Một ngày giữa tháng 6-2021, tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM (nơi điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng), thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Phương Hải (32 tuổi), giảng viên Khoa Nhiễm, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, đi thăm khám bệnh nhân mắc Covid-19 nặng như thường lệ.
Nén đau hỗ trợ F0 khẩn cấp
Đang theo dõi bệnh nhân nặng thở máy ở Khoa Hồi sức Covid-19 tại tầng 1, điện thoại trong túi anh đổ chuông, đầu dây bên kia giọng đồng nghiệp nói nhanh "tầng 5 có F0 trở nặng cần đặt nội khí quản, nhờ anh lên ngay". Quơ vội túi cấp cứu, ôm chặt trước ngực, anh Hải chạy bộ 5 tầng lên đến phòng bệnh.
Sau khi bác sĩ Hải đặt ống nội khí quản, kết nối máy thở thành công, bệnh nhân thoát cơn suy hô hấp cấp, tạm ổn và được đưa tới Khoa Hồi sức Covid-19, điều trị chuyên sâu. Đây là một trong số hàng trăm F0 cần anh hỗ trợ khẩn cấp trong suốt 6 tháng tham gia tình nguyện ở Khoa Hồi sức Covid-19 Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM.
Trong những tháng đầu tiên, dịch bùng phát mạnh, F0 trở nặng nhiều, anh Hải và đồng nghiệp phải mặc đồ bảo hộ cấp 4 gần như cả ngày, thường xuyên mang theo túi cấp cứu nặng khoảng 4 kg (gồm thuốc, bóng giúp thở, dụng cụ đặt nội khí quản, máy nhồi tim...) chạy lên xuống 5 tầng lầu thường xuyên. Có lần chạy vội quá, anh ngã vấp chân vào bậc thang, trật khớp vẫn cố nén đau đến bên người bệnh.
Thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Phương Hải - giảng viên Khoa Nhiễm, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch (bìa phải) - cùng đồng nghiệp ra dấu hiệu “chiến thắng” khi vừa cứu sống một bệnh nhân Covid-19 nguy kịch
Nhiệm vụ chính của bác sĩ Hải là trực tiếp điều trị cho bệnh nhân nặng, nguy kịch phải thở máy, thở HFNC (thở ôxy lưu lượng cao), đặt nội khí quản, lọc máu, chạy ECMO (hệ thống tuần hoàn ngoài cơ thể)... Đỉnh điểm, có ngày Khoa Hồi sức tiếp nhận 35 bệnh nặng. Trong 12 giờ làm việc, anh Hải và đồng nghiệp đứng liên tục, theo dõi sát bệnh nhân từng giây, từng phút. Bởi họ hiểu chỉ cần một phút giây không tập trung, bệnh nhân có thể nguy kịch, tử vong ngay. Các ca trực đêm dài 12 giờ, cả kíp trực không ai dám chợp mắt.
"Tháng 7, 8 vào đỉnh dịch, tôi cùng đồng nghiệp làm việc nhiều hơn 12 giờ, đến khoa từ sáng sớm và rời khỏi lúc tối muộn. Công việc thực sự áp lực và căng thẳng, quá tải và kiệt sức. Nhất là khi chứng kiến bệnh nhân tử vong dù mình đã cố gắng làm tất cả những gì có thể, tôi không thể chịu nổi, cứ tự hỏi liệu mình có làm sai gì không và đã làm tốt nhất chưa. Tôi không ngủ được nhiều đêm" - anh Hải tâm sự về quãng thời gian mệt mỏi nhất sự nghiệp.
Cứu người không chỉ là chuyện kể...
Vào hỗ trợ TP HCM chống dịch cuối tháng 8-2021, bác sĩ - giảng viên Trần Hoàng Hiệp (42 tuổi), Phó trưởng Phòng Đào tạo, Trường CĐ Y tế Bạch Mai, cùng 852 giảng viên, sinh viên của trường đã tạm dừng mọi hoạt động giảng dạy. Đến đầu tháng 10-2021, khi tình hình dịch ở TP HCM ổn định, anh Hiệp cùng đồng nghiệp mới rời khỏi TP HCM quay về Hà Nội tiếp tục dạy và học.
Anh Hiệp cho biết giai đoạn đầu thực hiện nhiệm vụ ai cũng căng thẳng vì đây là cuộc chiến chưa có tiền lệ, mọi người gặp nhiều khó khăn, bị động khi làm việc. Nhưng chỉ vài ngày sau, anh em - thầy trò động viên, chỉ bảo nhau, mọi việc đã vào guồng và chạy trơn tru. Không may, trong quá trình tác nghiệp, hơn 20 sinh viên y khoa trong đoàn phơi nhiễm Covid-19, anh Hiệp hết lòng chăm sóc, điều trị, giúp các em hồi phục.
Với riêng mình, những lúc nhớ nhà, nhớ vợ con, anh tranh thủ gọi về khoảng 5-10 phút, rồi lại tiếp tục quay lại với công việc. Giữa cuộc chiến, anh nói "không còn biết đến giờ giấc, ngày đêm".
Bác sĩ - giảng viên Trần Hoàng Hiệp - Phó trưởng Phòng Đào tạo, Trường CĐ Y tế Bạch Mai - nhận Huy hiệu TP HCM vào tháng 10-2021
Tương tự, 6 tháng chống dịch là chừng đó thời gian bác sĩ Hải không có một ngày nghỉ, không về nhà. Mỗi tuần, anh đều đặn làm việc 5 ngày tại bệnh viện, 2 ngày cuối tuần, thay vì ngủ bù, anh để dành dạy trực tuyến cho sinh viên. Anh Hải cho hay dù mệt mỏi thế nào nhưng khi lên lớp, anh luôn cố gắng vui vẻ để tiếp lửa cho sinh viên. Bác sĩ mới ra trường sợ nhất là đánh đổi mạng sống của người bệnh, chỉ cần làm sai một ít là ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh rất nhiều.
Trong quá trình giảng dạy, thạc sĩ Hải hay kể những câu chuyện thực tế trên giường bệnh, luôn nói với sinh viên rằng mỗi bệnh nhân sẽ có một câu chuyện khác nhau và ngoài chỉ định điều trị, bác sĩ phải khai thác, tìm hiểu rõ ràng mới có thể chữa bệnh tốt nhất được.
"Là người bác sĩ lâm sàng thì có thể cứu được 1-2 người bệnh nhưng nếu là giảng viên thì có thể đào tạo ra nhiều bác sĩ tốt để cứu được nhiều người hơn. Vì vậy, người giảng viên phải tạo được động lực cho sinh viên yêu nghề. Trong ngành y, kiến thức là vô biên, giảng viên không phải là người cung cấp 100% khối lượng kiến thức cho sinh viên, mà là người truyền lửa để sinh viên tự tìm tòi kiến thức mới, cần thiết" - anh Hải nhấn mạnh.
Khen thưởng, tuyên dương giảng viên tuyến đầu
Đợt tuyên dương các đoàn công tác hỗ trợ TP HCM chống dịch vào tháng 10, bác sĩ - giảng viên Trần Hoàng Hiệp cùng 12 cá nhân của Trường CĐ Y tế Bạch Mai đã nhận Huy hiệu TP HCM.
PGS-TS-BS Nguyễn Thanh Hiệp, Hiệu trưởng Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, cho biết ngày 19-11, để ghi nhận đóng góp của các cá nhân là sinh viên và giảng viên tuyến đầu phòng chống dịch như bác sĩ Nguyễn Phương Hải, trường sẽ tổ chức lễ khen thưởng tuyên dương. Họ sẽ được trường đề xuất TP HCM trao bằng khen.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 17-11
Kỳ tới: Sáng tạo dạy học trực tuyến trong đại dịch
Bình luận (0)