Ngày 3-6, hơn 80.000 thí sinh (TS) tại TP HCM đã hoàn thành kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm 2019. Theo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP HCM, kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, không có TS vi phạm quy chế. Kết thúc ngày thi thứ hai, ở khối lớp 10 thường, tiếp tục có 718 TS bỏ thi không lý do. Đây cũng là số TS vắng trong ngày thi đầu tiên. Năm nay, đề thi bảo đảm yêu cầu cơ bản và phân hóa TS.
Đề toán tăng độ khó
Được chờ đợi là đề thi tiếp tục theo hướng đổi mới, tăng cường các câu hỏi ứng dụng từ thực tiễn nhưng đề thi toán năm nay, theo các giáo viên, lại tăng độ khó so với năm trước.
Thí sinh trao đổi sau môn thi toán tại Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1, TP HCM) Ảnh: TẤN THẠNH
Theo thầy Lê Phúc Lữ, giáo viên Trường THPT Đông Đô (quận Bình Thạnh), đề thi toán với 8 câu hỏi làm trong 120 phút là giống đề thi tuyển sinh năm 2018. Tuy nhiên, xét về độ khó thì đã tăng hơn nhiều. Các câu số 1, 3, 4, 6 có 2 ý a, b, câu số 8 có nhiều ý nhỏ. Các câu 1, 2 ở mức độ cơ bản, kiểm tra kiến thức chuẩn của thí sinh, là các bài thường gặp ở sách giáo khoa. Các câu 3, 4, 5, 6, 7 là các tình huống thực tế, đòi hỏi đọc hiểu, phân tích và vận dụng một cách hợp lý các kiến thức đã học trong chương trình THCS để giải. Trong đó, ở các câu hỏi số 3 và số 6, học sinh phải suy luận và phân tích ở mức độ cao để tính ra đáp số chính xác là không dễ. Câu số 8 là một bài hình học cổ điển, chiếm 3/10 điểm của đề, với cách đặt vấn đề tuy quen thuộc nhưng không dễ xử lý.
Như vậy, đề này nhìn chung là dài và thử thách hơn nhiều cho các TS, trong điều kiện áp lực phòng thi. Dự kiến sẽ có ít TS làm trọn vẹn đề thi này, thậm chí đạt điểm từ 8 trở lên cũng sẽ không nhiều.
Điểm chuẩn "hạ nhiệt"
Trong khi đề thi môn ngữ văn và tiếng Anh có độ khó tương đương năm ngoái còn đề toán lại tăng độ khó, nhiều chuyên gia dự đoán điểm chuẩn lớp 10 năm nay sẽ bằng hoặc giảm so với 2018.
Thầy Nguyễn Thành Phát, Hiệu trưởng Trường THCS Lạc Hồng (quận 10), nhận định căn cứ theo số liệu đăng ký nguyện vọng và chỉ tiêu của các trường, có thể thấy năm học 2019, tỉ lệ "chọi" ở các trường đều giảm. Tỉ lệ "chọi" giảm cộng với mức độ đề thi như nói trên khiến điểm chuẩn năm nay có thể bằng hoặc thấp hơn năm ngoái. "Nhưng tỉ lệ giảm này chỉ ở các trường tốp giữa, còn tốp đầu thì giữ nguyên, như các Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, Bùi Thị Xuân… đều đã là thương hiệu rồi" - thầy Phát cho biết.
Thầy Lê Duy Tân, giáo viên Trường THPT Gia Định, cho rằng một yếu tố khiến điểm chuẩn năm nay sẽ giảm so với năm ngoái là do năm 2019, học sinh TP không được cộng điểm nghề. "Bên cạnh đó, đề thi môn toán khá khó so với năng lực làm bài của các em và nhất là tỉ lệ "chọi" của các trường tốp giữa cũng giảm so năm ngoái" - thầy Tân phân tích.
Theo Sở GD-ĐT TP HCM, ngày 6-6 bắt đầu chấm thi. Ngày 13-6 công bố kết quả thi. Từ ngày 13 đến 15-6, TS có thể nộp đơn phúc khảo tại trường THCS. Từ ngày 14 đến 18-6 sẽ chấm phúc khảo. Ngày 19-6, công bố kết quả phúc khảo và ngày 10-7 sẽ chính thức công bố điểm chuẩn lớp 10 công lập.
Xử lý sai sót đề tiếng Anh theo hướng có lợi cho thí sinh
Ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM, cho biết khi thành lập hội đồng chấm thi sẽ quyết định hướng xử lý với lỗi sai sót trong câu 33 - đề thi tiếng Anh ngày 2-6 theo hướng có lợi nhất cho TS; nếu cộng điểm cũng không được, bỏ câu đó cũng không được vì 2 hướng giải quyết đều không công bằng.
Bình luận (0)