Cụ thể, Ở cấp tiểu học (lớp 4, 5), những kiến thức sơ giản về lịch sử là một hợp phần căn bản của môn lịch sử và địa lý. Ở cấp THCS, học sinh được học thông sử để nắm được dòng chảy của lịch sử Việt Nam qua các thời đại trong sự tương tác với lịch sử khu vực Đông Nam Á và lịch sử thế giới. Chương trình lịch sử ở cấp THCS được thiết kế theo mô hình tích hợp lịch sử thế giới, lịch sử khu vực Đông Nam Á, lịch sử Việt Nam. Trong đó, lịch sử Việt Nam là trọng tâm, chiếm khoảng 60% thời lượng của chương trình.
Trong khi đó, ở cấp THPT, chương trình được thiết kế theo các chủ đề về lịch sử thế giới, khu vực và Việt Nam trên các lĩnh vực: lịch sử chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, tư tưởng và những chủ đề có tính định hướng, giúp học sinh hiểu rõ hơn về giá trị nền tảng và ý nghĩa thực tiễn của khoa học lịch sử trong việc lựa chọn nghề nghiệp trong tương lai. Đặc biệt trong chương trình mới, một số vấn đề trước đây chưa đề cập tới như chiến tranh biên giới, việc bảo vệ chủ quyền biển đảo... sẽ được nhắc tới trong sách giáo khoa mới.
Cũng theo GS Vinh, việc dạy học lịch sử sẽ thay đổi theo hướng phát triển năng lực, việc kiểm tra đánh giá kết quả học tập được chuyển đổi theo hướng chú trọng khả năng vận dụng sáng tạo tri thức trong những tình huống ứng dụng, không lấy việc kiểm tra khả năng tái hiện kiến thức lịch sử làm trung tâm của việc đánh giá. Mục đích chủ yếu của đánh giá kết quả học tập là đối chiếu, so sánh năng lực học sinh đạt được với mức độ yêu cầu của chuẩn kiến thức và năng lực môn học lịch sử ở từng chủ đề, từng lớp học, để từ đó có những biện pháp cải thiện kịp thời hoạt động dạy học.
Bình luận (0)