Năm 2002, trên đường thực hiện chương trình "Đưa trường học đến thí sinh" tổ chức ở TP HCM, tôi tiếp một phụ huynh nam với đôi mắt ấm áp. "Nhà báo có còn nhớ con tôi không?". Tôi nhìn anh. Bên cạnh anh là một học sinh nam có khuôn mặt hiền lành. Nhất thời tôi không nhớ ra...
Hạnh phúc của vị phụ huynh
Thấy vẻ bối rối của tôi, ông lên tiếng: "Anh nhớ trường hợp anh giúp xin chuyển trường cho con một phụ huynh năm ngoái không?". À, tôi nhớ ra rồi. Đó là dịp đã cận ngày khai giảng năm học trước. Một người đàn ông có khuôn mặt rầu rĩ đến tòa soạn báo xin gặp tôi. Ánh mắt ông nhìn tôi cầu khẩn. "Cháu học lớp 11, bị lưu ban, không muốn học trường cũ vì mắc cỡ với bạn bè. Tôi đã xin chuyển vài nơi nhưng không trường nào nhận. Nhìn kết quả học tập và hạnh kiểm của cháu, họ ngại. Nếu không chuyển được trường, cháu nói sẽ bỏ học". Người đàn ông ngừng kể. Tôi không yêu cầu ông kể thêm vì biết trong lòng vị phụ huynh đang ngổn ngang như thế nào. Tôi nhìn ông rồi khẽ giọng: "Tôi nghĩ sẽ có nơi nhận cháu. Anh đừng quá lo. Có lẽ vì người ta chưa hiểu đó thôi".
Nhà báo Từ Nguyên Thạch (ảnh lớn, thứ hai từ phải sang) tại lễ trao Giải Báo chí TP HCM lần thứ 16 năm 1998 Ảnh: NGUYỄN HỮU
Tôi an ủi nhưng lòng thoáng chút phân vân. Cổng trường sao lại khép với học sinh hạnh kiểm kém? Giáo dục là chìa tay ra cứu khi thấy một đứa trẻ sắp rơi bên bờ vực chứ không thể đẩy đứa trẻ ra xa. Đó là sứ mệnh của người làm giáo dục. Và đúng như suy nghĩ của tôi, ngay hôm sau, con của vị phụ huynh được nhận vào Trường THPT H.Đ, quận Tân Bình.
Năm nay cháu lên lớp 12, chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp và xét tuyển đại học vào cuối năm. Hôm nay, cháu đề nghị bố dắt đến để chào tôi và tham dự chương trình tư vấn tuyển sinh với tất cả sự háo hức. Ngồi cạnh, người bố trông thật hạnh phúc.
Trách nhiệm của nhà báo
Nghề báo cuốn tôi đi theo dòng chảy của cuộc sống sôi động. Nếu có dịp nhìn lại, tôi sẽ giật mình vì thời gian trôi nhanh quá. Đến nỗi câu chuyện của hai bố con vị phụ huynh xảy ra năm nào giờ đã trôi vào quá khứ. Thì một hôm tôi nhận được cú điện thoại của người phụ huynh năm xưa. Gặp nhau trò chuyện, ông kể: "Từ dạo về trường mới, cháu thay đổi hoàn toàn. Nếu trước đây mê game bỏ học, quậy phá bạn bè, thầy cô thì nay siêng năng học tập không cần ai nhắc nhở".
Theo lời người bố kể, năm đó, cháu đậu vào Trường Đại học Kinh tế TP HCM, ngành quản trị du lịch và lữ hành. Nhưng học đến năm hai, cháu không thích nên quyết tâm ôn luyện thi vào Trường Đại học Kiến trúc TP HCM. Không ai nghĩ từ một học sinh mất phương hướng tương lai, giờ cháu là một kiến trúc sư đang điều hành một công ty thiết kế xây dựng với cuộc sống rất ổn định.
Tác giả cùng thí sinh tìm hiểu ngành học năm 2002 (ảnh nhỏ) Ảnh: NGUYỄN HỮU
"Nếu không gặp anh năm đó thì tôi không biết chuyện gì sẽ xảy ra với cháu bây giờ". Câu nói của vị phụ huynh làm tôi giật mình. Vâng, tương lai một đứa trẻ sẽ ra sao nếu chúng ta thoái thác trách nhiệm người lớn? Hơn nữa, chúng ta là nhà báo - người có điều kiện kết nối một đứa trẻ chưa ngoan với nhà giáo dục?
Chương trình "Đưa trường học đến thí sinh" đã mang đến cho thí sinh nhiều cơ hội được học tập đúng ngành yêu thích, đúng năng lực của mình và từ đó, cánh cửa vào tương lai của các em rộng mở hơn. Những nhà báo viết về mảng giáo dục tâm đắc đã đành, thế nhưng có những việc xảy ra phía sau chương trình đòi hỏi nhà báo phải dấn thân hơn nữa vì nó góp phần hoàn thiện nhân cách nhà báo.
Bình luận (0)