xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Dè dặt tự chủ đại học

Bài và ảnh: HUY LÂN

Tự chủ đại học, trong đó có tự chủ tài chính, là bước đột phá về cơ chế nhưng các trường ĐH đang rất thận trọng để không gây sốc cho sinh viên

Sau 4 năm thí điểm thực hiện tự chủ đại học một cách chưa đầy đủ (gọi là chưa đầy đủ vì học phí vẫn thu như nhiều trường công lập khác), Trường ĐH Kinh tế TP HCM đã sẵn sàng cho việc tự chủ từ năm học 2014-2015. Theo đánh giá của nhà trường, việc thực hiện tự chủ đại học sẽ giải quyết được những vấn đề mấu chốt.

Dè dặt đột phá

Lâu nay, các trường công lập vẫn thu học phí theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo với mức khoảng 5 triệu đồng/năm học/sinh viên. Ngoài nguồn thu từ học phí, các trường còn được Chính phủ hỗ trợ một nguồn tài chính khá eo hẹp cho xây dựng cơ sở vật chất. Với cơ chế này, các trường khó mà phát triển bởi việc thu, chi luôn bị bó buộc.

Những năm vừa qua, Trường ĐH Kinh tế TP HCM là 1 trong 4 trường thí điểm đề án tự chủ đại học và có những kết quả rất tốt. Đây là cơ sở để đẩy nhanh quá trình tự chủ đại học đến nhiều trường đại học công lập khác.

PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP HCM, cho biết thời gian qua, trường đã có bước chuẩn bị cho việc thực hiện quyền tự chủ, bao gồm tự chủ tài chính, đào tạo, cơ sở vật chất, chương trình đào tạo, nghiên cứu khoa học, chi trả lương cho đội ngũ, tích lũy để đầu tư cơ sở vật chất…, nhất là về đội ngũ giảng dạy. Trường đã tiến hành định biên ở tất cả các khoa, phòng, ban để gắn với trách nhiệm của thầy cô cũng như của cán bộ, công chức với công việc của mình nhằm tiết giảm những chi phí không cần thiết và bảo đảm chất lượng phục vụ sinh viên tốt hơn theo mức phân công nghiệp vụ ở từng phòng, ban. Đồng thời, trường phải dành một chi phí nhất định bồi dưỡng thầy cô để bên cạnh việc nâng cao trình độ chuyên môn giảng dạy là nâng cao trình độ ngoại ngữ nhằm giảng dạy bằng tiếng Anh.

Trường ĐH Tôn Đức Thắng từ năm 2008 đã thực hiện tự chủ hoàn toàn. Đến nay, sau 6 năm, những gì trường đang có là kết quả của việc thực hiện quyền tự chủ. Từ năm 2008, Trường ĐH Tôn Đức Thắng chỉ nhận hỗ trợ lãi suất từ nhà nước 37,5 tỉ đồng. Đến nay, trường đã tạo lập tổng tài sản lên tới 1.000 tỉ đồng. Cơ chế tự chủ còn giúp trường có được trên 1.000 cán bộ giảng dạy chất lượng, sinh viên ra trường được thị trường lao động chào đón.

Trường ĐH Kinh tế TP HCM giới thiệu các chương trình đào tạo của trường cho sinh viên mới trúng tuyển
Trường ĐH Kinh tế TP HCM giới thiệu các chương trình đào tạo của trường cho sinh viên mới trúng tuyển

Tự chủ đại học được cho là bước đột phá về cơ chế song đến nay, vẫn chưa có nhiều trường mạnh dạn thực hiện quyền tự chủ. Có vẻ như mâu thuẫn vì lâu nay, các trường vẫn luôn đòi tự chủ nhưng khi Luật Giáo dục đã trao quyền tự chủ rất cao thì những chủ thể này lại rất dè dặt.

Con dao 2 lưỡi

Khi thực hiện tự chủ, nguồn ngân sách đầu tư của nhà nước sẽ bị cắt thì các trường ĐH chắc chắn phải tăng học phí nên sẽ gây ra cú sốc nhất định cho sinh viên. Đây chính là lý do khiến các trường đang phải dè dặt trong việc tiến tới thực hiện quyền tự chủ.

PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, cho rằng 4 trường bắt đầu thực hiện tự chủ hoàn toàn từ năm học 2014-2015 là những trường thuộc khối kinh tế, dễ thực hiện hơn vì chi phí cho học tập của sinh viên không cao, khoảng 10 triệu đồng/năm. Trong khi đó, với trường thuộc khối kỹ thuật, nếu thực hiện tự chủ hoàn toàn thì mức học phí sẽ cao hơn.

Ông Dũng cho biết thực hiện tính đúng, tính đủ, các lớp chất lượng cao ở trường đang thu mức học phí 22-25 triệu đồng/năm. Với lớp đại trà sĩ số đông hơn 35 sinh viên thì mức học phí thấp nhất cũng 15 triệu đồng/năm. Với mức này, những sinh viên khó khăn không thể kham nổi. Đây là con dao 2 lưỡi.

Tuy vậy, ông Dũng cho rằng với mức thu học phí ĐH 5 triệu đồng/năm/sinh viên thì các trường không thể phát triển được. Do vậy, cần thực hiện tự chủ hoàn toàn nhưng phải từng bước.

Ngoài ra, theo ông Dũng, khi thực hiện thu học phí cao thì phải tăng học bổng để sinh viên nghèo học giỏi không những không phải đóng học phí mà còn có tiền trang trải chi phí khác trong thời gian học tập. Đồng thời, chính sách học phí cao cũng nhằm loại bỏ những sinh viên không có động cơ học tập vì thực tế hiện nay, vẫn còn nhiều người học đến 7-8 năm mà chưa ra trường.

TS Trần Đình Lý, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TP HCM, cho rằng với những trường đa ngành, đa lĩnh vực thì cũng tùy từng ngành để thực hiện tự chủ. Ngay như nhóm ngành khối nông - lâm - ngư của trường vẫn chưa thể thu học phí cao vì đang khuyến khích sinh viên vào học. Còn với những ngành thu học phí cao, phải có những điều kiện tốt như đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học… thì mới có thể thực hiện được.

Học phí thấp là lãng phí?

GS Phạm Phụ, nguyên giảng viên Trường ĐH Bách khoa TP HCM, cho rằng với chính sách học phí thấp thì không thể có chất lượng giáo dục ĐH. Đồng thời, nó làm mất công bằng xã hội nhiều hơn khi nhà nước đang phải “trợ cấp” cho giáo dục ĐH mà đa phần trong đó là những sinh viên thuộc tầng lớp cư dân giàu có.

Theo ThS Đặng Văn Sáng, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Ánh Sáng, chính sách học phí thấp khiến học sinh tốt nghiệp THPT đổ dồn vào ĐH công lập và tạo ra sự lãng phí về đầu tư. Học phí ĐH công lập tăng là cách để phân luồng học sinh đi học trung cấp, nghề; đồng thời Bộ Giáo dục và Đào tạo cần mở rộng cửa liên thông lên ĐH cho những người có điều kiện.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo