Chiều 13-7, Báo Người Lao Động đã tổ chức buổi tư vấn trực tuyến: "Làm sao để có cơ hội trúng tuyển cao nhất?". Buổi tư vấn nằm trong chuỗi chương trình "Đưa trường học đến thí sinh 2017" do Báo Người Lao Động tổ chức với sự tài trợ của Công ty CP Phân bón Bình Điền (tài trợ chính), Vingroup và Sun Group (tài trợ phụ). Những câu hỏi thí sinh (TS) gửi về cho thấy các em có quá nhiều lo lắng về cơ hội trúng tuyển khi mà năm nay, điểm thi THPT quốc gia tăng.
Điểm chuẩn tăng, cơ hội giảm?
Trong thời gian từ ngày 15 đến 21-7 và ngày 23-7, TS được điều chỉnh nguyện vọng (NV) theo phương thức trực tuyến hoặc điều chỉnh bằng phiếu - trường hợp tăng số lượng NV.
Độc giả tên Nguyễn Hùng cho biết cháu anh có kết quả thi khối A đạt 28,2 điểm (bao gồm cả điểm ưu tiên). TS này đã đăng ký NV1 vào ngành quản trị kinh doanh của Trường ĐH Ngoại thương, NV2 vào Trường ĐH Kinh tế TP HCM, NV3 vào ĐH Kinh tế - Luật (ĐHQG TP HCM). Dù điểm rất cao nhưng TS này vẫn đang lo không trúng NV1. Thạc sĩ Trần Đình Huyên, Trưởng Ban Đào tạo Cơ sở TP HCM - Trường ĐH Ngoại thương, cho rằng 28,2 là mức điểm tương đối tốt. Ngoài ra, TS cũng đã có những NV dự phòng rất thực tế và an toàn.
Các chuyên gia trả lời tư vấn trực tuyến ngày 13-7 tại tòa soạn Báo Người Lao Động Ảnh: TẤN THẠNH
Một phụ huynh cho biết con chị được 24,65 điểm, đã đăng ký 5 NV vào 3 trường khác nhau. Vậy liệu có phải xếp thứ tự ưu tiên từ trường, khoa mình thích nhất lên đầu không? Tiến sĩ Dương Đức Anh Vũ, Trưởng Ban Đào tạo ĐH ĐHQG TP HCM, cho biết: "Nguyên tắc xét tuyển năm nay sẽ xét từ NV cao đến NV thấp. Nếu con chị đã trúng vào một trường nào ở NV cao thì các NV thấp hơn tại các trường khác (hoặc ngành khác) sẽ bị loại bỏ. Do đó, con chị nên sắp xếp để thứ tự NV vào ngành học, trường học mà mình thích lên ưu tiên cao".
Hơn 200 câu hỏi gửi về buổi trực tuyến, đa số băn khoăn với mức điểm thi THPT quốc gia vừa đạt thì cơ hội trúng tuyển vào ngành đã đăng ký có cao không? Với phổ điểm các sở công bố thì điểm chuẩn các trường có tăng hay không? Tiến sĩ Dương Đức Anh Vũ cho biết phổ điểm năm nay cao hơn năm 2016 một chút, do đó dự báo điểm chuẩn các trường sẽ nhích cao hơn. Ông gợi ý TS nên tham khảo điểm chuẩn năm 2016 ở những ngành cụ thể, sau đó cộng thêm 1-1,5 điểm.
Nên chọn ngành yêu thích nhất
Có nên thay đổi NV hay không, làm sao chọn được ngành có cơ hội trúng tuyển cao nhất là vấn đề được nhiều TS quan tâm.
Thạc sĩ Đặng Kiên Cường, Trưởng Phòng Công tác sinh viên Trường ĐH Nông Lâm TP HCM, cho rằng năm nay, TS không bị giới hạn số lượng NV nên đừng quan tâm đến điểm số. Vấn đề cần quan tâm hơn là tìm được ngành, nghề phù hợp với bản thân.
Cùng quan điểm, thạc sĩ Phan Thị Thu Phương, Phó trưởng Phòng Quản lý Đào tạo Trường ĐH Mở TP HCM, cho rằng hiện nay, phụ huynh nên quan tâm hướng dẫn TS chọn ngành học yêu thích nhất. Sau đó, TS cần tìm hiểu các trường có đào tạo ngành học này hay không, tham khảo thông tin về điểm chuẩn 3 năm gần nhất, mức học phí của từng trường để tăng khả năng trúng tuyển vào trường phù hợp. Hiện nay, rất khó để nói về khả năng trúng tuyển của TS. Tuy nhiên, nếu TS thực sự yêu thích ngành nào đó thì cứ mạnh dạn đăng ký.
Tiến sĩ Lê Chí Thông, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa TP HCM, nhấn mạnh quan trọng là TS yêu thích ngành nào thì đăng ký ngành đó, chứ chỉ chú trọng vào trường mà nếu không học đúng ngành yêu thích thì sẽ rất khó theo học. Ông cho biết hiện tại, các trường chưa thể xác định điểm trúng tuyển vì TS còn chưa điều chỉnh NV và dữ liệu điểm thi của TS chưa được chuyển đến. Tuy nhiên, TS không nên quá quan tâm đến mức điểm trúng tuyển sẽ như thế nào. Bởi lẽ, TS được đăng ký nhiều NV theo thứ tự mà mình yêu thích.
Nguyên tắc xét tuyển năm nay sẽ xét từ NV cao đến NV thấp. Nếu TS không trúng tuyển NV1 thì được tự động xét các NV tiếp theo, điểm chuẩn trúng tuyển được xác định theo ngành, không theo thứ tự NV.
Tiến sĩ Thông lưu ý một số trường có điểm chuẩn phân biệt theo tổ hợp môn. Khi đó, nếu TS có kết quả thi của 2 tổ hợp môn tốt thì nên đăng ký cả 2 NV cùng 1 ngành nhưng với 2 tổ hợp khác nhau.
Cân đối điểm thi và điểm học bạ
Một vấn đề mà TS quan tâm là với mức điểm ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào 15,5, có khác biệt gì không giữa việc dùng kết quả học bạ THPT và dùng kết quả thi THPT quốc gia để xét tuyển? Dùng kết quả nào sẽ lợi hơn?
Tiến sĩ Dương Đức Anh Vũ cho biết mỗi trường có đề án tuyển sinh riêng và dành tỉ lệ tuyển sinh nhất định theo các phương thức khác nhau: xét tuyển học bạ, dùng kết quả thi THPT quốc gia... TS nên tham khảo chi tiết đề án của trường mình mong muốn để định lượng tỉ lệ giữa xét tuyển dùng học bạ với xét tuyển dùng kết quả thi THPT quốc gia và cân đối với điểm thi THPT quốc gia của mình, từ đó xác định khả năng trúng tuyển.
Tài trợ chính
Tài trợ phụ
Bình luận (0)