Trong năm học này, TP Hà Nội dự kiến sẽ bổ sung 2.361 biên chế viên chức giáo viên (GV), trong đó có 600 GV tiểu học, 1.309 GV THCS, 452 GV THPT. Địa phương này đang thông báo tuyển dụng 452 biên chế GV ngay trong tháng 11-2022.
Bị động nguồn tuyển dụng
Năm học 2022-2023, quận Hoàng Mai (TP Hà Nội) có số học sinh (HS) tăng gần 3.800 so với năm ngoái. Nếu bảo đảm đúng quy định về số HS/lớp theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) thì Hoàng Mai hiện còn thiếu 36 trường (mầm non 22 trường, tiểu học 13 trường, THCS 1 trường). Trong khi đó, nếu so với chỉ tiêu biên chế được giao năm 2022 thì toàn quận thiếu 214 người (169 GV, 45 nhân viên). Nếu so với quy định của Bộ GD-ĐT thì Hoàng Mai còn thiếu 951 người, trong đó thiếu 790 GV và 161 nhân viên.
Theo UBND TP Hà Nội, năm học 2021-2022, tổng số viên chức ngành giáo dục của TP Hà Nội còn thiếu so với định mức mà Bộ GD-ĐT quy định là 7.134 biên chế. Năm học 2022-2023, số viên chức ngành giáo dục còn thiếu so với định mức là 3.131. Như vậy hiện thành phố thiếu 10.265 biên chế viên chức, trong đó số GV thiếu của bậc tiểu học là 3.436 người, bậc THCS là 3.135 người, bậc THPT là 1.311 người.
Báo cáo mới nhất của Sở GD-ĐT TP HCM cho thấy trong năm học 2022-2023, cả 4 bậc học, từ mầm non đến THPT tại thành phố còn thiếu 5.939 GV theo biên chế. Trong đó, bậc THCS thiếu nhiều nhất với 2.467 người.
Thiếu giáo viên ở tất cả các cấp học đang khiến ngành giáo dục phải chắp vá nguồn lực để bảo đảm có giáo viên dạy đủ tiết Ảnh: TẤN THẠNH
Không chỉ Hà Nội, TP HCM mà tình trạng thiếu GV đang diễn ra trên khắp cả nước. Bộ GD-ĐT thừa nhận tỉ lệ GV/lớp chưa đáp ứng yêu cầu theo quy định của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Đáng chú ý là thiếu GV tiếng Anh, tin học (ở cấp tiểu học) và thiếu GV âm nhạc, mỹ thuật (bậc THPT). Một số địa phương còn bị động về nguồn tuyển dụng. Cả nước đang thiếu hơn 100.000 GV. Trong năm 2022, các địa phương cần tuyển thêm hơn 27.000 chỉ tiêu biên chế và từ nay đến năm 2025 là 64.000 biên chế.
Tại Cà Mau, năm học 2022-2023, khi tiếng Anh, tin học trở thành môn học bắt buộc từ lớp 3, tỉnh này thiếu khoảng 100 GV dạy tin học nhưng lại không thể tuyển vì không có biên chế. Trước mắt, tỉnh phải liên kết với các trường dạy nghề để hợp đồng có thời hạn GV dạy bộ môn này. Trong khi đó, theo ông Trần Quang Bảo, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Kiên Giang, năm học 2022-2023, tỉnh thiếu 281 GV, chủ yếu cho môn tin học, ngoại ngữ, âm nhạc, mỹ thuật, tiếng dân tộc… Các năm học tiếp theo, tỉnh cần hơn 1.200 bổ sung biên chế.
Ông Bùi Đình Long, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, cho biết trong năm học 2022-2023, Nghệ An vẫn thiếu trên dưới 6.000 GV. Với tình trạng này, việc triển khai và bảo đảm chất lượng Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018 sẽ gặp nhiều khó khăn. Năm học 2022-2023, Thanh Hóa thiếu 10.276 GV các cấp học (tỉ lệ thiếu 19%) theo quy định của Bộ GD-ĐT…
Tuyển đã khó, GV lại còn bỏ việc
Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn, năm 2022, cả nước có 16.000 GV bỏ việc, bình quân cứ 100 nhà giáo thì 1 người ra khỏi ngành. Lý do là quá áp lực nên nhiều GV muốn rời bục giảng. Hiệu trưởng một trường THCS đóng tại quận Cầu Giấy, Hà Nội cho hay từ năm học 2021-2022, khi Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 bắt đầu áp dụng với lớp 6, tình trạng thiếu GV của trường thêm trầm trọng vì có thêm các môn học, hoạt động mới. Với chương trình này, GV toán phải dạy cả tin học, GV văn dạy nội dung giáo dục địa phương hay hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp. Việc thiếu GV khiến nhà trường phải chịu áp lực nhiều phía, vừa vận động, thuyết phục để GV dạy quá tiết theo quy định, có trường hợp phải dạy hơn 20 tiết/tuần (trong khi quy định tối đa là 18-19 tiết/tuần), vừa phải lo bảo đảm chất lượng.
Một GV chia sẻ nếu lâu dài phải dạy hết các phân môn trong môn tích hợp thì GV này sẽ xin nghỉ việc. Nếu yêu cầu GV lịch sử phải dạy cả địa lý thì không chỉ gây áp lực cho GV mà còn coi nhẹ chất lượng giáo dục. Không thể chỉ bồi dưỡng 3-4 tháng là có thể dạy thêm được một môn học.
Tại Bình Dương, từ tháng 1-2021 đến tháng 4-2022, đã 527 GV nghỉ việc, phần lớn vì thu nhập chưa bảo đảm cuộc sống. Bà Nguyễn Thị Nhật Hằng, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bình Dương, cho hay năm học 2022-2023, Bình Dương tăng 11 trường, trong đó 1 THCS và 10 mầm non ngoài công lập. Số HS dự kiến tăng 29.000, tập trung tại các địa bàn có nhiều khu công nghiệp. Để theo kịp mức tăng của sĩ số HS, Bình Dương cần tuyển bổ sung hơn 3.000 GV, trong đó tiểu học cần 1.200 người, THCS 1.300, THPT 118 và mầm non 465. Bên cạnh đó, tỉnh cũng thiếu hơn 500 viên chức trong ngành giáo dục.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM, cho hay thành phố thiếu GV dạy Chương trình Giáo dục phổ thông mới, đặc biệt ở một số môn học hoàn toàn không có GV. Theo ông Hiếu, Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 quy định bậc THPT có 2 tiết mỹ thuật, âm nhạc mỗi tuần. Tuy nhiên, hiện nay TP HCM không có GV giảng dạy các môn này. Hiện chỉ có các trường THCS có giáo viên nhạc, họa, các trường THPT hầu như không có. Việc thiếu GV âm nhạc, mỹ thuật bậc THPT xuất phát từ việc các trường đại học chưa đào tạo ngành này cho bậc THPT.
Rối và không đủ kinh phí
Ở bậc THPT, đây là năm học đầu tiên thực hiện chương trình mới. Theo chia sẻ của nhiều cơ sở giáo dục, chưa khi nào các trường rơi vào tình trạng phải "chắp vá" nguồn GV như hiện nay. Lý do là vì thiếu GV dạy các môn mỹ thuật, âm nhạc. Tại thời điểm khi HS bắt đầu chọn các tổ hợp môn, nhiều trường THPT "rối như canh hẹ" khi HS chọn tổ hợp mà trường không có khả năng giảng dạy chỉ vì thiếu GV. Ngoài tư vấn cho HS, nhiều cơ sở giáo dục chọn phương án chắc chắn hơn là chỉ tổ chức dạy những tổ hợp môn có thể thực hiện.
Bà Vũ Thị Ngọc Dung, Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1, TP HCM), thông tin: Trong năm đầu tiên, trường chỉ dạy mỹ thuật; khi làm tốt một môn mới có nhiều kinh nghiệm để giảng dạy thêm môn âm nhạc. "Nhà trường tính đến phương án mời GV dạy tiểu học nhưng có bằng ĐH về dạy âm nhạc để có sự bài bản, chuyên nghiệp và bắt đầu từ năm học sau mới thực hiện" - bà Dung nói. Trong khi đó, cũng có nhiều trường xác định nguồn tuyển cực kỳ khó khăn nên chọn giải pháp không triển khai ngay từ đầu để HS quyết định.
Không riêng gì bậc THPT, ở bậc tiểu học, khi Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 triển khai, quy định tiếng Anh, tin học là môn học bắt buộc từ lớp 3, hàng loạt trường tiểu học tại TP HCM gánh thêm nỗi lo không thể tuyển GV vì không có kinh phí để tuyển. Không những không có kinh phí, nguồn GV tiếng Anh dạy tiểu học cũng gần như không có trong nhiều năm.
Quận 4 (TP HCM) là một trong những quận triền miên thiếu GV tiếng Anh, điển hình là Trường Tiểu học Đinh Bộ Lĩnh và Trường Tiểu học Đống Đa. Bà Phạm Thúy Hà - Phó Phòng GD-ĐT quận, phụ trách giáo dục tiểu học - thông tin năm học 2022-2023, quận thiếu 15 GV tiếng Anh và tin học. "Hai năm nay, quận không tuyển được dù chỉ một GV tiếng Anh" - bà Hà nói.
Theo bà Hà, trước đây nguồn kinh phí để chi trả cho GV hợp đồng từ nguồn thu tự nguyện của phụ huynh, kinh phí xã hội hóa. Nhưng bắt đầu từ năm nay, thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông mới 2018, môn tiếng Anh bắt buộc từ lớp 3 với 4 tiết/tuần. Như vậy, mỗi GV phải dạy ít nhất 4 tiết miễn phí từ lớp 3 trở lên. Trước đây các trường được thu tiền đã không thể tuyển được GV nhưng nay không được thu thì các cơ sở giáo dục không biết lấy kinh phí từ đâu để thu hút GV tiếng Anh.
Tuyển không được lại còn phải cắt giảm
Khó khăn trong thiếu GV nhưng TP HCM cũng như các địa phương vẫn phải thực hiện giảm biên chế, đây là nghịch lý khiến ngành giáo dục gặp thêm sức ép. Tại buổi khảo sát về tình hình thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13 và Nghị quyết 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trên địa bàn TP HCM giai đoạn 2020-2022 cùa Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM, mới đây, ông Nguyễn Hải Hiệu, đại diện Sở Nội vụ TP HCM, nhận định chỉ tính riêng số HS TP HCM năm học 2022-2023 là hơn 1,6 triệu HS. HS ngày càng tăng nhưng phải giảm biên chế sự nghiệp giáo dục là không hợp lý. "Năm học 2022-2023, toàn thành phố có hơn 1,6 triệu HS, lớn hơn dân số của một tỉnh, thành phố đòi hỏi nguồn lực cơ sở vật chất phải mở rộng. Trước thực tế đó, các cấp quản lý cần có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho địa phương" - ông Hiệu nói.
Kỳ tới:
Bình luận (0)