Học sinh tham dự cuộc thi đã có buổi tham quan Bảo tàng Lịch sử TP HCM để hiểu hơn về lịch sử, nhìn nhận giá trị lịch sử theo góc nhìn riêng của tuổi trẻ, từ đó có dữ liệu làm tốt đề thi ở phần hoạt động sáng tạo.
Nhiều điểm mới trong hội thi văn hay, chữ tốt năm nay
Sau quá trình quan sát, tìm hiểu, các em học sinh tham dự hết sức bất ngờ khi nhận được câu hỏi trong đề thi: Nếu được chọn một sự kiện, đồ vật hoặc hình ảnh về tuổi trẻ TP HCM hôm nay để đặt vào bảo tàng nhằm giúp thế hệ sau hiểu thêm về thế hệ trẻ ngày nay thì em sẽ chọn sự kiện hoặc đồ vật, hình ảnh nào? Vì sao em chọn như vậy?". Với đề thi khối 8, 9, học sinh được yêu cầu viết bài văn với chủ đề "Lịch sử trong tôi là..."; riêng ở khối 6, 7 học sinh được yêu cầu viết bài văn với chủ đề "Những hình ảnh ấn tượng trong tôi" sau buổi tham quan, trải nghiệm ở bảo tàng.
Học sinh được tham quan, tìm hiểu về lịch sử trước khi làm bài thi
Theo ông Trần Tiến Thành, chuyên viên môn ngữ văn, Sở GD-ĐT TP, điểm mới đầu tiên của hội thi năm nay là đã tạo ra một sự kết nối ở nhiều phương diện: kết nối giữa trải nghiệm và sáng tạo, kết nối giữa các môn học lịch sử và ngữ văn, kết nối giữa người trẻ và quá khứ, kết nối giữa các thí sinh tham gia cuộc thi – thế hệ tương lai của đất nước…
Ngoài ra, góp phần khơi nguồn cảm hứng sáng tạo văn chương cho học sinh bằng cách tạo ra một không gian quan sát, suy ngẫm mới. Khi thay đổi góc nhìn, không chỉ nhìn lịch sử qua những trang sách giáo khoa, qua những tài liệu in ấn mà còn nhìn lịch sử trong không gian trưng bày của bảo tàng, qua những hiện vật cổ xưa, học sinh sẽ hiểu hơn về chiều dài hàng ngàn năm lịch sử và văn hóa Việt Nam cũng như đặc trưng văn hóa vùng đất phương Nam. Từ đó thổi hồn vào những trang văn bằng trải nghiệm của chính mình...
"Đời sống xã hội càng thay đổi nhanh chóng, công nghệ càng thể hiện sức mạnh thì các giá trị truyền thống, các giá trị lịch sử càng phải được gìn giữ. Đó chính là thông điệp mà hội thi muốn gửi đến các thí sinh"- ông Thành nói.
Học sinh làm bài thi
Bình luận (0)