Một HS tại tỉnh Đồng Nai băn khoăn về năng lực phát triển ngành y tế trong tương lai khi đọc thông tin nhiều nhân viên y tế nghỉ việc. Em muốn biết nếu đăng ký vào nhóm ngành liên quan đến sức khỏe thì khả năng về việc làm, tiền lương sau này thế nào? Hay em Trần Minh Phúc, HS Trường THPT chuyên Long An, thắc mắc: "Trong quá trình chọn ngành nghề, các chuyên gia nói là chọn theo nhu cầu thị trường. Với tình hình hiện nay thì 4-5 năm nữa, thị trường lao động sẽ có thay đổi. Vậy làm sao để biết ngành nghề nào nhiều năm sau vẫn cần?"…
Ngoài ra, một bộ phận không nhỏ người trẻ mong muốn học tập và làm việc ở tỉnh nhà. Tuy nhiên, các em e ngại nhu cầu tuyển dụng tại địa phương không cao, thu nhập không như mong muốn, hơn nữa, chương trình học sẽ không bảo đảm chất lượng như các trường đại học tại các thành phố lớn.
Đó không chỉ là nỗi lo lắng của các HS mà còn của thầy cô giáo, nhất là những giáo viên kiêm nhiệm công tác hướng nghiệp. Một giáo viên ở Trường THPT Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận) nói: "Nhiều trường ĐH, CĐ chỉ đưa thông tin tuyển sinh mà không nêu đầu ra cụ thể. Điều này khiến các em hoang mang, không biết sau này mình có tìm được việc hay không?".
Thầy Phạm Minh Thành, giáo viên Trường THPT Thiên Hộ Dương (tỉnh Long An), cho biết: "HS ở vùng sâu, vùng xa ít có điều kiện tiếp xúc với các trường ĐH, CĐ. Có nhiều HS chọn trường ĐH, CĐ đó nhưng giữa chừng bỏ ngang vì những thông tin nhận được chỉ mang tính một chiều, không phù hợp với định hướng của các em".
Thầy Bùi Trần Nguyên Khang, giáo viên Trường THPT Văn Hiến (tỉnh Đồng Nai), nêu thực tế có em theo học ngành không có nhiều triển vọng trong tương lai, sau khi ra trường không tìm được việc làm phù hợp nên chỉ số hạnh phúc của em rất thấp.
TS Nguyễn Đức Nghĩa - nguyên Phó Giám đốc ĐHQG TP HCM, Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng nghề nghiệp - nhận định thầy cô làm công tác hướng nghiệp chủ yếu là kiêm nhiệm và được nhà trường bố trí nên không có đủ tâm trí và thời gian để tư vấn cho HS - khi không bám được nội dung tuyển sinh thì không có giáo án bài bản, không đáp ứng nhu cầu thực tế của HS.
TS Phạm Như Nghệ, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH - Bộ Giáo dục và Đào tạo, yêu cầu giáo viên phụ trách hướng nghiệp phải nắm thông tin các trường, trường nào nằm trong nhóm đầu; ngược lại, các trường phải công khai tỉ lệ sinh viên có việc làm sau khi ra trường, có danh mục ngành đào tạo từ cấp 1-4 theo danh mục của bộ.
"Sinh viên cần biết học xong khi ra trường thì có việc làm không, có cơ hội thăng tiến không. Vì vậy, Chính phủ yêu cầu các địa phương cung cấp thông tin quy hoạch phát triển nhân lực của địa phương theo giai đoạn và các bộ, ngành đều phải thực hiện tương tự" - TS Phạm Như Nghệ nhấn mạnh.
Bình luận (0)