xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Gần hơn với đề thi đại học

YẾN ANH – HUY LÂN – ĐẶNG TRINH

Ngày 3-6, thí sinh tiếp tục dự thi môn toán (bắt buộc), hóa học và địa lý (tự chọn). Đề thi không đánh đố, gần hơn với độ khó của đề thi ĐH nhưng nhiều thí sinh có thể đạt điểm trên trung bình

Sau môn thi toán, thí sinh (TS) Nguyễn Văn Bảo, dự thi tại Hội đồng thi Trường THCS Nguyễn Huệ (TP Đà Nẵng), cho hay đề toán không mang tính chất đánh đố, TS ôn tập kỹ thì sẽ dễ đạt điểm tuyệt đối. Theo TS Quỳnh My - lớp 12D3, Trường THPT Marie Curie, TP HCM - đề toán khá dễ, câu hỏi không lắt léo nên em tự tin đạt điểm cao.

Toán: Đề thi phân loại tốt

Thầy Trần Mạnh Tùng, Trường THPT Lương Thế Vinh - Hà Nội, cho rằng đề toán nằm trong chương trình 12, mức độ vừa phải, phù hợp với học sinh. Câu 1 khảo sát hàm số quen thuộc, hàm đơn giản. Câu 2 giải phương trình logarit bằng cách đưa về cùng cơ số rồi đặt ẩn phụ không gây khó khăn nhưng ý 2 của câu 2 tìm giá trị lớn nhất và giá trị nhỏ nhất của hàm số cũng khá phức tạp vì chứa căn bậc hai. Nhiều TS đặt điều kiện hoặc tính đạo hàm không cẩn thận sẽ mất điểm. Câu 4 về hình học đòi hỏi tính toán nhiều. Câu 5 tìm tọa độ điểm bằng cách giải hệ phương trình 3 ẩn 3 phương trình đòi hỏi tính toán nhiều và có tính phân hóa.

Thí sinh tại Hội đồng thi Trường THCS Lý Phong (TPHCM) sau môn thi địa lý chiều 3-6 Ảnh: TẤN THẠNH
Thí sinh tại Hội đồng thi Trường THCS Lý Phong (TPHCM) sau môn thi địa lý chiều 3-6 Ảnh: TẤN THẠNH

Thầy Nguyễn Hữu Thiêm - Tổ trưởng tổ toán, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phòng (Nam Định) - đánh giá đề thi toán chính xác, khoa học, phân loại tốt, phù hợp với chương trình học và ôn tập. Với sức học trung bình, chỉ cần nắm chắc kiến thức cơ bản, TS cũng có thể được 5-6 điểm, học lực khá có thể được 7-8 điểm.

Thạc sĩ Lý Lâm Hùng, giáo viên toán Trung tâm Luyện thi Miền Đông - Sài Gòn, cho rằng đề toán năm nay có phần khó hơn năm ngoái. Để làm được điểm cao (từ 7 điểm trở lên) thì đòi hỏi TS phải nắm vững kiến thức cơ bản, có khả năng tư duy logic và kỹ năng phân tích cao. Đa số TS sẽ đạt khoảng 6 điểm. Tiến sĩ Nguyễn Phú Vinh, giảng viên Trường ĐH Công nghiệp TP HCM, cho rằng đề thi năm nay khó hơn mọi năm, độ khó tiếp cận với các đề thi ĐH. Do đó, học sinh trung bình mọi năm có thể đạt 7-8 điểm nhưng năm nay chỉ đạt từ 5-6 điểm. Đây cũng là cách tốt để TS làm quen và không bị hụt hẫng khi thi ĐH.

Hóa học: 2/3 thời gian có thể hoàn thành

Theo thầy Bùi Anh Khoa, giáo viên Trung tâm Luyện thi ĐH Miền Đông - Sài Gòn, đề thi môn hóa tương đương với các năm trước, không đánh đố, TS chỉ cần khoảng 40 phút là làm xong. Tuy nhiên, trong đề có khoảng 5-6 câu kiến thức tương đương độ khó của đề thi ĐH. Thầy Khoa nhận định đề đưa ra các tình huống rất thực tế với cuộc sống như câu hỏi về bảo vệ ống thép, cách xử lý chất thải có tính axít... Với đề thi này, đa phần học sinh sẽ đạt điểm trên trung bình (6 điểm).

Thầy Võ Duy Thái, giáo viên Trường THPT Vĩnh Viễn (TP HCM), cũng nhận định đề thi môn hóa năm nay khó hơn các năm trước. Đề có 32 câu lý thuyết và 8 câu bài toán. Lý thuyết có khoảng 5 câu đòi hỏi TS phải có kỹ năng suy luận, ở mức độ khó tương đương với đề thi CĐ. Đề thi có tính phân hóa rõ trình độ học sinh các mức độ trung bình, khá, giỏi. Với đề thi này, số lượng TS đạt điểm 10 có thể giảm so với các năm trước, học sinh trung bình có thể dễ dàng đạt từ 5-7 điểm.

Địa lý: Như dự đoán

Nhiều TS cũng hào hứng cho rằng đã dự đoán vấn đề biển đảo sẽ được đưa vào đề thi địa lý nên không bất ngờ khi đề thi có nội dung này.

Theo thạc sĩ Nguyễn Hoài Anh, giáo viên Trung tâm Luyện thi ĐH Miền Đông - Sài Gòn, đề thi năm nay khá phù hợp. Câu hỏi về biển đảo mang đậm tính thời sự và có ý nghĩa tuyên truyền về chủ quyền biển đảo. Vấn đề này đã có trong chương trình nên học sinh chăm chỉ ôn luyện thì có thể làm tốt. “Điểm thi sẽ cao hơn năm trước, phổ điểm trung bình khoảng 6-7” - thạc sĩ Hoài Anh dự đoán.

Thầy Phan Thành Danh, giáo viên Trường THPT Nhân Việt (TP HCM), nhận xét đề thi môn địa lý ra theo hướng mở để học sinh có thể sáng tạo và liên hệ với tình hình thực tế, thời sự của đất nước để làm bài. “Cách ra đề sáng tạo như thế này giúp học sinh chấm dứt cách học vẹt, phụ thuộc vào sách giáo khoa, hình thành tư duy hệ thống lại bài học và gắn các bài học với tình hình thực tế” - thầy Danh khái quát.

Nhiều thí sinh bỏ thi, xin bảo lưu điểm

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cho biết trong buổi thi môn toán, có 4 TS, môn hóa có 1 TS, môn địa có 1 TS phạm quy chế, bị đình chỉ thi do mang điện thoại, tai nghe bluetooth vào phòng thi. Môn toán có 908.109 TS dự thi, đạt tỉ lệ 99,77%; môn hóa có 522.888 TS dự thi, đạt tỉ lệ 99,81%; môn địa lý có 327.701 TS dự thi, đạt tỉ lệ 99,64% so với số đăng ký dự thi.

Theo Sở GD-ĐT Hà Nội, kỳ thi diễn ra an toàn, đúng quy chế, chỉ có 2 TS bị đình chỉ thi tại hội đồng thi Dương Xá, Gia Lâm. Tuy nhiên, số TS bỏ thi ngày 3-6 khá nhiều. Môn toán có 145 TS bỏ thi, trong đó 82 TS bị ốm; môn hóa có 35 TS bỏ thi do bị ốm, 17 TS vắng không rõ lý do; môn địa có 36 TS bị ốm, 49 TS nghỉ không rõ lý do.

Tại TP HCM, môn toán vắng 59 TS hệ THPT; hệ GDTX vắng 250. Môn hóa hệ THPT vắng 38; hệ GDTX vắng 235. Theo ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM, ở hệ GDTX có nhiều TS vắng không phải do đau ốm, tai nạn mà chủ yếu được bảo lưu môn thi. Ở môn địa lý, hệ THPT có 8.073 TS thi, vắng 9 TS; hệ GDTX có 2.739 TS thi, vắng 88. Toàn TP có một vài hội đồng thi không có TS môn địa.

Sở GĐ-ĐT An Giang cho biết trong buổi thi môn địa lý và hóa học, toàn tỉnh có gần 13.100 TS tham gia dự thi ở cả 2 hệ THPT và GDTX. Tổng số TS xin bảo lưu điểm và bỏ thi là 193, trong đó hệ GDTX có 144 TS xin bảo lưu điểm và 26 TS bỏ thi vì lí do khác. Riêng hệ THPT chỉ có 6 TS bỏ thi ở 2 môn thi.

Theo Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng, môn toán có 16 TS vắng thi, môn hóa vắng 2 TS và môn địa vắng 11 TS. Đà Nẵng cũng không xảy ra hiện tượng vi phạm quy chế ở TS lẫn giám thị coi thi.

Th. Vân - B.Vân - N.Thiết

 

Một thí sinh bị ngất khi làm bài

Đang làm bài thi môn hóa, một TS của Hội đồng thi Trường THPT Hàm Rồng (Thanh Hóa) đã bị ngất. Theo ông Dương Đình Hoán - Phó trưởng Phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Sở GD-ĐT Thanh Hóa - trong trường hợp TS bị ốm đột xuất, nếu không thể tiếp tục làm bài thi thì sẽ được xem xét đặc cách.

Theo ông Hoán, thời tiết những ngày này ở Thanh Hóa rất oi bức, nắng nóng từ sáng sớm. Sở GD-ĐT đã yêu cầu các hội đồng thi bố trí nơi nghỉ ngơi cho TS và phụ huynh khi chờ đợi giữa các buổi thi.

Gần 50 tuổi vẫn quyết lấy bằng tốt nghiệp

img

Gần 50 tuổi nhưng TS Nguyễn Sơn Tùng (SN 1968) - nhân viên bảo vệ, học viên Trung tâm GDTX Thanh Xuân (Hà Nội) - vẫn quyết tâm lấy tấm bằng tốt nghiệp tú tài. Ông Tùng cho biết do bệnh tật nên phải nghỉ học giữa chừng từ năm lớp 11. Mãi đến tận năm 2011, ông mới đến học tại Trung tâm GDTX Thanh Xuân. Mong muốn của TS đặc biệt này là sau khi tốt nghiệp sẽ đi học nghề. Ước muốn này của ông được vợ con (con ông Tùng đã học ĐH năm thứ 2) rất ủng hộ.

Cảnh sát giao thông đưa TS đến trường thi

img

Đang trên đường đi thi tốt nghiệp môn toán sáng 3-6, TS Nguyễn Phương Nam, học lớp 12 Trường THPT Hồ Tùng Mậu (Hà Nội), bất ngờ bị tai nạn giao thông tại ngã tư Phan Kế Bính - Liễu Giai. Phát hiện vụ tai nạn, thượng úy Nguyễn Tuấn Cường, Đội phó Đội CSGT số 2 (Phòng CSGT - Công an TP Hà Nội), cùng tổ công tác trên đường tuần tra đã lập tức liên lạc với 2 chiến sĩ của đội CSGT số 2 đến giải quyết. Tuy bị xây xát nhưng Phương Nam vẫn đủ sức khỏe đi thi, em đã được các chiến sĩ CSGT đưa đến trường thi kịp thời.Y.Anh

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo