nay đến cuối năm học 2022 - 2023, 27.850 giáo viên từ bậc học mầm non đến trung học sẽ được tuyển dụng. Điều cần thiết tiếp theo là xác lập nguồn tuyển giáo viên với những tiêu chí chặt chẽ để bảo đảm chất lượng.
Mỗi năm đến ngày Tết, nghĩ về thời thơ ấu, tôi lại nhớ truyện ngắn "Đi tết thầy" của nhà văn Nguyễn Khoa Đăng - người cũng từng là một nhà giáo dạy văn, mới từ trần hồi tháng 9 năm ngoái. Truyện ngắn kể lại một câu chuyện cảm động trong quan hệ thầy trò, quan hệ giữa phụ huynh và nhà giáo, qua cách ứng xử với những lễ vật khiêm nhường đền ơn thầy cô ở thôn quê: cặp bánh chưng, cân đường, hộp mứt, chục quả cam.
Nhìn chung, xã hội ta bây giờ phát triển thịnh vượng hơn xưa. Những món quà dịp 20-11 hay ngày Tết mà học trò dành cho thầy cô thời nay sang trọng và giá trị hơn thời trước rất nhiều. Nhưng, có lẽ món quà lớn nhất lưu lại trong tâm hồn nhà giáo cuối cùng vẫn là tình thương yêu, ánh mắt, nụ cười của các thế hệ học trò khi còn ngồi trong lớp học hay lúc đã trưởng thành trong trường đời.
Lời cầu chúc đầu năm dành cho ngành giáo dục có lẽ cũng theo tinh thần đó: Không hẳn là những thành tích mà chúng ta chạy theo suốt ngày này tháng nọ, mà chính là lòng tin yêu và trân quý của xã hội đối với nhà giáo, để những kỷ niệm về nhà trường luôn là hình ảnh đẹp trong những giấc mơ của mọi người về thời đi học.
Giáo dục, đào tạo ra những con người có nhân cách cao đẹp và năng lực phụng sự xã hội giống như một khu vườn gieo trồng hoa thơm quả ngọt dâng hiến cho đời. Thầy cô là những người làm vườn. Khu vườn cần đất đai màu mỡ cùng với những người làm vườn cần mẫn, giỏi giang để tạo ra hoa trái từng mùa. Muốn có thành quả đó, xã hội phải chăm lo cho người làm vườn để họ có điều kiện và khả năng sáng tạo ra những mùa "hoa của đất".
Bình luận (0)