Chương trình cũng được Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Nam tường thuật trực tiếp.
Ban tư vấn chương trình gồm:
- TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐHQG TP HCM
- TS Trần Thanh Thưởng, Phó trưởng Phòng Tuyển sinh và Công tác sinh viên Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM
- ThS Phạm Thế Vinh, Trưởng Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng Trường ĐH Tài chính - Marketing
- ThS Trương Tiến Sỹ, Phó trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Ngân hàng TP HCM
- ThS Hoàng Đức Bình, Giám đốc tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Hoa Sen
- ThS Huỳnh Tấn Châu, Giám đốc Văn phòng ĐH FPT Đà Nẵng
- ThS Tô Hoài Thắng, Phó trưởng Phòng Quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Nguyễn Tất Thành
- TS Nguyễn Hữu Phú, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân
- PGS-TS Đào Hữu Hòa, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - ĐH Đà Nẵng
- TS Bùi Phụ Anh, Hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - Kế toán
- TS Ngô Sỹ Trung, Phó Giám đốc cơ sở Trường ĐH Nội vụ tại miền Trung
- PGS-TS Nguyễn Hữu Kỳ, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Phương Đông
- PGS-TS Lê Thị Liêm Thanh, Trưởng khoa công nghệ thực phẩm Trường ĐH Đông Á
Khách mời chương trình gồm: Ông Dương Quang – Ủy viên BBT, Tổng Thư ký Tòa soạn Báo Người Lao Động; Ông Phạm Sỹ - Hiệu trưởng Trường THPT Sào Nam; Ông Nguyễn Ngọc Tám – Nguyễn Hiền; Ông Võ Văn Thái – Đại diện Công ty CP Phân bón Bình Điền; Nguyễn Thị Thu Thảo – Phó GĐ Ngân hàng Phương Đông Quảng Nam; Ông Trần Đức Dũng – Giám đốc điều hành, phụ trách Đầu tư và Giáo dục Hùng Hậu kiêm Phó Chủ tịch quỹ Trái tim Hùng Hậu
Từ 7 giờ 30, khoảng 1.200 học sinh đến từ các trường: THPT Sào Nam, THPT Lê Hồng Phong, THPT Nguyễn Hiền... tập trung tại Trường THPT Sào Nam để tham dự chương trình Đưa trường học đến thí sinh 2016.
Mở đầu chương trình, lúc 8 giờ 30, TS Nguyễn Đức Nghĩa thông tin về quy chế thi THPT Quốc gia 2016 và tuyển sinh ĐH-CĐ. Theo TS Nghĩa, dù hiện tại Bộ GD-ĐT chưa ban hành chính thức nhưng dự thảo vừa được ban hành đã khá rõ nét. Thí sinh cần tiếp tục theo dõi thông tin. TS Nghĩa lưu ý năm 2016, thí sinh sau khi tham dự kỳ thi THPT Quốc gia tại các cụm trường ĐH, CĐ sẽ được cấp 1 giấy báo điểm và dùng giấy báo điểm này để đăng ký xét tuyển. Năm nay, thí sinh chỉ có 1 giấy báo điểm, nộp tối đa vào 2 trường, mỗi trường tối đa 2 ngành kéo dài trong 12 ngày, các đợt xét tuyển bổ sung mỗi đợt kéo dài 10 ngày.
Ngay sau đó, chương trình bước vào phần Hỏi - đáp trực tiếp:
* Theo dự thảo quy chế mới ban hành, TS chỉ được đăng ký vào 2 trường, mỗi trường 2 ngành dễ dẫn đến tình trạng trường nhận được quá nhiều hồ sơ nhưng chỉ tiêu ít, TS điểm cao nhưng lại rớt. Nếu được, Ban tư vấn có thể kiến nghị theo cách TS được đăng ký theo nhiều ngành? Cách này cũng làm tăng tỉ lệ thí sinh ảo, vậy làm sao để hạn chế lượng TS ảo này? (Nguyễn Liên Tuyết Nhi, Trường THPT Lê Hồng Phong)
- TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐHQG TP HCM: Về việc giải quyết lượng TS ảo, nếu giải quyết được thì Bộ GD-ĐT đã giải quyết được từ nhiều năm nay. Thông tin thêm với các TS, năm nay, mỗi học sinh đăng ký xét tuyển 2 trường, mỗi trường 2 ngành, theo 2 hình thức: Nộp hồ sơ online hoặc nộp qua đường bưu điện, dự kiến không cho phép nộp trực tiếp. Trong kỳ thi này, TS chỉ được nộp và không được rút nên sẽ không có sự lộn xộn. Mỗi ngày, các trường phải công bố hồ sơ phải nộp và điểm xét tuyển bao nhiêu. Khi nộp 2 bộ hồ sơ vào 2 trường ĐH-CĐ, các trường phải công bố xét tuyển 3 tình huống: Một là TS rớt cả 2 NV, tiếp tục làm hồ sơ đăng ký xét tuyển vào các trường khác, lưu ý các em chỉ có 1 giấy báo điểm duy nhất nên cần cân nhắc trước khi quyết định, TH thứ 2 là 1 trường rớt, 1 trường đậu, nếu may mắn, các em đậu trường mình thích, các em có thể chờ thông báo và nộp phiếu báo điểm để làm thủ tục nhập học, TH3: Trúng tuyển cả 2 trường: Các em sẽ cân nhắc việc chọn trường nào, trường còn lại không được chọn sẽ bị ảo, nên đó là điều các trường phải chấp nhận. Tỉ lệ ảo là phương án nào cũng có, tỉ lệ lợi cho TS, do các em trúng nhiều trường mà không đến nhập học.
* Em được biết Trường ĐH Đông Á đào tạo theo hướng thực hành và ứng dụng giúp SV có cơ hội làm việc tốt hơn. Cô có thể cho em biết hướng thực hành đối với ngành du lịch ra sao? Những ngành khác của trường có đào tạo theo hướng này không và em có thể tìm thông tin tư vấn hướng nghiệp của trường ở đâu? (Gia Hân, Trường THPT Sào Nam)
- PGS-TS Lê Thị Liêm Thanh, Trưởng khoa công nghệ thực phẩm Trường ĐH Đông Á: Trường ĐH Đông Á là trường đào tạo theo định hướng thực hành. Tất cả cac chương trình đào tạo của nhà trường chú trọng thực hành tại trường và tại doanh nghiệp. Đặt biệt đối ngành du lịch, năm 2015 nhà trường đã ký hợp tác với tập đoàn ROUTE INC Nhật Bản. Đây là tập đoàn lớn có 251 khách sạn và sẽ xây thêm 50 khách sạn lớn tại Việt Nam, riêng tại Đà Nẵng sẽ có 10 khách sạn mới từ năm 2016 đến 2020. Họ sẽ tuyển dụng sinh viên ngành du lịch và các ngành khác để làm việc trong hệ thống 301 khách sạn này mỗi năm 200 người từ ĐH Đông Á. Như vậy các em có dự kiến học ngành du lịch năm nay tại Trường ĐH Đông Á đến 2020 ra trường được bảo đảm cơ hội việc làm rất lớn sau khi ra trường.
* Bạn em bị khuyết tật nói và viết chậm nhưng học lực giỏi. Em được biết bạn được đặc cách tốt nghiệp THPT Quốc gia 2016. Vậy nếu bạn em muốn vào ĐH thì thi tuyển bằng cách nào? (TS Đạt, Trường THPT Sào Nam)
- TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐHQG TP HCM: Việc xem xét quyết định đặc cách xét tốt nghiệp ĐH, CĐ thí sinh khuyết tật là do các Sở GD-ĐT quyết định và quyết định xét đặc cách ĐH, CĐ là do hiệu trưởng các trường quyết định. Em cần xem xét quy định từng trường để biết thêm về một số thông tin cụ thể. Tôi xin cung cấp thêm 1 số thông tin về tuyển thẳng: Nếu TS đoạt giải nhất, nhì, ba xét tuyển thẳng vào các trường ĐH, CĐ. Hiện nhiều trường ưu tiên xét tuyển thẳng cho các thí sinh khuyết tật đã vượt qua kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia.
*Em được biết Trường ĐH Nguyễn Tất Thành có phương án 2 là xét theo học bạ, vậy sau khi vào trường em có cần thi thêm khóa nào nữa không? (Gia Hân, Lớp 11/1 Trường THPT Sào Nam)
ThS Tô Hoài Thắng, Phó trưởng Phòng Quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Nguyễn Tất Thành: Trường ĐH Nguyễn Tất Thành có phương án xét tuyển bằng học bạ theo 3 môn ở tổ hợp môn muốn xét tuyển, điểm trung bình 6 điểm trở lên. Khi vào trường không cần phải thi chọn ngành lại và tất cả sinh viên được đào tạo như nhau, không phân biệt xét theo học bạ hay theo kết quả kỳ thi THPT Quốc gia. Khi vào trường, sinh viên nhận học bổng 1 triệu đồng, trên 18 điểm sinh viên được học bổng 3 triệu đồng. Riêng ngành công nghệ sinh học, bao nhiêu điểm bạn cũng nhận được 3 triệu đồng vì trường có cơ sở đào tạo phối hợp với Trung tâm Sinh học TP HCM để hỗ trợ sinh viên. Ngoài ra, thí sinh nên thường xuyên truy cập website các trường ĐH để theo dõi các trường mới mở.
* Trước thực trạng XH hiện nay, chọn theo xu hướng XH hay đam mê bản thân? Em nghe nói ngành ngân hàng thời gian gần đây khó khăn,. Tuy gia đình em nhiều người làm ngành ngân hàng nhưng lại khuyên em không theo nữa. Vậy em có nên tiếp tục theo đuổi ngành ngân hàng mà mình đam mê lâu nay?(Võ Hoàng My THPT Nguyễn Hiền)
- ThS Trương Tiến Sỹ, Phó trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Ngân hàng TP HCM: Theo quan điểm cá nhân, đam mê, sở thích bản thân chỉ mới làm một yếu tố trong việc chọn ngành nghề. Thí sinh nên cân nhắc nhiều yếu tố khác ngoài đam mê để chọn 1 ngành phù hợp như: Tính cách, năng lực phù hợp với ngành, nghề, xu hướng nghề nghiệp gia đình, năng lực bản thân, xu hướng xã hội…
Về việc lựa chọn ngành tài chính ngân hàng, đây là ngành trọng điểm vì trong giai đoạn nào thì đây cũng là lĩnh vực quan trọng trong nền kinh tế. Thời gian qua, cùng với sự phát triển của đất nước, ngành tài chính ngân hàng có sự chuyển mình tích cực, nhất là sau khi nhà nước tái cấu trúc ngành ngân hàng nhằm đẩy mạnh ngành này phát triển mạnh mẽ, vững chắc, hỗ trợ, thúc đầy nền kinh tế phát triển. DO đó, nhu cầu nhân lực cho lĩnh vực tài chính ngân hàng còn rất lớn. Năm 2015, hệ thống Ngân hàng Nhà nước và Phát triển Nông thôn Việt Nam tuyển 1.000 nhân sự, mới đây Vietin Bank cũng thông báo tuyển hơn 1.400 chỉ tiêu toàn hệ thống, Vietcombank tuyển hơn 1.000 nhân lực. Như vậy trong năm qua, toàn hệ thống ngân hàng tuyển trên 5.000 nhân sự. Trong khi những trường đầu ngành mỗi năm cung cấp cho xã hội tổng cộng chỉ khoảng 1.000 nhân sự, do đó cơ hội việc làm ngành này còn rất lớn.
* Những ngành học kỹ thuật trong 5 năm tới có triển vọng xin việc làm không? Em thi khối A1, D và A.
- TS Trần Thanh Thưởng, Phó trưởng Phòng Tuyển sinh và Công tác sinh viên Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM: Đối với nhóm ngành kỹ thuật hiện nay nhu cầu việc làm rất cao, đặc biệt các ngành nhóm cơ khí. Về vấn đề xin việc làm, ngoài việc chọn ngành, nghề yêu thích, các em cần có nhiều kỹ năng mềm, vốn ngoại ngữ, đặc biệt ngành học phải phù hợp với khả năng. Ví dụ: Ngành kỹ thuật ô tô ở Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM là một trong 3 ngành thu hút sinh viên học đông nhất. Do đường cao tốc Việt Nam đang phát triển, dự kiến năm 2018 thuế nhập khẩu ô tô sẽ bằng 0, sự phát triển ngành công nghiệp ô tô đến năm 2025, lúc đó hình thành thị trường lao động rộng lớn khi Việt Nam gia nhập các khối ASEAN nên cơ hội việc làm rất lớn. Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM tuyển sinh 28 ngành, chỉ xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi THPT quốc gia. Đối với sinh viên nữ, trường có 8 ngành miễn 50% học phí. Ngoài ra, trường còn có 13 ngành hệ sư phạm kỹ thuật miễn học phí 100%.
* Em được biết những năm gần đây, các ngành khối kinh tế khó xin việc hơn. Em có ý định thi ngành quản trị kinh doanh, cơ hội xin việc của ngành quản trị kinh doanh? Trường ĐH Kinh tế - Marketing có phải chỉ đào tạo về khối ngành kinh tế?
- PGS-TS Đào Hữu Hòa, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - ĐH Đà Nẵng: Cùng với những chuyển biến của đất nước, nhóm ngành kinh tế và nhân văn sau thời gian phát triển mạnh đã chững lại cùng với quá trình tái cơ cấu của nền kinh tế. Tuy nhiên, xu hướng chung của cả thế giới, khi nên kinh tế phát triển, lĩnh vực dịch vụ, phục vụ đời sống ngày càng được nâng cao cùng với các hoạt động kỹ thuật. Trong những giai đoạn nhất định, nền kinh tế, XH nhân văn tạm thời điều chỉnh nhưng tôi tin tưởng rằng nó sẽ phát triển theo xu hướng chung của nhân loại. Xã hội muốn phát triển, kinh tế phát triển song song với sự phát triển của nhân loại, cả phần cứng và phần mềm: Sản xuất sản phẩm và tạo ra chuỗi giá trị gia tăng thông qua chuỗi những sản phẩm tiếp theo. Ngành kinh tế tạo ra chuỗi giá trị sản phẩm đó, nên chắc chắc các chuyên ngành của kinh tế sẽ phát triển theo cùng sự phát triển xã hội.
Về ngành quản trị kinh doanh, không chỉ dạy các em làm trong doanh nghiệp, mà trang bị kiến thức điều hành 1 tổ chức công ty bất kỳ. Tốt nghiệp ngành này các em có thể công tác ở tất cả các cơ quan tổ chức, kể cả ngân hàng, du lịch, thương mại và khái niệm quản trị kinh doanh rất rộng nên sinh viên quan tâm ngành nào có thể nghiên cứu sâu hơn.
- ThS Phạm Thế Vinh, Trưởng Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng Trường ĐH Tài chính - Marketing: Khối ngành kinh tế - quản trị kinh doanh còn "hot" không? Trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế ngày một sâu rộng, thì lĩnh vực quản trị trong sản xuất, nhân sự, tổ chức, kinh doanh luôn là hướng đi rất rộng mở.
Trường ĐH Tài Chính - Marketing nằm trong khối các trường ĐH đào tạo khối ngành kinh tế với 11 ngành với 27 chuyên ngành mũi nhọn trong khối quản lý kinh tế và quản trị kinh doanh, gồm: Quản trị kinh doanh, bất động sản, kinh doanh quốc tế, bất động sản, kinh doanh quốc tế, quản trị khách sạn, tài chính - ngân hàng, kế toán, hệ thống thông tin quản lý, marketing, ngôn ngữ Anh, quản trị du lịch và lữ hành, quản trị nhà hàng - ăn uống. Trong 5 năm trở lại đây, điểm thi đầu vào từ 20-23 điểm, năm 2015 từ 21 đến 22.75. Sinh viên tốt nghiệp Trường ĐH Tài chính - Marketing làm việc tại TP HCM và các tỉnh lân cận đều có việc làm.
*Xin ban tư vấn cung cấp thông tin thêm về điểm ưu tiên trong kỳ thi năm 2016?
2 diện ưu tiên: Theo khu vực và theo đối tượng, giãn cách giữa các đối tượng và khu vực ưu tiên không đổi như năm 2015, tức là giữa các đối tượng ưu tiên cách nhau 0,5 điểm và giữa các nhóm đối tượng ưu tiên là 1 điểm. Như vậy, giữa 1 học sinh được ưu tiên nhiều nhất, KV1 nhóm ưu tiền 1 so với 1 HS không được ưu tiên gì cả thuộc KV3, nhóm 3 là HS phổ thông là cách nhau 3,5 (thang điểm 10). Điều chỉnh ưu tiên trong năm 2016: HS có hộ khẩu thường trú tại các KV khó khăn được chính phủ quy định muốn được hưởng điểm ưu tiên khu vực phải có hộ khẩu thường trí ít nhất 18 tháng trong thời gian học THPT, để tránh tình trạng "chạy hộ khẩu"; thứ 2 đối với ưu tiên đối tượng, khi nhập học các em phải nộp hồ sơ minh chứng cho việc ưu tiên.
*Gia đình em khó khăn, nếu em đậu, muốn bảo lưu kết quả học tập một thời gian mới tham gia học tập lại thì được trong bao lâu?
- TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐHQG TP HCM: Có 2 cách bảo lưu: Làm bảo lưu kết quả khi chưa làm thủ tục nhập học, bằng cách trình bày lý do, hoàn cảnh..., cách 2 là làm thủ tục học tập trở thành SV của trường và làm thủ tục xin bảo lưu. Trong mọi trường học, bảo lưu chỉ có giá trị trong 1 năm.
- TS Trần Thanh Thưởng, Phó trưởng Phòng Tuyển sinh và Công tác sinh viên Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM: Trường hợp này tại Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật được giải quyết như sau: Ví dụ TS đậu vào ngành, có thời gian học 4 năm và nhà trường cho phép việc học kéo dài thêm 4 năm nữa là 8 năm nhưng khi em học tới năm thứ 2, kinh phí khó khăn, thì em vẫn có thể được bảo lưu 2 năm, nhưng thời gian bảo lưu được tính vào 8 năm đó, nên thời gian học tối đa của em chỉ còn 6 năm.
*Được biết Trường ĐH Đông Á có xây dựng một trường mới tại Trung tâm TP Đà Nẵng, vậy năm nay SV khóa mới được học ở đây chưa? Học phí có tăng cao không? Ký túc xá ở trường có thuận tiện không?
PGS-TS Lê Thị Liêm Thanh, Trưởng khoa công nghệ thực phẩm Trường ĐH Đông Á: Trường ĐH Đông Á sẽ chuyển về khu mới vào tháng 3 này, nằm ngay khu trung tâm TP ở 33 Xô Viết Nghệ Tĩnh. Tại đây, các em sẽ được học trong một môi trường hiện đại, thiết bị thực hành tiên tiến, nhiều dịch vụ hỗ trợ thiết thực cho việc học, có công viên học tập, có café sách , có khu thể thao đa chức năng để các em luyện tập ngoại khóa…. Nơi đây còn dung là nơi hội tụ lễ hội, triển lãm, các danh nhân, giao lưu SV Trường ĐH Đông Á với SV quốc tế…Các em không chỉ học tập mà còn có nhiều cơ hội tiếp cận và hội nhập. Phí ký túc xá chỉ 100.000 cho mỗi tháng.
Về học phí, trong nhiều năm qua, dù giá cả biến động, cả học phí hệ trường công cũng phải điều chỉnh tăng nhưng Trường ĐH Đông Á vẫn giữ ổn định và có nhiều ngành có học phí so với mặt bằng học phí hiện nay thấp nhất. Bên cạnh đó, nhà trường còn có các chế độ học bổng khuyến học và học bổng khuyến tài mỗi năm thực hiện trên 3 tỉ đồng, các chính sách vay vốn ngân hàng nhà trường thực hiện như các trường công lập. Ngoài ra tại ĐH Đông Á còn có các quỹ hổ trợ sinh viên lúc ốm đau bẹnh tật, những khó khăn bất trắc trong đời sống. Nhà trường luôn chia sẻ và với SV và gia đình phụ huynh.
*ĐH Tài Chính - Marketing năm 2016 xét tuyển theo tổ hợp nào?
- ThS Phạm Thế Vinh, Trưởng Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng Trường ĐH Tài chính - Marketing: Trường ĐH Tài chính - Marketing năm nay xét tuyển theo 3 tổ hợp môn thi: Khối A (Toán - Lý - Hóa), Khối A1 (Toán - Lý - Anh), D1 (Toán - Văn - Anh). Đối với 2 ngành hải quan xuất nhập khẩu và bất động sản, ở ngành hải quan xuất nhập khẩu tại Trường ĐH Tài chính - Marketing (thuộc Bộ Tài Chính) và ngành hải quan cũng thuộc Bộ Tài chính nên theo đơn đặt hàng ở nội bộ Bộ, ĐH Tài chính - Marketing đã tổ chức tuyển sinh và đào tạo ngành này. Ở các trường khác, 2 ngành này được tách riêng nhưng tại trường chúng tôi 2 ngành này gộp lại nên các bạn sẽ được học 2 khối kiến thức: 1 là về hải quan (quy trình kiểm tra, thông quan, quản lý nhà nước khi nhập vào và xuất ra khỏi Việt Nam), thứ 2 là về xuất nhập khẩu (quy trình xuất nhập, hệ thống chuyển tải hàng hóa qua quốc gia VN với các phương thức hoạt động kinh doanh quốc tế mà 2 quốc gia xác lập). Đối với ngành bất động sản, trường đang đào tạo ngành kinh doanh bất động sản, đây là ngành rất mở cho tất cả sinh viên của những năm tới. Sinh viên được cung cấp 1 số kiến thức chung về các hoạt động bất động sản, đầu tư, kinh doanh, chuyển giao, thuê và việc sắp xếp bố trí hoạt động kinh doanh để làm sao bất động sản có hiệu quả nhất. Tốt nghiệp ngành này, Sv có thể làm ở các công ty kinh doanh BĐS, công ty xây dựng nhà cửa, Sở, phòng tài chính, đặc biệt lĩnh vực ngân hàng.
Chương trình kết thúc lúc 10 giờ. Các thầy cô ban tư vấn vẫn nán lại để hướng dẫn, cung cấp thông tin cụ thể từng trường cho các thí sinh.
Giúp đỡ giáo viên mắc bệnh hiểm nghèo
Tại buổi tư vấn "Đưa trường học đến thí sinh" 2016 tại Trường THPT Sào Nam, Quảng Nam, đại diện Nhà tài trợ Công ty CP Phân bón Bình Điền trao 15 suất học bổng, mỗi suất trị giá 1 triệu đồng cho học sinh nghèo vượt khó và Trường ĐH Duy Tân trao 4 suất học bổng, mỗi suất trị giá 400.000 đồng cho các em.
Đặc biệt, toàn thể học sinh, giáo viên tại sân trường đã hết sức xúc động khi Ông Trần Đức Dũng - Giám đốc điều hành, phụ trách Đầu tư và Giáo dục Hùng Hậu kiêm Phó Chủ tịch quỹ Trái tim Hùng Hậu, chia sẻ khó khăn của một giáo viên mắc bệnh hiểm nghèo. Đó là cô giáo Dương Thị Thúy, giáo viên môn sinh học Trường THPT Nguyễn Hiền, bị ung thư máu. Được sự giới thiệu của Báo Người Lao Động, Quỹ Trái tim Hùng Hậu từ TP HCM đã trực tiếp ra tận Quảng Nam để trao số tiền 20 triệu đồng. Sáng 27-2, cô Thúy phải nằm viện lọc thận, anh Thọ (chồng cô Thúy) lên nhận thay.
Mời bạn đọc xem một số hình ảnh của chương trình:
Thí sinh đọc Báo Người Lao Động và thảo luận trước khi bắt đầu chương trình
Ông Dương Văn Quang thay mặt Báo Người Lao Động tặng hoa cho các nhà tài trợ.
Nhà tài trợ trao quà cho học sinh vượt khó học giỏi
Ông Trần Đức Dũng - Phó Chủ tịch Tập đoàn Hùng Hậu tặng số tiền 20 triệu cho cô giáo bị ung thư. Trong hình là chồng cô giáo đại diện nhận tiền
Nhà tài trợ:
Bình luận (0)