Sáng 9-3, trong khuôn khổ chương trình “Đưa trường học đến thí sinh 2017” do Báo Người Lao Động tổ chức, talk show đầu tiên với chủ đề “Chọn ngành theo nguyện vọng” đã diễn ra với sự tham gia của TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐHQG TP HCM; TS Trần Đình Lý, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Nông lâm TP HCM; TS Lê Loan, chuyên gia về nguồn nhân lực. Chương trình do Công ty CP Phân bón Bình Điền, Tập đoàn Vingroup và Sun Group tài trợ.
Nên chọn nghề phù hợp, có đam mê
Tuyển sinh là vấn đề kỹ thuật, hướng nghiệp mới là chuyện lớn cần xuyên suốt. Nếu thí sinh không quan tâm vào việc chọn nghề nào phù hợp mà chạy theo tuyển sinh ngành nào dễ đậu thì sẽ là sự lãng phí lớn cho bản thân, gia đình và xã hội.
TS Trần Đình Lý cho biết trong suốt 15 năm tham gia chương trình “Đưa trường học đến thí sinh” của Báo Người Lao Động, ông nhận thấy học sinh vô cùng lúng túng trong việc chọn nghề, chọn ngành, chọn trường. Việc chọn nghề không phải dựa vào sở thích, theo trào lưu mà phải xem xét bản thân mình có phù hợp hay không. Các em chọn không đúng ngành nghề phù hợp nếu không bỏ học giữa chừng thì cũng không thành công vì bản thân sẽ không đam mê với nghề đó. TS Lý khuyên thí sinh cần xác định mình phù hợp lĩnh vực gì? Chọn ngành học nào để làm nghề phù hợp; chọn trường nào, bậc học nào phù hợp với ngành, nghề đó.
Là chuyên gia về nguồn nhân lực, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty TNHH Loan Lê - TS Lê Loan - cho biết trong quá trình tuyển dụng, các doanh nghiệp thường quan tâm đến 3 vấn đề chính, gồm: Kiến thức chuyên môn, kỹ năng mềm, trách nhiệm và tác phong công nghiệp. Trong đó, trách nhiệm và tác phong công nghiệp là vấn đề khiến các doanh nghiệp than phiền nhiều nhất. Thay vì làm xong một sản phẩm, các em cảm thấy tự hào cái sản phẩm này hay, đẹp, tốt nhưng nhiều em chỉ làm cho xong, cho qua... Điều đó đôi khi làm thiệt hại lớn cho doanh nghiệp. “Trong công việc, cần chọn một công việc phù hợp với sở thích và đam mê, chọn ngành chọn nghề cũng là một trong những yếu tố ban đầu đưa đến niềm vui, thành công trong cuộc sống và công việc” - TS Lê Loan đúc kết.
Ảnh hưởng lớn bởi chính sách tuyển sinh
Khác với những năm trước, năm nay, khi thí sinh làm hồ sơ đăng ký xét tuyển đồng thời cũng đăng ký các nguyện vọng xét tuyển ĐH. Với quy định này, thí sinh có nhiều lựa chọn nhưng liệu có chọn được nghề theo nguyện vọng hay chạy theo ngành dễ đậu, dễ tìm việc làm.
TS Nguyễn Đức Nghĩa cho rằng việc đăng ký tuy là kỹ thuật trong thi cử nhưng có tác động lớn đến định hướng chọn ngành của học sinh. Trước đây, khi còn 3 chung, thí sinh đăng ký chọn trường trước khi thi. Trong 2 năm 2015 và 2016, thí sinh đăng ký xét tuyển sau khi có kết quả thi THPT quốc gia. Nhưng năm 2017, thí sinh làm hồ sơ đăng ký thi cũng đồng thời xét tuyển, sau đó được quyền điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển sau khi biết kết quả. Với việc thay đổi này, có thể có ảnh hưởng đến tâm lý của thí sinh, các em sẽ có xu hướng chọn những ngành dễ tìm việc làm hơn là ngành, nghề các em yêu thích. Cho thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng sau khi biết kết quả thi là cách mở cho thí sinh nhưng rõ ràng chính sách về tuyển sinh cần tiếp tục điều chỉnh để việc chọn ngành nghề được hài hòa, tránh tình trạng thí sinh chọn nghề “hot” nhưng thực tế dễ thất nghiệp. Việc cho thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng có làm cho công tác tuyển sinh trở nên xáo trộn hay không còn chờ thực tế nhưng nếu có những hướng dẫn, hướng nghiệp thật kỹ và khuyến cáo các em cân nhắc kỹ thì sau này không có nhiều thí sinh điều chỉnh. Tuy nhiên, thực tế là hiện đa phần học sinh đến năm lớp 12 mới có sự chuẩn bị cho nghề nghiệp trong khi các nước họ làm từ rất sớm.
Cũng theo TS Nguyễn Đức Nghĩa, chính sách tuyển sinh liên tục thay đổi trong những năm qua. Năm 2015, đợt 1 xét tuyển, thí sinh được đăng ký 4 nguyện vọng trong 1 trường nên hầu hết các trường tuyển đủ chỉ tiêu. Đến năm 2016, cho phép thí sinh đăng ký cùng lúc 2 trường, mỗi trường 2 nguyện vọng, do vậy nhiều thí sinh cùng lúc trúng tuyển vào 2 trường. Nếu chống ảo, các trường phải gọi 200% mới đủ chỉ tiêu nhưng lại vướng pháp lý. Do vậy, năm 2016, hầu hết các trường thiếu chỉ tiêu. Năm nay, thí sinh không bị giới hạn số nguyện vọng nhưng việc đăng ký sẽ theo thứ tự ưu tiên, nếu thí sinh đã trúng ở một nguyện vọng nào đó thì sẽ không được xét tuyển ở nguyện vọng tiếp theo. Hy vọng, quy định này sẽ giải quyết được thí sinh ảo.
Xem toàn talk show trên Truyền hình Người Lao Động
Nhiều xu hướng lựa chọn
Những thay đổi về quy định quy chế trong những năm qua đã trao cho thí sinh rất nhiều chọn lựa xu hướng phải vào ĐH đang có xu hướng giảm. Năm 2013, Bộ GD-ĐT thí điểm cho 10 trường xét tuyển học bạ thì 2014 lên 62, năm 2015 cho phép các trường tự đề ra phương án xét tuyển và có hơn 100 trường, cánh cửa đã mở toang và quyền lựa chọn thuộc về các em. Trước đây, trên 90% thí sinh thi vào ĐH thì những năm gần đây, số thí sinh thi chỉ để xét tốt nghiệp càng tăng lên. Năm 2016, tỉ lệ này là hơn 30%, trong đó nhiều địa phương 40%..., điều đó cho thấy con đường vào ĐH không phải là duy nhất.
Tài trợ chính
Tài trợ phụ
Bình luận (0)