Nếu những năm trước, nhiều học sinh chỉ coi lịch sử là môn phụ nên chỉ học đối phó, tập trung thời gian cho 3 môn thi ĐH và 1 môn tự chọn để xét tốt nghiệp thì năm nay, tình hình đã có nhiều thay đổi.
Không còn là “môn phụ”
Theo phương án thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), học sinh sẽ phải ôn cả 6 môn. Vì thế, kế hoạch ôn luyện của học sinh lớp 12 cũng có nhiều thay đổi.
Hiệu trưởng một trường THPT đóng tại quận Cầu Giấy, TP Hà Nội thừa nhận nhiều năm qua, môn lịch sử đã bị suy giảm vị trí trong nhà trường vì chỉ là môn thi luân phiên chứ không bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Không phải là không yêu thích môn lịch sử nhưng vì phải ưu tiên dành nhiều thời gian cho các môn học khác để thi ĐH nên học sinh không chọn môn này để thi.
Cô Lê Thị Thu - Tổ trưởng Bộ môn lịch sử Trường THCS-THPT Nguyễn Tất Thành, Hà Nội - nhấn mạnh việc Bộ GD-ĐT quyết định thay đổi phương án thi trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 đã tạo ra nhiều thay đổi trong dạy và học, đặc biệt là với môn lịch sử, ở trường phổ thông hiện nay. Theo cô Thu, sự thay đổi này có tính hai mặt. Thứ nhất, tạo ra sự “dịch chuyển”, hạn chế được hiện tượng học lệch, học tủ của học sinh. Thứ hai, điều này cũng phần nào tạo nên áp lực cho các em.
“Giáo viên cần định hướng học thật cơ bản, bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng, động viên tinh thần để các em tự tin hơn. CLB Em yêu lịch sử của Trường THCS-THPT Nguyễn Tất Thành mới ra mắt hôm 17-10 là CLB học thuật đầu tiên của nhà trường. Chúng tôi mong muốn sẽ thu hút được nhiều học sinh tham gia và thêm yêu thích lịch sử, đặc biệt là lịch sử dân tộc” - cô Thu bày tỏ.
Thay đổi cách dạy để lịch sử hấp dẫn hơn
Trước việc thi trắc nghiệm môn lịch sử, cô Lê Thị Thu cho rằng trắc nghiệm hay tự luận chỉ là hình thức thi và là khâu kiểm tra, đánh giá trong quá trình dạy học ở trường phổ thông. Vì thế, để học tập và ôn tập thật tốt, các em cần chú trọng những nội dung kiến thức cơ bản, chủ yếu trong chương trình lớp 12.
Theo một giáo viên Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội), để tạo nên sự hứng thú của học sinh, tổ chuyên môn của trường đã tìm nhiều cách đưa các em đến với môn lịch sử; hướng dẫn các em tự khai thác, xử lý thông tin trong và ngoài sách giáo khoa để vận dụng kiến thức làm bài thi.
Giáo viên này cho rằng để thi trắc nghiệm môn lịch sử, việc đầu tiên học sinh cần đọc kỹ sách giáo khoa. Phần lớn kiến thức trong bài thi đều lấy từ sách giáo khoa. Các em cần chủ động hơn trong việc khai thác và xử lý thông tin trong sách giáo khoa. Với bài thi trắc nghiệm, ngoài những câu hỏi về kiểm tra kiến thức, cần có một số câu hỏi yêu cầu suy luận, phân tích khi đáp án đưa ra khá giống nhau theo kiểu 50/50.
Theo một số giáo viên, môn lịch sử khô khan, nặng nề, không tạo hứng thú cho người học và cả người dạy là do còn quá ít nội dung về văn hóa, lối sống, những sinh hoạt qua các thời kỳ. Bà Nguyễn Thị Phương Thanh, giảng viên Khoa Lịch sử Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cho rằng mục tiêu của môn lịch sử không dừng lại ở kiến thức mà làm thế nào để những kiến thức đó thấm sâu vào nhận thức của học sinh, biến thành hiểu biết của chính các em một cách hứng thú. Do đó, phương pháp dạy học của mỗi giáo viên rất quan trọng. Thầy giáo dạy hay, học sinh mới yêu thích môn học.
Theo bà Thanh, các trường cần chú trọng nâng cao cơ sở vật chất, tạo điều kiện cho giáo viên dễ dàng thực hiện đổi mới phương pháp dạy học, thiết kế những bài giảng lịch sử sinh động, tái hiện bức tranh quá khứ chân thực. Các thầy cô cần được trang bị máy tính, máy chiếu, mạng internet, tivi, dàn âm thanh, phòng thực hành bộ môn có sơ đồ, sa bàn, mô hình… để bài giảng trở nên hấp dẫn hơn.
Tăng cường mảng văn hóa, lối sống
GS Vũ Dương Ninh, giảng viên ĐHQG Hà Nội, cho rằng những người làm sách đã quá tham, muốn nhồi nhét nhiều kiến thức lịch sử cả thế giới lẫn Việt Nam vào đầu học sinh. Chính vì thế, để môn lịch sử trở nên hấp dẫn hơn, cần phải tăng cường giảng dạy mảng văn hóa, lối sống. Tiết học sẽ sinh động hơn nếu học sinh được tìm hiểu những gì rất đời thường, gắn bó với chính cuộc sống của các em thông qua những nét văn hóa trong quá khứ, chứ không phải chỉ học lịch sử, chính trị.
Bình luận (0)