Anh N., một phụ huynh tại quận Bình Thạnh, chia sẻ sau kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, con anh được 37 điểm nhưng vẫn trượt nguyện vọng (NV) 1 vào Trường THPT Gia Định. Thay vì lựa chọn NV2 vào một trường cùng quận Bình Thạnh, gia đình anh quyết định cho con vào học trường tư. Ưu tiên hàng đầu vẫn là chọn trường có uy tín về giảng dạy.
35 điểm vẫn muốn vào trường tư
Anh N. cho biết thêm, sau khi tìm hiểu, tham khảo chất lượng giáo dục của một số trường thì ưu tiên tiếp theo là tìm môi trường để con rèn luyện nhân cách, kỹ năng sống. “Cho con làm quen với môi trường nội trú cũng là phương pháp tốt để con rèn luyện nền nếp. Chẳng hạn như ngủ dậy, việc đầu tiên là con biết xếp chăn màn, ăn xong biết tự đi rửa bát; ăn uống, học tập đúng giờ, luyện tập thể thao theo quy định. Những việc tưởng nhỏ nhưng cũng phải rèn luyện cho quen, tránh hội chứng con cưng khi ở cùng gia đình” - anh N. cho biết.
Ông Bùi Gia Hiếu, Hiệu trưởng Trường THPT Nhân Việt (quận Tân Phú), cho biết năm học 2016-2017, trường tuyển 300 học sinh lớp 10, tương đương 10 lớp, hiện nay chỉ tiêu được 2/3. Phải khi chốt danh sách tuyển sinh mới có thể thống kê số học sinh điểm cao vào trường nhưng hiện nay vẫn có học sinh trên 36 điểm nộp hồ sơ, có cả học sinh từ trường chuyên ở TP HCM và cả ở các tỉnh khác. Còn năm học 2015-2016, trong số 7 lớp 10, có đến 2 lớp (tương đương 60-70 học sinh) có điểm đầu vào từ 35 điểm trở lên, tức là ở ngưỡng những trường “tốp” giữa tại TP HCM.
Ông Ngô Tương Đại, Phó Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Quang Trung - Nguyễn Huệ, cho hay số liệu chính thức chưa chốt được vì trường vẫn đang tuyển sinh. Nhưng hiện nay có 22 học sinh là học sinh cũ hệ THCS của trường đi thi tuyển sinh 10, đạt mức 33 điểm, đủ sức đậu vào tốp giữa các trường công nhưng quay lại nộp hồ sơ vào trường. “Sau khi hoàn thành bậc THCS, nhà trường khuyến khích các em đi thi để thử sức mình, xem năng lực học của mình đến đâu nhưng sau khi thi xong, nhiều học sinh dù có điểm cao cũng quay lại trường. Cũng có thể do phụ huynh tin tưởng ở nhà trường, thầy cô hoặc do các em quen bạn bè, trường lớp nên không muốn thay đổi” - ông Đại nói.
Quyết liệt yêu cầu trường tư giữ cam kết
Bà Phạm Thị Thúy Vĩnh, Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Ngô Thời Nhiệm (quận 9), cho biết hiện nay, nhu cầu giáo dục toàn diện cho con được phụ huynh chú trọng. Chính vì thế nơi nào có thể dạy kỹ năng sống, dạy bơi và phát triển năng khiếu, thể chất cho học sinh cũng được phụ huynh lựa chọn. Chuyện đậu ĐH không còn quá quan trọng nữa vì thực tế hiện nay, nhiều trường ĐH có mức điểm đầu vào tương ứng với nhiều đối tượng học sinh. Trong khi đó, ở các trường tư, việc dạy học nghiêm túc vì phải giữ gìn thương hiệu, cạnh tranh với các trường khác; hơn nữa, lợi thế về sĩ số ít khiến giáo viên có thời gian quan tâm, uốn nắn học sinh, việc chăm sóc cũng kỹ lưỡng hơn.
Năm học 2016-2017, các trường THPT ngoài công lập tại TP HCM tuyển 21.354 học sinh. Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM, cho biết có rất nhiều học sinh giỏi vào trường tư, nhất là các trường có chất lượng giáo dục tốt.
“Thậm chí, các trường uy tín tại TP HCM hiện nay không đủ chỗ tiếp nhận học sinh. Sở cũng luôn yêu cầu các trường tư thục cạnh tranh lành mạnh. Đối với các trường sau 5 năm thành lập, sở yêu cầu phải trang bị đầy đủ phòng thí nghiệm, thư viện, cơ sở vật chất như cam kết. Nếu không, sở sẽ giảm chỉ tiêu, nếu không thực hiện thì đình chỉ hoạt động” - ông Đạt nói.
Không phải học thêm
Ông Bùi Gia Hiếu cho hay phần lớn phụ huynh chọn trường tư là do những lợi thế như học sinh không phải đi học thêm bên ngoài. Phụ huynh cho con học ở trường công, ngoài học phí, nặng nhất vẫn là khoản cho con đi học thêm, chưa kể chi phí đưa đón, phải cần người túc trực. Tính ra, học phí trường công và trường tư không chênh lệch nhiều. Tuy nhiên, nhu cầu lớn nhất của phụ huynh vẫn là muốn có môi trường an tâm, an toàn để quản lý, giáo dục con. Nhiều phụ huynh không yên tâm vì môi trường xã hội hiện nay khiến họ khó kiểm soát con mình, phụ huynh lại đa số bận đi làm cả ngày.
Bình luận (0)