Ngày 15-6, nhiều địa phương trên cả nước đã hoàn tất việc chấm thi và công bố kết quả thi tốt nghiệp THPT 2014. Đúng như dự báo của nhiều chuyên gia, tỉ lệ đỗ tốt nghiệp THPT năm nay tại nhiều tỉnh xấp xỉ 100%.
Chỉ để loại vài thí sinh
Ngày 15-6, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh An Giang cho biết tỉ lệ đậu tốt nghiệp THPT ở hệ THPT của tỉnh này là 99,64%, hệ giáo dục thường xuyên (GDTX) là 56,53%, cao hơn hẳn các năm trước. Theo ông Đổng Ngọc Lập, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Tây Ninh, tỉ lệ đỗ tốt nghiệp của Tây Ninh là 97,75% đối với hệ THPT, tăng 1,6% so với năm trước. Ở hệ GDTX, tỉ lệ đỗ là 55,65%, tăng hơn 9% so với năm 2013. Ông Lập cho biết thêm tỉnh có 5 trường THPT đạt tỉ lệ đỗ tốt nghiệp tuyệt đối 100%, có 3 thủ khoa đều đạt tổng điểm 38.
Tại tỉnh Bình Dương, nếu không tính thí sinh tự do, tỉ lệ tốt nghiệp năm 2014 khối THPT lên tới 99,86% (năm 2013, tỉ lệ này là 99,34%); hệ GDTX, tỉ lệ đỗ đạt 84,30%, tăng 20% so với năm ngoái. Trong số 32 trường phổ thông trên toàn tỉnh, có tới 26 trường có tỉ lệ tốt nghiệp đạt 100%. Trung tâm GDTX huyện Dầu Tiếng cũng có tỉ lệ tốt nghiệp ở mức tuyệt đối.
Ông Huỳnh Văn Bảy, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Lâm Đồng, thông tin: Tỉ lệ đỗ tốt nghiệp hệ THPT của tỉnh đạt 98,83%, hệ GDTX 90,54%. Toàn tỉnh có tổng số 241 thí sinh xếp loại giỏi và 2.388 thí sinh xếp loại khá, 20 trường có tỉ lệ tốt nghiệp 100%. Trường có tỉ lệ tốt nghiệp thấp nhất là THPT Lộc Bắc cũng đã 80%. Ông Bảy cho biết thêm số bài đạt điểm 5 trở lên ở các môn hóa học, lịch sử, địa lý đều trên 93%; tỉnh cũng có 3 thủ khoa cùng đạt 38 điểm.
Trước đó, Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Bình cũng đã chính thức công bố kết quả thi tốt nghiệp với tỉ lệ của hệ THPT là 99,32%, hệ GDTX lên đến 96,93%, cao hơn khoảng 20% so với năm ngoái. Theo ông Nguyễn Hồng Kỳ, Trưởng Phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Bình, toàn tỉnh có khoảng 1/3 số trường THPT đỗ tốt nghiệp 100%. Có 12 học sinh đạt điểm 9 môn ngữ văn, 113 học sinh đạt điểm 9,5 môn lịch sử và 100 em đạt điểm 10 môn ngoại ngữ.
Dự kiến hôm nay (16-6), tỉnh Quảng Trị sẽ công bố kết quả thi với tỉ lệ tốt nghiệp trên 98%. Tỉnh Bắc Ninh cho hay dự kiến tỉ lệ tốt nghiệp sẽ cao hơn năm ngoái (năm 2013 là 99,27%), tỉnh Hòa Bình cũng dự báo tỉ lệ tốt nghiệp tương đương năm ngoái (hơn 97%).
Quá lãng phí
Trước kết quả thi tốt nghiệp ở mức rất cao như năm nay, ông Huỳnh Văn Bảy cho rằng nên chuyển từ hình thức thi sang hình thức xét tốt nghiệp căn cứ vào kết quả đánh giá quá trình học tập của học sinh. PGS Văn Như Cương, Chủ tịch HĐQT Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội), cũng cho rằng nếu tổ chức một kỳ thi vất vả, tốn kém mà chỉ để loại vài chục thí sinh thì quá lãng phí sức người, sức của. “Xét tốt nghiệp cũng là một ý kiến hay bởi nhiều trường nếu để nhà trường tự xét thì tỉ lệ tốt nghiệp không phải là tuyệt đối vì thầy cô biết được sức học của học sinh như thế nào. Còn tổ chức thi mà đỗ 100% thì quá hình thức” - PGS Cương băn khoăn.
Tuy nhiên, chuyên gia này vẫn cho rằng nên cải tiến thi cử theo cách gộp 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ làm một. “Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu xem xét lại việc tổ chức thi cử và tôi rất tán thành với ý kiến gộp 2 kỳ thi làm 2. Ngay trong năm 2015, có thể tổ chức kỳ thi “2 trong 1” này nếu từ quý III/2014, Bộ GD-ĐT đưa ra phương án thi” - PGS Cương nêu quan điểm.
Phúc khảo bài thi trong 7 ngày
Theo Bộ GD-ĐT, các thí sinh nếu muốn phúc khảo bài thi phải có đơn xin phúc khảo bài thi trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày niêm yết công khai kết quả của kỳ thi. Thí sinh nộp đơn xin phúc khảo bài thi cho trường phổ thông nơi nộp hồ sơ dự thi tốt nghiệp.
Bài thi trắc nghiệm được phúc khảo theo quy trình riêng do Bộ GD-ĐT quy định. Hội đồng phúc khảo sẽ rút bài thi tự luận, làm phách mới; tổ chức chấm lại bài thi theo văn bản hướng dẫn chấm, bảo đảm đúng nguyên tắc 2 giám khảo chấm độc lập trên 1 bài thi.
Đối với bài thi tự luận: Khi điểm chấm lại chênh lệch so với điểm chấm lần trước từ 1,0 điểm trở lên đối với môn ngữ văn và từ 0,5 điểm trở lên đối với các môn khác thì điểm phúc khảo là điểm mới của bài thi.
Khi điểm chấm lại chênh lệch so với điểm chấm lần trước từ 2,0 điểm trở lên thì phải tổ chức đối thoại giữa cặp chấm của hội đồng chấm thi và cặp chấm của hội đồng phúc khảo. Điểm mới của bài thi là điểm được thống nhất giữa cặp chấm của hội đồng chấm thi và cặp chấm của hội đồng phúc khảo. Những trường hợp không thống nhất về điểm bài thi và không kết luận được khuyết điểm thuộc về cặp chấm của hội đồng chấm thi thì giữ nguyên điểm của hội đồng chấm thi.
Đối với bài thi trắc nghiệm: Khi điểm chấm lại chênh lệch so với điểm chấm lần trước thì điểm phúc khảo là điểm mới của bài thi.
Bình luận (0)