Tại TP HCM, ông Trịnh Vĩnh Thanh, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) quận Gò Vấp, cho biết số lượng giáo viên (GV) dạy tiếng Anh và tin học còn thiếu, quá trình tuyển dụng gặp khó khăn do ít ứng viên tham gia.
Không mặn mà do thu nhập quá thấp
Nguyên nhân khó tuyển GV là do thu nhập rất thấp, nhất là GV mới ra trường, nên họ không tham gia dự tuyển. Như bậc mầm non, sau đại dịch COVID-19, nhiều GV chuyển công tác sang trường tư để có thu nhập cao hơn. Bà Hoàng Thị Thu, Hiệu trưởng Trường THCS Gò Vấp, cho biết trường còn thiếu GV ở các bộ môn ngữ văn, lịch sử, toán, sinh học, âm nhạc và thể dục. Trong đó, đội ngũ GV chưa đồng bộ về cơ cấu bộ môn, các GV được phân công giảng dạy các môn tổ hợp (khoa học tự nhiên, lịch sử, địa lý), các môn và hoạt động giáo dục mới (hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp, giáo dục địa phương) gặp nhiều khó khăn do chỉ được đào tạo đơn môn hoặc phải dạy kiêm nhiệm những môn mới chưa được đào tạo chính quy.
Ứng viên tham gia tuyển dụng giáo viên năm 2022 tại TP HCM .Ảnh: ĐẶNG TRINH
Tại quận 6, ông Lưu Hồng Uyên, Trưởng Phòng GD-ĐT quận, cho hay để đáp ứng chương trình mới thì còn thiếu GV tiếng Anh và tin học. Hiện quận còn một trường tiểu học chưa tuyển được GV tiếng Anh và 7 trường thiếu GV tin học. Thậm chí, một số trường có kế hoạch tuyển dụng nhưng không có GV ứng tuyển. Việc học nâng chuẩn lên đại học (ĐH) để theo đúng quy định ở một số bộ môn còn gặp khó khăn vì phải chờ đủ số lượng đăng ký mới mở được lớp.
Tình trạng tương tự tại quận Tân Phú, TP HCM, theo ông Phan Sĩ Đạt, Trưởng Phòng GD-ĐT quận này, Tân Phú thiếu nhiều GV tiếng Anh, lý do là GV thường "né" cấp tiểu học dù trường có biên chế vì thời gian dạy không linh động như các cấp học khác. "Chưa kể dạy tiểu học đòi hỏi có bằng ĐH sư phạm, trong khi với trình độ này, dạy ở bên ngoài có thu nhập cao hơn rất nhiều" - ông Đạt lý giải.
Vì sao TP HCM luôn gặp phải tình trạng thiếu GV? Ông Võ Văn Thật, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sài Gòn, nêu thực trạng sinh viên sư phạm tiếng Anh ra trường đi làm ở công ty, nhất là công ty nước ngoài, được trả lương bằng USD, sinh viên ngành công nghệ thông tin cũng vậy, nên họ chọn đi làm bên ngoài chứ không tha thiết đi dạy. Thậm chí, khi mở các lớp bồi dưỡng chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm cho sinh viên các ngành ngoài sư phạm để đi dạy thì các ngành khác dễ mở nhưng 2 ngành này không có người học.
Ông Cao Anh Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP HCM, cho rằng nhiều sinh viên ra trường không "mặn mà" với việc đi dạy, một phần do thu nhập thấp, chưa thu hút. Đặc biệt, ngành tin học và tiếng Anh là 2 ngành rất khó tuyển GV dù hằng năm trường vẫn đào tạo nhưng sau khi ra trường thì ngoài đi dạy, các em có nhiều cơ hội việc làm khác với mức lương cao hơn. Mỗi năm, trường chỉ đào tạo khoảng 40 chỉ tiêu ngành sư phạm ngoại ngữ và 30 chỉ tiêu sư phạm tin học nhưng chưa chắc khi ra trường các em sẽ làm GV.
Các trường sư phạm nói gì?
Theo quy định hiện hành, GV THCS, THPT phải có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo GV hoặc bằng tốt nghiệp ĐH sư phạm. Nếu không, GV cần có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp với môn dạy, đồng thời có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm. Các trường ĐH có ngành đào tạo GV đều chia thành các chuyên ngành tuyển sinh cụ thể - như sư phạm toán, sư phạm lý, sư phạm hóa - chứ không đào tạo cùng lúc nhiều môn thuộc khối tự nhiên hay xã hội. Khi Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 được thông qua, các trường mới bắt đầu mở các ngành mới như sư phạm khoa học tự nhiên, sư phạm lịch sử - địa lý để dạy tích hợp.
Ông Võ Văn Thật cho biết năm 2019, trường mới bắt đầu tuyển các ngành sư phạm khoa học tự nhiên, sư phạm lịch sử - địa lý. Năm 2023 mới có lớp GV đầu tiên đáp ứng yêu cầu môn học mới. Năm đầu tiên trường tuyển đủ 30 chỉ tiêu cho mỗi môn, như vậy đến năm 2023, cử nhân ra trường sẽ có khoảng 60 GV cho 2 môn mới này. Cùng với đó, trường cũng xây dựng chương trình bồi dưỡng GV để thực hiện chương trình mới. Đến nay, trường đã bồi dưỡng cho gần 5.000 lượt GV.
Trong khi đó, theo ông Cao Anh Tuấn, năm 2019, trường mới tuyển khóa đầu tiên đào tạo sư phạm cho các môn tích hợp khoa học tự nhiên, lịch sử và địa lý theo yêu cầu của Chương trình Giáo dục phổ thông mới, với khoảng 100 sinh viên cho cả 2 ngành. Như vậy, đến tháng 9-2023, sinh viên khóa học đầu tiên này mới ra trường, đi dạy. Riêng ngành sư phạm công nghệ bắt đầu tuyển sinh từ năm nay.
ThS Lê Phan Quốc, Phó trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP HCM, cho biết trường là trung tâm đào tạo GV lớn ở khu vực phía Nam nhưng mỗi năm chỉ có 1.500 - 1.700 sinh viên sư phạm tốt nghiệp ở 17-18 ngành đào tạo, như vậy là không nhiều. Tuy nhiên, đại diện Trường ĐH Sư phạm TP HCM cho rằng chỉ tiêu tuyển sinh hằng năm được Bộ GD-ĐT phê duyệt dựa trên nhu cầu tuyển dụng GV.
Nghị định 116/2020/NĐ-CP ngày 15-9-2020 của Chính phủ có nội dung về việc các địa phương hằng năm phải xác định nhu cầu tuyển dụng và đào tạo GV tại địa phương của từng trình độ, cấp học, ngành học, môn học cho năm tuyển sinh, đặt hàng đào tạo… nhưng đến nay chỉ mới có 2 địa phương đặt hàng đào tạo GV là tỉnh Long An và Ninh Thuận. Nổi bật trong đặt hàng của 2 địa phương này là đào tạo GV tiểu học có năm lên tới 500 chỉ tiêu. ThS Lê Phan Quốc cho rằng Chương trình Giáo dục phổ thông mới đã có nhiều năm chuẩn bị trước khi đi vào triển khai nên không thể nói là vì bất ngờ mà các địa phương không tuyển đủ do thiếu nguồn. Vấn đề là nếu từng địa phương sớm có kế hoạch tuyển dụng GV cụ thể ở từng bậc học, môn học… cho lộ trình 4 năm hoặc xa hơn thì nguồn tuyển sẽ không thiếu.
Trường ĐH Cần Thơ có 13 ngành đào tạo GV nhưng mỗi năm chỉ tuyển được vài trăm sinh viên. Theo ThS Nguyễn Hứa Duy Khang, Phó trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Cần Thơ, việc xác định nhu cầu tuyển dụng GV luôn là điểm nghẽn không chỉ trước kia mà ngay cả khi có Nghị định 116. Theo ông Khang, thực tế ở trường, năm 2021 có 2 tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long đặt hàng đào tạo GV, mỗi tỉnh khoảng 150 GV, nhưng đến nay hợp đồng đào tạo vẫn chưa hoàn tất, sinh viên diện đặt hàng chưa nhận được tiền sinh hoạt phí, thua thiệt so với sinh viên diện không được đặt hàng…
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 26-10
Kỳ tới:
Bộ GD-ĐT lý giải thế nào?
Liên quan việc thiếu GV, chiều 27-10, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại Quốc hội cho biết theo tính toán, đến năm 2026 cần bù đắp, bổ sung đến 107.000 GV. Con số này có thể còn biến động trước tình hình GV nghỉ việc.
Theo lý giải của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, thiếu GV do nhiều nguyên nhân. Nếu vào năm học mới tháng 9-2015, tổng số học sinh là trên 19 triệu thì tới tháng 9-2022, số học sinh đã trên 23 triệu. Trong khi đó, số GV vào tháng 9-2015 có hơn 1,1 triệu cho bậc mầm non đến phổ thông và đến tháng 9-2022 có hơn 1,2 triệu GV. Như vậy, số GV nhích thêm hơn 100.000, trong khi số học sinh tăng hơn 3 triệu. Đây là thiếu do tăng dân số tự nhiên. Bên cạnh đó, việc triển khai một số môn học mới trong chương trình giáo dục phổ thông đã dẫn đến tình trạng thiếu trầm trọng GV các môn mới. Thống kê cho thấy đến năm 2025 - 2026 thiếu 26.228 GV cho các môn học này.
Để khắc phục tình trạng thiếu GV, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết Bộ Chính trị đã duyệt giao cho ngành giáo dục hơn 65.000 chỉ tiêu biên chế GV từ nay đến năm 2026, riêng năm 2022 hơn 27.000 GV. "Có 65.000 chỉ tiêu tuyển dụng đến năm 2026 nhưng mong ngành nội vụ phối hợp với ngành giáo dục để dồn chỉ tiêu này cho năm 2023 và 2024. Bởi đây là các năm nhu cầu GV cho các môn học mới rất lớn và nếu sau năm 2024, khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới xong thì việc tuyển dụng không còn nhiều ý nghĩa. Các địa phương cần tuyển ngay, tránh tình trạng để dồn 2-3 năm mới tuyển" - Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.
Nghịch lý hiện nay là dù thiếu chỉ tiêu nhưng các địa phương còn tồn đọng hơn 10.000 chỉ tiêu chưa tuyển dụng. Người đứng đầu ngành giáo dục đề nghị các địa phương vừa tuyển dụng mới vừa tuyển dụng số tồn đọng này.
Trước tình trạng nhiều GV bỏ việc, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đề nghị cần tăng lương cho GV, điều chỉnh phụ cấp ưu đãi cho GV bậc mầm non. Hiện nay, phụ cấp ưu đãi của GV mầm non đang tính 35%, tốt nhất là tăng phụ cấp ưu đãi cho GV mầm non tương tự phụ cấp ưu đãi của y tế cấp cơ sở; nếu không, tối thiểu cũng tăng từ 35% lên 70%, ngang với mức ưu đãi cũ của y tế cơ sở.
Một chính sách nữa để giải quyết thiếu GV đó là cân nhắc việc giảm biên chế 10%. Người đứng đầu ngành giáo dục đề nghị các địa phương giám sát, thanh tra, kiểm tra việc tuyển dụng bảo đảm công khai, công bằng, tránh phát sinh tiêu cực. Đồng thời, tăng cường dùng ngân sách địa phương để ký các hợp đồng với GV không thuộc các chỉ tiêu biên chế. Hiện còn thiếu căn cứ pháp lý cho việc này. Bộ GD-ĐT đang phối hợp với các bộ, ngành để có cơ chế cho các địa phương thực hiện nội dung này.
Yến Anh
Bình luận (0)