Khoa Báo chí và Truyền thông Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP HCM) vừa tổ chức buổi hội nghị đối thoại giữa nhà tuyển dụng cùng đơn vị đào tạo. Tại đây, các nhà tuyển dụng cho rằng đều cốt lõi của đào tạo chương trình đại học đó là đào tạo ra một lực lượng để làm việc và làm được việc, với thị trường mở như hiện nay, năng lực nghề nghiệp là yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của một cá nhân.
Không còn quan niệm lấy sinh viên làm trung tâm, trong bối cảnh cạnh tranh lao động "phẳng" phải lấy năng lực nghề nghiệp để làm kim chỉ nam thay đổi tư duy, phát triển chương trình học để phù hợp, đáp ứng được nhu cầu thị trường lao động hiện nay. Quá trình học không chỉ gói gọn trong mối tương quan giữa hai nhân tố người dạy – người học mà còn phải tham chiếu đến các giá trị nghề nghiệp để xác lập các khuôn khổ cần thiết về động cơ và hành vi dạy – học.
Áp dụng cách tiếp cận theo phương thức tiên tiến CDIO (Conceive – Design – Implement – Operate), Khoa Báo chí và Truyền thông Trường ĐH KHXH&NV TP HCM đã thay đổi chương trình đào tạo với một số môn học có kích thước lớn hơn, tích hợp kiến thức – kỹ năng – thái độ để giúp sinh viên đạt được một năng lực nghề nghiệp cụ thể. Đổi mới trong môn học đồ án, cách thức thi kết thúc môn bằng sản phẩm thực tiễn, đối với sinh viên học báo chí phải có sản phẩm tin tức, sinh viên truyền thông phải có sản phẩm truyền thông. Giảng viên sẽ đánh giá điểm dựa trên kiến thức nền tảng, năng lực tác nghiệp, năng lực về con người, năng lực về thông tin, năng lực về tổ chức.
ThS Phạm Duy Phúc, Phó trưởng Khoa Báo chí và Truyền thông Trường ĐH KHXH&NV cho biết sự thay đổi trong cách thức dạy học, chương trình đào tạo lần này là sự đổi mới toàn diện, đảm bảo năng lực nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp để các em sinh viên có thể đáp ứng ngay nhu cầu của các nhà tuyển dụng.
Ngoài ra, đổi mới cách dạy của giảng viên, nhiều giảng viên sẽ dạy các bài khác nhau trong cùng một môn học, cùng thực hiện và cùng tham gia đánh giá một bài giảng, tích cực mời những chuyên gia có kinh nghiệm thực tế để tham gia giảng dạy. Không chỉ học lý thuyết, ngay năm đầu tiên sinh viên sẽ được học những giờ học ngoài giảng đường tại các tòa soạn báo, doanh nghiệp, không gian xã hội.
Nhà báo Hồng Lam khẳng định với lối dạy theo kiểu "mũi kim tiêm" dạy gì tiếp thu vậy như hiện nay khiến sinh viên bị ù lì, tư duy độc lập không cao, không có phản biện, không có những tình huống giả lập, chỉ tạo ra một lực lượng viết tin,viết thông cáo báo chí chứ không phải một lớp trí thức làm việc. Nhà tuyển dụng không cần những lực lượng như vậy, phải đổi mới cách dạy để đổi mới tư duy cho sinh viên.
Đồng quan điểm, nhà báo Lê Bân cho rằng cách tiếp cận kiến thức của các em sinh viên hiện nay còn kiểu đọc - chép, không chủ động trong việc nhận định vấn đề, nghiên cứu môn học. "Thầy giáo thay đổi phương pháp dạy đã khó, để sinh viên thay đổi cách học càng khó hơn, cần phải dứt khoát trong quá trình đánh giá năng lực học sinh, siết đầu ra, không vì thành tích mà nâng điểm" - nhà báo Lê Bân nhận định.
Đại diện nhà tuyển dụng cho biết kỹ năng làm việc của sinh viên hiện nay là một băn khoăn với doanh nghiệp, đa số khi tuyển dụng vào doanh nghiệp phải đào tạo lại. Nhà trường nên đào tạo năng lực làm việc thực tế nhiều hơn những kiến thức hàn lâm. Đặc biệt, trong thời đại giao tiếp liên văn hóa thì cần năng chuẩn Toeic lên cao hơn, 450 điểm Toeic không đủ đáp ứng trong thời đại số hóa.
Bình luận (0)